Bến Đình từng có một bến cảng sông cổ, từng phục vụ cho vương triều Nguyễn trong công cuộc mở mang và bảo vệ vùng đất phía Nam Tổ quốc.
Theo con đường mới từ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu băng qua bưng Trao Trảo, rồi vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng chiếc phà nhỏ chuyên chở khách bộ hành, xe máy là đã tới được bến Đình thuộc ấp B, Tiên Thuận, Bến Cầu. Từ giữa sông nhìn vào, còn thấy những tán dầu cổ thụ lấp ló trên đầu rặng tràm vút cao dọc bến. Thì ở đấy, từng có một gò cao, giữ nguyên vẻ hoang sơ nhờ cụm rừng cây nguyên sinh toàn những dầu và lồng mức cổ thụ mọc sum suê. Dưới tán rừng ấy là một ngôi cổ miếu. Nhỏ, đơn sơ nhưng vẫn gắng gỏi chống chọi với gánh nặng của bao thăng trầm biến đổi cả trăm năm.
Miếu bà Bến Đình |
Lên khỏi phà, đã trải ra trước mắt con đường đá nhựa tương đối êm thuận cho cả dòng xe hai bánh chạy vào thị trấn Bến Cầu, cách bến chừng non 10km. Nhưng chỉ chạy độ chừng hơn trăm mét, đã thấy gò cao ngay bên phải con đường. Dấu vết đìu hiu đã bắt đầu ngay dưới chân gò, khi qua đầu mùa mưa 2011, cỏ hoang đã mọc chờm lên che khuất lối mòn đất đỏ. Ngay đầu dốc lên, là mấy tảng đá ong nằm chỏng chơ, lút giữa những bụi gai mắc cỡ. Không phải loại đá ong người ta thường xây mộ, vì kích thước lớn hơn nhiều. Viên đá tiết diện vuông, kích cỡ 5 tấc mỗi bề và dài cả mét. Liệu có phải là một cấu kiện nền móng nào của phế tích xa xưa. Ngờ thế là vì, ai đã từng quan tâm đến di sản khảo cổ tỉnh nhà đều biết tới địa danh bến Đình, dù trước đây đó chỉ là một bến sông heo hút. Trong cuộc hội thảo khoa học về các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh đầu thấy 7.2011, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cũng đã nhắc lại giả thiết cho rằng: - Bến Đình từng có một bến cảng sông cổ, từng phục vụ cho vương triều Nguyễn trong công cuộc mở mang và bảo vệ vùng đất phía Nam Tổ quốc. Tiếc rằng, chưa đủ điều kiện để tổ chức khai quật nghiên cứu tại khu vực bến Đình, kể cả trên gò miếu và khu vực có thể đã từng là cảng. Người ta mới chỉ biết và thấy được những cây gỗ trai đen đúa đóng dọc bờ được dân địa phương moi lên, xẻ ra vẫn cho những tấm ván tốt được sử dụng đến ngày nay… Ngay mấy tấm ván bìa, vứt chỏng chơ góc bếp vẫn trơ trơ cùng năm tháng.
Nhưng không rõ vì lý do gì mà gò miếu Bà nay có vẻ tiêu điều? Hay do mấy ngày nóng bất thường trong thượng tuần tháng 7 khiến cỏ cây héo hắt. Hoặc là do đã mất đi thêm vài cây cổ thụ nào chăng? Bởi bây giờ chỉ thấy có hai cây dầu cổ thụ hai bên ngôi miếu nhỏ. Độ hơn chục cây còn lại cũng đã có vóc dáng bề thế, nhưng nhìn biết ngay là loại mới trồng độ vài chục năm nay. Ngoài ra còn là lồng mức, keo, tràm… thậm chí cả ổi và cây vú sữa. Ở rìa gò phía Bắc còn thêm một rặng tre, ai đó trồng để bảo vệ đất gò. Có lẽ điều này cần thiết, khi ở chân gò phía Nam đã có một quán cà phê võng áp sát tới. Phía này cũng có thêm một lối lên cho khách cà phê có thể lên thăm thú rừng cây, hoặc nhang khói cho “Bà”.
Trước miếu - chiếc bàn thiên quá 100 năm |
Dưới tán rừng thâm nghiêm, và chính giữa đỉnh gò là ngôi miếu Bà Chúa Xứ. Miếu có mặt bằng chữ nhật, ngang 2 mét, dài 3,6 mét, quay mặt hướng Đông về phía sông Vàm. Nhỏ vậy nhưng cũng được chia thành hai gian: Phía trước như một vỏ ca với những ô cửa đi và cửa sổ dạng vòm. Nửa sau được xây tường bốn bên, chừa cửa trước làm gian thờ phụng. Cả gian này cũng chỉ kê được 3 ban thờ, hai bàn nhỏ hai bên, chính giữa là bàn thờ Bà với đủ bộ: bát nhang, hạc chầu, ảnh thờ, chuông mõ. Nhà được lợp bằng mái ngói ta hai dốc nhưng đã hư sụt nhiều chỗ, chứng tỏ đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đời. Trước miếu còn có sân gạch tàu ngang 4 mét, dài 5,1 mét nhưng gạch cũng đã bong tróc, cập kênh nhiều chỗ. Ngay trước cái sân ấy còn một dấu tích thời Pháp thuộc. Đấy là cột mốc toạ độ đúc bê tông sạn cao lên chừng 5 tấc. Trên mặt gắn một bảng kim loại (12 x 15) cm, đúc nổi những chữ và số như sau: SG co/ Trian ON/ N O / 287. Giờ đây trụ toạ độ ghi dấu một thời thực dân đô hộ kia, cũng đã được “Việt hoá” thành một chiếc bàn thiên với cả bát nhang và lọ hoa cắm vài bông cúc héo. Rõ ràng ngôi miếu Bà Chúa Xứ trên gò đang cần những bàn tay chăm chút của những người nặng lòng với tín ngưỡng dân gian. Mà nơi ấy, giờ đây đã từ chốn xa xôi heo hút đã trở nên gần hơn nhờ con đường qua bưng và con phà nhỏ, mà từ Thị xã tới đây chỉ còn dưới 20km.
TRẦN VŨ