Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp của đất bạn Campuchia chảy vào Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dòng sông này trải dài gần 100 km.
Sông Vàm Cỏ Đông thuận lợi giao thông đường thuỷ, góp phần phát triển công, nông, lâm nghiệp cho Tây Ninh.
Dòng sông lịch sử
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông chảy từ huyện Tân Biên, đổ về ngã ba sông tại huyện Châu Thành, rồi từ đó chảy ngang qua địa bàn thị xã Hoà Thành, các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng với thuỷ trình gần 100 km.
Sau đó, sông Vàm Cỏ Đông chảy vào địa phận tỉnh Long An, khoảng 6 km, hợp lưu với Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để rồi đổ vào sông Soài Rạp, ra Biển Đông. Dòng sông này thuận lợi giao thông đường thuỷ, góp phần phát triển công, nông, lâm nghiệp. Hai bên bờ sông là nơi lý tưởng để cư dân làm ăn sinh sống và tạo nên nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử trên vùng đất Tây Ninh.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ 17, trong quá trình Tây Nam tiến, ông cha ta di chuyển dần từ hạ lưu lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ để phát triển kinh tế, văn hoá. Từ thời khai cơ mở cõi đến nay, Vàm Cỏ Đông luôn là dòng sông huyết mạch về giao thông thuỷ, chở nặng phù sa làm màu mỡ ruộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và tạo nên nhiều giá trị văn hoá tinh thần cho người dân Tây Ninh. Đến nay, Tây Ninh là nơi có lượng di tích thời sơ sử nhiều nhất Nam bộ, trong đó có nhiều di tích vẫn còn tương đối nguyên vẹn và đang ẩn chứa nhiều tầng giá trị văn hoá trầm tích, chờ ngày khai quật.
Di tích Bến Đình (thuộc ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) là một ví dụ. Di tích Bến Đình toạ lạc trên một thế đất cao, ở bờ phía Nam sông Vàm. Qua các đợt khai quật năm 2015 và 2019, các nhà khảo cổ đã phát hiện ẩn chứa dưới những lớp đất nơi đây có dấu hiệu của kiến trúc đền tháp, nhà dài, tường bao trên gò cao và vết tích của một khu cư trú, bến cảng cổ ở khu vực ven sông.
Trong quá trình điều tra, khảo sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5 m (trong đó trung tâm tại miễu thờ Bà). Ngoài ra, cặp sông Vàm Cỏ Đông còn phát hiện các hàng cọc gỗ trai lớn, có đường kính 60 cm, dài 1 m, đầu nhọn được đóng sâu dưới đất, đầu bằng phía trên cách mặt đất khoảng 20 cm.
Qua đánh giá ban đầu, đây có thể là cọc nhà sàn hoặc cầu tàu (bến tàu), của người xưa. Chứng tỏ đây là một khu dân cư đông đúc lâu đời. Ở các chân phế tích tháp phát hiện rất nhiều gạch, ngói ống, ngói bàn, ngói trang trí, ngói hình chóp, gốm nhiều chủng loại, kiểu dáng, màu sắc... có độ nung chín tương đối cao như các loại: miệng bình, vòi bình. Tầng văn hoá dày từ 80cm đến 1,2m.
Khai quật một phần cột gỗ ở Di tích Bến Đình.
Những dữ kiện thu được ở khu di tích Bến Đình, từ các vật liệu xây dựng gạch, ngói đến các vật dụng khác: gốm, chân đèn, bệ đá vuông, nắm tay tượng... bằng phương pháp so sánh, đối chiếu của các nhà khảo cổ học cho thấy di tích Bến Đình, các phế tích kiến trúc tháp thuộc nền văn hoá Óc-eo, có niên đại ở thế kỷ thứ VIII, các hiện vật gốm, ngói, vòi bình có niên đại ở thế kỷ thứ IX-X sau công nguyên.
Trong chương trình đề tài khoa học “Điều tra xác định và đề xuất giải pháp, bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”, tại di tích này, cán bộ nghiên cứu khảo cổ học cùng với Bảo tàng tỉnh Tây Ninh tiến hành đào thám sát 5 hố, đã phát hiện là dấu tích con đường đắp đất cổ dẫn từ khu di tích ra đến bến sông.
Ngoài các phế tích tháp cổ, đoàn khảo sát còn phát hiện nhiều gốm làm bằng đất sét trắng, được lọc tương đối kỹ, có độ nung kém, màu xám trắng, xương màu xám tro, xám đen, hoặc đen có niên đại khá sớm. Loại gốm có màu trắng xương mịn, màu xám tro giống gốm di tích gò Bà Chanh, ở Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng.
Ông Cái Văn Hải, cư dân làm ăn sinh sống ở Khu di tích Bến Đình kể lại, ông bà, cha mẹ của ông định cư ở đây từ thời Pháp đến nay. Trước đây, trong quá trình khai hoang, vỡ đất làm rẫy trên vùng đất ngày, ông đã nhặt được nhiều vật dụng có hình dáng, hoa văn, màu sắc khác lạ như chén kiểu, ấm tích kiểu… “Tôi đem những vật dụng này để vào miễu thờ cúng. Những năm sau này, có cán bộ Bảo Tàng Tây Ninh đến thu gom, đem về Bảo tàng bảo quản”- ông Hải nói.
Năm 2019, một chương trình khai quật khảo cổ với sự phối hợp của Bảo tàng Tây Ninh và Trung tâm Khảo cổ học đã được triển khai nhằm xác lập không gian phân bố và đặc điểm của khu di tích Bến Đình. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 5 di tích kiến trúc. Các di tích kiến trúc ở đây thuộc dạng nhà dài, tường bao và đền tháp. Các di tích này có kiến trúc, điêu khắc hoa văn có nét tương đồng với di tích tháp Bình Thạnh và tháp Chóp Mạt, nhưng đường nét lại cầu kỳ và sắc sảo hơn so với hai tháp cổ nói trên. Những phát hiện khảo cổ học này cho thấy Bến Đình hơn ngàn năm trước có thể đã là một thị tứ, cảng sông sầm uất.
Bằng những dữ liệu và thông tin phát hiện tại di tích Bến Đình cho thấy di tích khảo cổ học Bến Đình là một di tích lịch sử quan trọng, vừa là cảng thị, vừa là khu vực được xây dựng nhiều đền tháp cổ, là nơi cư trú của cư dân cổ xưa, có niên đại ở thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ thứ XI- XII sau công nguyên.
Ông Phan Văn Ga, cư dân ở gần Bến Đình là người được đoàn khảo cổ thuê làm công việc rửa sạch các hiện vật sau khi khai quật dưới lòng đất. “Qua việc làm đó, tôi mới biết nơi đây ẩn chứa nhiều đồ gốm sứ và nhiều cọc gỗ với kích thước to lớn”.
Tháp cổ Bình Thạnh- nền văn minh Hậu Óc Eo ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.
Nhiều di tích văn hoá Óc-eo
Vùng đất Tây Ninh cùng với dòng sông Vàm Cỏ Đông đã trở thành nơi định cư và phát triển của các cư dân thời sơ sử. Các di tích khảo cổ học về đời sống vật chất và tinh thần của thời kỳ này được phát hiện khắp nơi trong địa bàn tỉnh, mà nổi bật nhất là hai tháp cổ. Đây là hai trong ba di tích văn hoá Óc-eo lộ thiên được tìm thấy ở đồng bằng Nam bộ.
Di tích Bình Thạnh hay còn được gọi là tháp cổ Bình Thạnh thuộc địa bàn ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng là một cụm đền tháp được xây dựng trên một gò đất cao trên một nền đất bằng phẳng. Đây được xác định là một di tích kiến trúc tôn giáo gồm nhiều hạng mục cấu thành như các ngôi tháp, hào nước bao quanh hình chữ nhật. Các kiến trúc phụ đặc trưng cho kiến trúc đền tháp Bà-La-Môn giáo. Tháp chính còn khá nguyên vẹn, được xây bằng gạch cỡ lớn, chân móng vuông với nhiều đường bẻ góc.
Trên mặt tường Tây, Bắc, Nam có xây những cột giả, cửa giả. Cửa chính ở mặt đông gồm hai trụ đứng và một đà ngang. Mi cửa trên đà ngang chạm hình hoa lá cách điệu. Trên mặt tường hai bên có phù điêu người ngồi hoặc đứng, trong khung hình vòm cuốn bên ngoài khung là hình hoa lá hay ngọn lửa cách điệu. Trong lòng kiến trúc, trên mặt tượng có ba vòm xây lõm, có thể là nơi đặt các tượng Kudu hoặc đèn.
Bên sông Vàm Cỏ Đông còn có chùa Thiền Lâm, mà người dân còn gọi với tên dân gian là chùa Gò Kén. Ngôi chùa này được nhiều người biết đến là nơi đánh dấu sự ra đời của đạo Cao Đài, một tôn giáo nội sinh của Tây Ninh.
Chùa Gò Kén hiện còn bảo tồn một hiện vật khảo cổ quý giá là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá sa thạch trên đài thờ chính điện. Đó là pho tượng Phật ngồi kiết già, hai bàn tay thủ ấn thiền định. Tượng với đường nét mềm mại, thể hiện vẻ điềm tĩnh bao dung. Pho tượng này được phát hiện ở rạch Vàm Trảng, một nhánh của sông Vàm Cỏ Đông vào ngày 1.1.2014.
Sông Vàm Cỏ Đông từ bao đời nay tạo nên nhiều giá trị văn hoá tinh thần cho người Tây Ninh. Và, con sông thân thương này vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng người Tây Ninh...
Đại Dương