Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bên kia sông
Thứ hai: 18:03 ngày 08/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới lớp 5, thấp tè như cây nấm tôi đã một hai đòi đi chăn bò. Chị Sáu mama tổng quản đàn bò nhà 5 con nghe mừng vấp té. Còn hỏi, năm nay chị Sáu lớn tồng ngồng ra gái, vác roi theo đuôi bò hoài chắc thấy mắc cỡ với mấy anh trai.

1.

Vậy nhưng, cẩn thận, chị vẫn kìm cương niềm vui chưa trót, dòm lom lom tôi với ánh mắt… đa nghi: có âm mưu gì không đây?? Ðâu có nà, tôi cười toe, là em thích chăn bò thôi, qua sông vui thấy mồ…

 Hỏi má, má, gạt phăng: Nhiều chuyện! Cái thân cao thước mốt, đi đứng ục ịch như vịt bầu, theo sao kịp bò mà chăn! Không chịu thua, tôi cứ đu nhèo nhẹo má suốt sáng chí chiều, nửa đêm còn nằm khóc rấm rứt. Má quát: Gái, sao không chịu ngủ?? Con thèm… chăn bò qua sông, híc… Má bật cười: trời đất, thuở đời nay tao mới thấy có đứa khóc đòi đi… chăn bò á bây! Thôi, ngủ đi cô nương, mai tui cho đi. Nhớ: chạy không kịp, bò nó mang lăn chiêng thì đừng có nhè…

Má quá lo xa, sao lăn chiêng được? Thấy tôi… ục ịch vậy chớ sáng dạ lắm à. Học ở trường tôi luôn xếp thứ hạng cao. Chuyện thiếu sức ta dùng trí “bù lỗ”, dễ gì thua. Theo phụ việc chị Sáu dăm hôm là đủ để tôi tốt nghiệp bằng đỏ khoá… nghiệp vụ chăn bò, được chị yên tâm “bàn giao ấn tín” ngon ơ. Nói ngay, “bí kíp” của tôi là: chuyện làm được thì làm; chuyện không được thì theo… nhõng nhẽo mấy anh lớn: bò ra khỏi chuồng, nhập đàn lùa đi có các anh lùa giùm. Vô núi, bò tự tìm cái ăn. Chiều về, bò ra sông có các anh tắm giúp. Tôi bé nhất hội (chăn bò), lại con gái nên anh nào cũng thương. Bò no, bò sạch được ba má khen: con nhỏ coi “hột tiêu” vậy mà được chuyện ghê! Tôi khúc khích cười thầm…

2.

Vườn điều bên chân núi Chai đang mùa rộ trái.

Tình thiệt khai ngay, tôi một hai xin đi chăn bò là do mê cái vườn điều ấy. Tiếng “vườn” nhưng kéo dài theo chân núi hàng cây số, mênh mông bát ngát như rừng. Chăn bò bên kia sông thủ theo gói muối là tha hồ… ăn nhậu. Thả bò xong, cả lũ nhao vô rừng tìm chùm rụm, duối, ổi rừng, vú dẻ, chim chim… Không món này ắt có món kia. Cùng lắm “mất mùa” sạch trơn cũng còn được món… lá giang. Chua chua chấm muối mà nhai. Cũng ngon. Lá giang bạt ngàn, ăn hoài quanh năm không sợ hết. Vậy nhưng, tới mùa điều chín thì khỏi sục sạo đâu cho mệt.

Ông Ba Tráng chủ vườn cho lũ nhỏ vô ăn điều mệt nghỉ. Tha hồ hái trái ăn, hái đem về cũng ok luôn, chỉ giao hẹn một điều: trước khi ra về phải ghé “trạm gác” ông Ba mà… nộp hột! Vườn điều của hợp tác xã, ông Ba thương binh không làm được việc nặng nề nên nhận khoán trông coi, lời ăn lỗ chịu, nghe ba bảo vậy…

Bình thường ông Ba Tráng rất hiền, còn vui tính. Chỉ đến chiều vác roi canh cổng vườn phòng lũ nhỏ “chôm” hột điều, ông mới biến thành “ông hung thần” thật sự. Anh cu kia, bỏ tay ra coi, cái gì giấu giấu sau vạt áo? Hột điều chớ gì. Mấy hột? hai à, vậy thì… hai roi, đưa mông đây! Chị gái này nữa, cái gì cộm lên dưới lưng quần, khai mau? Lại cũng… hột điều chớ gì, 10 hột 10 roi, chiếu cố thành khẩn khai báo, giảm án còn… 5 roi. Cho nhớ, lần sau không tái phạm.

Không “gian kế” của đứa nào qua được cặp mắt cú mèo của ông Ba Tráng.

Khổ nỗi, cái món hột điều nướng cháy đập lấy nhân ngon quá xá ngon, ăn một lần là ghiền, cứ muốn ăn thêm. Vị nhân hột điều béo, bùi, thơm như đậu phộng nhưng ngon hơn đậu phộng gấp… mười lần. Mùa điều năm ngoái, chị Sáu xin đâu về nướng cho mấy hột. Kể từ đó, đêm đêm tôi cứ nằm mơ thấy món hột điều nướng. Nhà bác Tư hàng xóm có cây điều; nhưng đừng mơ: mùa điều chín, bác gái canh lấy hột còn kỹ hơn canh tù, con bác cũng không rớ được.

Bác bảo, để bán lấy tiền, hột điều đang có giá, có đâu cho tụi bây ăn chơi? Vậy nhưng, nhà bác Tư mỗi một cây điều thì còn hiểu được; chứ ông Ba Tráng - cả vườn điều to tướng mênh mông, lấy bớt ít hột thì mắc mớ chi đâu. Vậy mà ổng canh, bắt sát rạt. Rõ đồ… keo kiệt, tôi lầm bầm.

Tôi quyết tâm tìm kế “qua mặt” ông Ba Tráng.

3.

Cái mũ tai bèo anh Hai cho quả là đắc dụng!

Xẻ một rãnh nhỏ lớp vải chỗ vành giáp thân mũ, khéo léo nhét hột điều luồn vào trong. Hột này kế hột kia, chạy giáp vòng, mỗi ngày tôi cầm cái mũ “phi pháp” chứa gần chục hột điều bên trong tỉnh bơ đi qua “trạm gác” ông Ba mà không ai hay. Giấu khéo một chuyện; nhưng “ăn tiền” chính ở cái to gan, mặt mày không biến sắc mỗi lúc giáp mặt ông Ba. Cả ngày tôi siêng sắn chui bờ lủi bụi lượm điều rụng giúp ông Ba.

Nhỏ người cũng có cái lợi; chứ to kềnh như ông Ba sao chui được? Ông Ba thương tôi. Thương thì tin. Tin thì bớt xét nét; vậy càng vững bụng để ngày ngày mạnh chân đi qua “trạm gác” của ông mà không phải ngập ngừng...

Hột điều “chôm” từ vườn ông Ba tôi mang về rủ con Út Ðẹt đem vô bếp nướng. Vỏ hột cháy, khói khét lẹt, đen mù tuôn sặc sụa. Má quát: mồ cha bây, ăn cắp hột điều ở đâu đem nướng hả? Tôi chống chế: là con… lượm! Má nghi ngờ, hăm he: coi chừng đó, có ngày ông Ba ổng bắt cột gốc điều…

*

Chục hột điều chia cho hai cái “tàu há mồm” của chị em tôi quả chẳng thấm tháp.

Cần phải bạo gan hơn nếu muốn ăn cho đã miệng. Con Út Ðẹt cứ luôn mồm ca cẩm: chị Tám lụm hột gì ít xệu, sao không lụm nhiều nhiều? Mày… tự đi mà lượm! Tôi cáu tiết. Con Út phụng phịu, chảy nước mắt. Vừa dỗ nó, đầu tôi vừa căng lên với cái kế hoạch làm sao “đánh” một mẻ to trước khi mùa điều kết thúc. Tháng 5 rồi, vườn điều sắp hết trái. Chợt nhớ chiếc mũ tai bèo với cái áo khoác. Thiếu chút nhảy cẫng. Phải rồi, chiều nào tôi cũng cởi áo khoác cuộn tròn, đùm vô mũ để qua sông cho khỏi vướng kia mà…

4.

Mạnh dạn, phăm phăm tiến thẳng qua mặt ông Ba đang sừng sững như ông thần, tay chống nạng, tay vung roi. Không sợ; áo khoác hôm nào mình chẳng cuộn tròn nhét lòng mũ, có gì lạ đâu! Chiều nay tôi chui bờ lủi bụi giúp ông Ba lượm hột điều hăng hơn mọi hôm. Mình tôi mang nộp ông hơn nửa rổ hột. Ông Ba ưng ý lắm. Ông xoa đầu, khen tôi giỏi, còn lọc cọc chống nạng ra đầm bứt cho tôi mấy cái gương sen bự chảng…

Tự nhủ vậy mà sao vẫn thấy… hơi run. Run thật rồi, không phải “hơi”. Chắc mặt tôi đang tái lét. Nửa rổ hột điều gói gọn trong áo khoác, lèn cứng lòng mũ chớ ít đâu. Cả buổi chiều, cứ hai hột điều lượm được tôi đem giao ông Ba một; một giữ làm của riêng. Chuyện ấy ông Ba không hề hay. Quái, mồ hôi ở đâu tuôn dầm dề, ướt đẫm sống lưng. Còn nữa, cái mũ hột điều bỗng dưng nặng đến trĩu tay. Lạy trời thương cho con trót lọt. Một lần này thôi, con xin hứa, chỉ một lần…

Ông Ba nhìn tôi đi qua. Ánh mắt ông là lạ.

Nè, Gái…, ông Ba bỗng gọi giật. Tim tôi thoi khỏi lồng ngực, chút rớt bịch. Tôi chỉ còn sức đứng trân trời trồng, từ từ quay mặt. Cảm giác mặt tôi cứng đơ như làm bằng sáp. Lưỡng lự sao đó, ông Ba lại tặc lưỡi, xua tay: thôi… Nghe tiếng ông chép miệng, thở dài…

*

Má quát:

- Mầy lấy hột điều ở đâu, khai mau!

- Dạ con… con lấy… ở…

- Ở… vườn ông Ba phải không? Tao biết ngay mà! Con ơi là con (rút roi đánh soạt), tao dặn mầy bao nhiêu lần rồi hả Gái? Thèm lắm xin vài hột ăn chơi; mầy trộm cả mũ mang về thì còn đâu công của nhà người ta? Mầy có biết: cả nhà ông Ba sống nhờ cái vườn điều í không? Nằm sấp xuống, con kia! Trót, cho chừa cái tội trộm cắp hoang lung. Trót, cho chừa cái tội không nghe lời cha mẹ…

Hai roi đã đủ để tôi… tè ra quần. Tôi vốn nhát đòn số một. Má thu roi, hằm hè:

- Mai mang hết hột điều qua sông trả ông Ba. Thiếu một hột thì đừng trách tao…

*

Ðêm ấy tôi mơ thấy mình vừa khóc bệu bạo vừa mang mũ hột điều lội sông trả ông Ba Tráng. Những tưởng ông sẽ gầm lên, vung roi “tính sổ” cái tội to bằng đình của tôi. Nhưng kỳ chưa, ông Ba không trách mắng gì. Ông còn xoa đầu tôi, cười khà: ông biết, thế nào con cũng đem trả…

Y.N

Tin cùng chuyên mục