Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - “Nắng chiều sắp tắt ở ven sông/ Phủ bóng hoàng hôn thắm núi rừng/ Mây nước chập chùng chim sải cánh/ Gợi sầu cho khách nhớ mênh mông/ Có ai về đấy! cho tôi nhắn/ Tôi còn nhớ mãi bến Tầm Long…”.

|
Miếu Bà Xóm Ruộng.
Đến đây thì bạn đọc hẳn đã nhận ra tác giả viết về bến nước nào rồi trên đất Tây Ninh. Đó là mấy câu trong bài thơ “Trăng nước Tầm Long” của nữ sĩ Phan Phụng Văn viết từ năm 1959. Bến nước ấy còn có: “Lơ thơ cây rủ ven bờ/ Lều tranh lúa biếc lờ mờ hơi sương/ Chân mây rừng thẳm chập chùng/ Trông xa rồi lại trông gần bâng khuâng…” (Thơ Hai ku, PPV, Nxb Văn Nghệ 2008).
Nữ sĩ giờ đây đã yếu vì tuổi cao nhưng hồn thơ vẫn đầy lai láng; gặp người từ Châu Thành về, vẫn hỏi chuyện bến Tầm Long. Thưa với nữ sĩ rằng, bến nước ấy vẫn còn vì nó chẳng thể đi đâu được! Nhưng bến giờ hoang vắng lắm, bởi ngày nay tiện lợi về đường bộ nên sông chẳng còn mấy ghe thuyền.
Lại thêm chuyện đất đai thời công nghiệp hoá, một phần bến xưa đã trở thành đất của một công ty nào đó chuyên làm phân bón. Không còn thấy cảnh như cách đây trên dưới 10 năm vẫn có vài chiếc xuồng con cắm sào đứng đợi. Nhưng vẫn còn đây những “lơ thơ cây rủ” hoặc “lều tranh lúa biếc” và cả lục bình “trôi nổi lênh đênh”, thậm chí có lúc quá nhiều lục bình để mặt sông chỉ một màu xanh giăng kín. Cũng cần nói rõ hơn là lều tranh không phải là căn nhà ở của dân nghèo như trước mà chỉ là những chiếc chòi canh ruộng, hoặc chòi giữ lưới giăng câu.
Vậy nếu ai có muốn tìm lại bến Tầm Long, để kiếm một chiếc xuồng qua sông sang bên kia Hoà Hội thì cứ hỏi thăm chủ căn nhà ngói xưa ở bên tay phải bến. Bác chủ nhà sẽ chỉ cho ta tìm bến khác. Đó là trở ra đường trục xuyên dọc ấp Tầm Long (thuộc xã Trí Bình, huyện Châu Thành), rẽ trái tới vườn cây cao su đầu tiên rồi theo đường bờ rẽ trái tiếp, rồi ta sẽ gặp một bến thuyền của mấy nhà dân chài lưới.
Bến mới này còn chưa có tên. Nhà cũng chỉ mới có vài ba ngôi cặp sát mé sông, ngôi nào cũng có một chút sàn tre, gỗ tạp phòng mùa nước lớn. Ngay trước sàn tre là mấy cây gừa rủ bóng lên dăm ba chiếc xuồng con. Composite đàng hoàng, lại gắn máy hẳn hoi đang nằm giữa lục bình lúp xúp.
Vậy phải có một lý do nào để bến Tầm Long xưa trở thành một cái tên khá nổi tiếng ở Tây Ninh chứ! Các cụ cao tuổi nhớ rằng xưa từng có một xóm dân cư đông đúc và làm ăn phát đạt ở đây. Khi ấy bến còn nhiều cây cổ thụ.
Nói đâu xa, ngôi nhà cổ ở trên đường Nguyễn Đình Chiểu với mặt tiền gỗ chạm đầy điêu khắc gỗ rất đẹp của thành phố Tây Ninh cũng là của một người dân trên bến Tầm Long chạy về từ những năm chiến tranh ác liệt giữa thập niên 40 của thế kỷ trước. Bên kia là ấp Bưng Rò, Hoà Hội; bên này là Trí Bình đều cùng miên man đồng lúa và nước sông Vàm Cỏ Đông thuở ấy còn “xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”. Lúa gạo, cá tôm nhiều không xiết kể, hỏi sao không trù phú!
Nhờ chiếc ghe máy của bác chủ nhà mà tôi có thể quan sát thêm và hiểu thêm chút ít lịch sử bến Tầm Long. Chiếc ghe cứ xé phăng từng mảng lục bình nổi trôi để hết xuôi rồi lại ngược dòng. Xuôi độ trăm mét gặp con rạch nhỏ rẽ về bên hữu ngạn. Chèo thêm 300 mét đã có thể bước lên khu vườn của một nhà dân ở ấp Bưng Rò. Sau vườn ấy là cả một khu gò cao mà người địa phương gọi là Gò Tháp. Các cụ cao tuổi ở Bưng Rò bảo xưa, đây là nơi ông Trương Quyền từng dựng chòi canh quan sát, đề phòng quân Pháp tấn công.
Chuyện ấy trong sử viết thì xảy ra vào các năm 1865 đến 1867. Nhưng Gò Tháp với gạch vỡ và mảnh sành sót lại chắc chắn còn có lịch sử xa hơn, trên dưới 1.000 năm. Trở lại sông Vàm, rồi băng ngang sông chếch phía hạ lưu vài trăm mét vẫn còn một bến sông khác gọi là bến Miễu. Cái gò giáp bến ấy có ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ nay đã được tôn tạo khang trang, nghiêm ngắn với cả một pho tượng Phật Bà trên hồ sen sát mí sông.
Ghe thuyền của khách thương hồ có tín ngưỡng có thể lên bến miễu để thắp nhang cầu cúng Bà trong miếu. Có lẽ bởi thế mà bến Tầm Long trở nên hoang vắng. Từ đây lại ngược dòng lên không quá 1km sẽ gặp ngôi đình Hoà Hội tinh khôi ngói đỏ tường vàng soi mình trên mặt nước Vàm Cỏ Đông.
Ở đoạn này, tâm hồn người trở nên phóng khoáng hơn bởi chỉ còn những cánh đồng vàng lúa trên cả đôi bờ Tầm Long và Bưng Rò - Hoà Hội. Lúa vàng trải đến mênh mông chỉ tiếc đã vắng giọng hò như thơ Phan Phụng Văn đã tả. Bên phía Hoà Hội, có người vẫn nhớ năm 1969, có giống lúa NN1 do bộ đội mang vào gieo trồng trên đất Hoà Hội mà người dân nơi đây gọi là giống lúa Bác Hồ.
Từ đình Hoà Hội, đi bộ hơn trăm mét là đến khu mộ của tộc họ Nguyễn, một trong những dòng họ đầu tiên đến khai mở đất này từ khoảng năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh đã lấy lại ngôi vua từ triều Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Xuôi theo dòng độ hai trăm mét, lại có khu mộ của tộc họ Trương Công sống ở cả hai bên sông Trí Bình và Hoà Hội.
Một trong những ngôi mộ xưa nhất trong khu mộ họ Nguyễn vẫn giữ nguyên cấu trúc xưa, đá xanh quây quanh và mộ chí cũng đá xanh đẽo tạc hình hoa lá, đá bia khắc chữ Việt có nội dung: Linh vị/ Lê Thị Phong 1801/ Làng Hoà Hội/ Tổng Hoà Ninh/ Hạt Tây Ninh. Tuy không ghi năm mất nhưng nhờ chữ Hạt (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc từ 1867 đến 1899) ta có thể đoán định ra năm mất cũng thuộc thế kỷ XIX.
Bờ bên này thuộc xã Trí Bình còn một ngôi đình nữa là đình Tầm Long cách bến chỉ vài trăm mét. Tất cả những di vật lịch sử kể trên, đều ở trong bán kính không quá một km, tính từ bến Tầm Long. Vậy mà hình như cái bến sông này đang bị rơi vào quên lãng.
TRẦN VŨ