Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bên những mảnh đời không may

Cập nhật ngày: 17/11/2011 - 11:17

Nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi dạy trẻ khuyết tật còn khó gấp trăm lần. Những người làm công việc này không chỉ dạy chữ mà còn phải chăm chút từng chén cơm, manh áo, kể cả việc vệ sinh cho trẻ-những công việc mà nếu thiếu cái tâm sẽ khó lòng theo đuổi.

Cô Lê Thị Hồng Phượng và những đứa trẻ ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị

Hình ảnh cô bảo mẫu tên Lê Thị Hồng Phượng hằng ngày đạp xe đạp “cọc cạch” đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh làm việc không còn xa lạ với người dân ở khu vực quanh đấy trong cả chục năm qua. Với các em học sinh đang được chăm sóc ở Trung tâm, sự vất vả đó chỉ có thể cảm nhận được qua lời kể của các thầy cô giáo.

Tốt nghiệp trung cấp dược nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, không có điều kiện theo nghề được đào tạo, cô Phượng đành ở nhà buôn bán để được chăm sóc, gần gũi mẹ già và tham gia công tác xã hội tại địa phương. Trong những lần đến thăm Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh) trước kia, cô Phượng luôn mong ước một ngày nào đó Tây Ninh cũng có một ngôi trường như thế, để cô có thể góp sức chăm lo cho những em nhỏ không may bị mất đi ánh sáng. Vì thế, khi Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị bắt đầu hoạt động từ năm 2000, cô đã xin vào làm việc ngay. Lúc đó, cả Trung tâm chỉ có… một học sinh.

Cùng tấm lòng thương yêu trẻ khuyết tật, thầy Phạm Phi Hùng và cô Nguyễn Thị Hương Giang (cùng 37 tuổi) – đôi vợ chồng giáo viên của Trường Dạy trẻ Khuyết tật Tây Ninh hơn 10 năm qua vẫn ngày ngày miệt mài đến trường để chăm sóc, dạy dỗ các em. Ngay từ khi còn đi học cả hai người đều đã nuôi ý định sẽ làm công việc chăm sóc cho các em khuyết tật tỉnh nhà. Thầy Hùng tâm sự: “Có lẽ do có cùng ước nguyện mà vợ chồng tôi đến với nhau. Cùng chí hướng nên dễ chia sẻ, thông cảm lẫn nhau. Chúng tôi hạnh phúc với lựa chọn của mình”.

Cơ duyên đến với nghề của cô Nguyễn Thị Tú Trân, cũng là giáo viên khiếm thính Trường Dạy trẻ Khuyết tật Tây Ninh có hơi khác. “Sau khi học phổ thông xong, tôi thi ngành tật học. Một phần do đồng cảm với hoàn cảnh các em khuyết tật, một phần do hiếu kỳ. Tôi thường thắc mắc không biết trong hoàn cảnh như thế các em nghĩ gì để vươn lên cuộc sống”.

Cô Phạm Thị Hiệp, hiện là Hiệu phó Trường Dạy trẻ Khuyết tật, trước năm 2003 là giáo viên Trường mẫu giáo 19.5 (Hoà Thành) cho biết: Cô đến với ngôi trường này với mong muốn dành những năm tháng còn lại của nghề giáo cho những trẻ em kém may mắn trong đời. Gần 10 năm trong nghề dạy trẻ khuyết tật, cô không khỏi băn khoăn về tương lai của các em khi đến nay, vẫn chưa có trường lớp liên thông từ tiểu học lên trung học dành cho đối tượng này.

Hiện Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị có 16 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2 người thuộc ngạch giáo viên. Mọi người ở đây, dù với vai trò, vị trí nào cũng luôn có ý thức giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ chăm lo các em học sinh (hầu hết đều ở nội trú). Công việc thường ngày của các cô, các thầy phải cầm tay chỉ việc cho từng trẻ, từ những việc đơn giản nhất, để mai này khi ra đời, các em có thể tự chăm sóc bản thân mình. Để làm được điều đó cũng không phải dễ.

Các em học sinh Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh

“Vợ chồng tôi khi vào dạy ở đây, chưa được học về cách chăm sóc trẻ khuyết tật nên gặp rất nhiều khó khăn, phải bắt đầu học lại từ đầu. Ngày lên lớp dạy các em, tối đến phải cặm cụi đèn sách để… học cho thuộc cách phát âm, bảng chữ dành cho trẻ khiếm thị, khiếm thính. Đó là những ngày rất vất vả, nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của các em là mọi cực nhọc cũng qua đi”- thầy Hùng cho biết. Là người trẻ tuổi nhất làm công tác chuyên môn tại Trung tâm, cô Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Khi mới vào, tôi cũng rất bỡ ngỡ. Phải làm sao để học sinh hiểu được tấm lòng mình- tấm lòng của người anh, người chị. Người nào làm công việc này cũng phải kiên nhẫn, không được nóng nảy, bực bội kể cả khi các em nghịch ngợm phá phách. Phải hết sức nhẹ nhàng mới dạy được”.

Những ngày lễ tết, kể cả Ngày Nhà giáo 20.11 đối với các cán bộ, nhân viên, các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật không tưng bừng, rộn rã như các đồng nghiệp ở trường phổ thông nhưng không vì vậy mà thiếu vắng những niềm vui, niềm hạnh phúc, hạnh phúc của người thường được học trò gọi bằng ba, mẹ với tình cảm thân thương. Thầy Hùng kể: “Những ngày lễ, các em thường ôm bó hoa bằng nhựa đi tặng cho từng thầy cô. Các em nhất quyết phải gặp mặt để đưa tận tay, chứ không chịu cho ai nhận thay cả”. Cô Phượng tâm sự: “Hai năm sau tôi đến tuổi hưu. Nhưng nếu có thể, tôi vẫn muốn được gắn bó mãi với nghề, với các em”.

TIẾN LỰC  – HẢI NAM