Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Bên suối Tổng Du
Thứ bảy: 07:45 ngày 28/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quay lại thấy suối Tổng Du ào ạt chảy bên hông một nhà máy chế biến củ mì. Nước đã tràn lên mấp mé mí đường. Nhớ tiếc những vạt cỏ non, chú trâu giữa bụi cỏ gai bên đường ngơ ngác. Ðoạn suối gặp đường, nước phải chui qua đường cống. Bên kia là tiếng nước réo sôi lên ùng ục.

Lên Phước Vinh lần này, tôi tính đi tìm vài địa chỉ đỏ để mách cho dân phượt. Là vì con đường 788 từ ngã ba Vịnh lên Phước Vinh đã láng lẩy mịn êm mặt bê tông nhựa. Từ thành phố Tây Ninh đi lên bằng xe máy chỉ mất 30 phút là cùng.

Phước Vinh mà có lần tôi đã ví như một “thủ đô gió ngàn” của cả hai thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ðấy là nơi đóng căn cứ của nhiều lực lượng quân, Dân Chính Ðảng. Tính thì có căn cứ Tỉnh uỷ tại Bàu Hang. Trường Hoàng Lê Kha, Trường Chính trị cũng từng có nhiều năm đóng ở các bến Băng Dung, Cây Sao, Thâm Thái…

Các cơ quan thuộc Miền (R) như Tuyên huấn, An ninh, Binh vận, Quân y, rồi Y4 Sài Gòn cũng từng ở Phước Vinh phía có bàu Rau Muống, suối Tổng Du. Nơi đây được xem như ATK (an toàn khu), vùng đệm, vùng cửa ngõ của các căn cứ Trung ương Cục và Mặt trận.

Chuyến này tính sẽ ngược rừng. Tìm những Bàu Hang, Trảng Cồng, bàu Rau Muống, trảng “Chiếu bóng” hay trảng “Máy bay bắn trâu…”- những cái tên chỉ đọc lên đã gợi lại một thời gian truân mà bừng bừng khí thế lạc quan tươi sáng.

Ðấy, như “Máy bay bắn trâu” là cái máy bay bà già suốt ngày lượn vè vè, chỉ để tìm trâu nhằm bắn. Vì chúng biết trâu là của chiến sĩ và nhân dân cách mạng. Diệt trâu, cũng là diệt luôn những nương rẫy của thời “lên ngàn”, triệt đi nguồn sống của con người. Còn trảng “Chiếu bóng” lại là nơi có đoàn chiếu bóng cách mạng lần đầu tiên về phục vụ quân dân huyện Châu Thành.

Sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh (sơ thảo, Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh xuất bản 1985) kể rằng: cái tên đầu tiên của trảng là Nhện Hùm, do sau lũ Nhâm Thìn 1952, nhện hùm bị lũ xua lên kết thành chùm trên các ngọn cây. Chúng lập tức bị bắt và bị chế thành món ăn cho quân dân ta chống đói.

Sau lũ thì có đoàn chiếu phim lên và người dân Phước Vinh lần đầu tiên được xem những bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh nước nhà. Phim có: “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa…”; có cả hình ảnh Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Ai từng được xem hẳn vẫn còn nhớ mãi.

Nhưng ai mà học được chữ ngờ! Cứ thấy nắng hửng lên là đi, đâu nhớ mấy ngày trước 19.10 trời ào ào mưa lớn. Và cũng chẳng thể ngờ, cái vùng sâu xa tưởng là vùng cao ấy của tỉnh nhà lại trở thành một “rốn nước” sau mưa.

Vậy nên chỉ theo đường vào ấp 1 khoảng 3km, đến suối Tổng Du là buộc phải quay xe lại… Vì đi thêm vài cây số nữa, hỏi đường một người canh giữ vườn cao su, được anh bảo: đây cũng đã gần bàu Rau Muống lắm, nhưng không thể đi vào vì các lô cao su đã ngập. Quả có thế thật.

Quay lại thấy suối Tổng Du ào ạt chảy bên hông một nhà máy chế biến củ mì. Nước đã tràn lên mấp mé mí đường. Nhớ tiếc những vạt cỏ non, chú trâu giữa bụi cỏ gai bên đường ngơ ngác. Ðoạn suối gặp đường, nước phải chui qua đường cống. Bên kia là tiếng nước réo sôi lên ùng ục.

Lại nhớ đến tấm ảnh trang 1 báo Tây Ninh ngày 21.10 chụp bên ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, cách Phước Vinh có một dòng sông. Nhìn là thấy rõ nguyên nhân vì sao vỡ cả bờ đê cũng là con đường. Ðó là vì cống thì nhỏ, mà lượng nước muốn chảy qua quá lớn nên gây sự cố. Bài học ấy các lực lượng làm đường cũng nên ghi nhớ.

Giữa khung cảnh ầm ào mà hoang vu ấy, bỗng nổi lên tiếng người gọi í ới. Nhìn qua suối, thấy ngay một bác nông dân đang cắt cỏ voi. Bác mặc áo xanh công nhân nhưng chiếc quần vẫn màu ka-ki bộ đội. Hỏi thăm, mới biết bác quê ở tận tỉnh Thái Bình. Bác kể: con đi bộ đội biên phòng, đến tuổi hưu bác vào ở với con khi con chọn đất Phước Vinh làm nơi sinh sống sau khi rời quân ngũ.

Người nông dân ấy sinh ra trên miền quê lúa, yêu quý từng tấc đất hoang, nên ông sang trồng cỏ voi nuôi bò trên rẻo đất thừa ra cặp suối Tổng Du và bên hông tường rào nhà máy. Ông khoe đã có đàn bò gần cả chục con. Lại có cả vườn chanh bên kia đường đang kỳ cho trái. Quả nhiên, bờ suối bên kia đang rập rờn, mát mắt những trái vàng, xanh. Còn bên này là cỏ voi, cao như mía cũng đang tốt ngợp mặc cho con suối ồn ào nước xiết.

Chợt nghĩ, người đàn ông tuổi ngoài 70 kia quả thật tinh đời. Cái miền đất từng một thời vang bóng này trước sau gì cũng trở thành một địa chỉ đỏ rạng ngời. Không khéo tới đây sẽ có những dòng người đổ xô về làm du lịch. Còn lúc này vẫn đang là một miền quê đầy ắp những xanh tươi.

Hỏi đùa ông: liệu bác có dành cho em một rẻo đất dư nào không, khi em đã hết nợ với nhân gian, ông cười vang bảo: lên đi! Ðất trời này còn mênh mông lắm.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục