Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bến xe khách ở Tây Ninh: Chưa đồng bộ
Thứ tư: 06:23 ngày 23/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao nhưng việc xây dựng các bến xe chưa đồng bộ. Nơi có bến xe thì đã xuống cấp. Có nơi không còn bến xe.

Bến xe Hoà Thành có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoạt động (ảnh chụp năm 2015).

Bến xe khách thị xã Trảng Bàng: Xuống cấp

Những năm gần đây, bến xe khách thị xã Trảng Bàng hoạt động khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng ở đây đang xuống cấp.

Mặc dù những ngày qua không có mưa to, nhưng sáng 17.8, trong bến xe Trảng Bàng vẫn ứ đọng nhiều vũng nước khá to. Có nơi, vì mặt nền bị sụp lún khá sâu, người dân kinh doanh thức ăn, nước uống trong bến xe phải dựng cọc cảnh báo.

Trong bến luôn có các loại ô tô con, ô tô tải, ô tô khách lui tới. Mỗi lần các phương tiện giao thông này ra vào bến đều phải chạy ngang những vũng nước, làm nước bắn tung toé. Có những vũng nước khá sâu, khiến bánh xe bị sụp, làm xe rung lắc.

Một tài xế điều khiển xe chở khách phàn nàn: “Bến xe gì mà lỗ hang. Trời mưa là nghỉ vô luôn, nước ngập như miền Tây”. Ông Trần Văn Minh, người dân cư ngụ gần bến xe Trảng Bàng và có nhiều năm hành nghề chạy xe ôm ở đây nói rõ hơn: “Trước đây, mỗi khi mưa lớn, nước ngập gần như khắp nơi trong bến xe. Có khi nước ngập lên khá cao. Nhờ người dân ở đây khai đường dẫn nước thoát xuống cống rãnh nước mới bớt ngập, nhưng vẫn còn bị ứ đọng ở những chỗ trũng”.      

Không chỉ có tình trạng ứ đọng nước, trong khuôn viên bến xe Trảng Bàng còn có một số vật dụng và rác thải nhếch nhác. Bên trong hàng rào bến xe có cây hoang, cỏ dại mọc um tùm. Có nơi, dây leo trùm lên kín cả một đoạn bờ tường dài gần 10 mét.

Dọc theo hàng rào còn có nhiều vật dụng gia đình vứt ngổn ngang như bàn, ghế nhựa, kính thuỷ tinh, thùng nhựa đựng nước, nhiều khối bê tông xi măng, v.v… Sâu bên trong bến xe là trụ sở cũ của các đơn vị còn bảng tên: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 742; Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao; Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Trảng Bàng; Trạm Khuyến nông; Trạm Bảo vệ thực vật.

Nhiều năm nay, các công ty, trụ sở này đã khoá cửa, di dời đi nơi khác. Phía trước hành lang của những nơi này trở thành nơi tập kết những thùng chứa rác, trụ đèn và những vật tư đèn cao áp. Ngoài ra, còn có nhiều cây xanh mọc trên hành lang và rác thải sinh hoạt vương vãi khắp nơi. Trên một bãi đất trống trong khuôn viên bến xe có đống rác thải sinh hoạt.

Ông Trần Ngọc Trực- Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, từ năm 2021, Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh thuê mặt bằng này làm bến xe khách và đang hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, thị xã Trảng Bàng dự kiến cho đơn vị khác thuê vị trí này để xây dựng trung tâm thương mại. Đồng thời quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe thị xã Trảng Bàng ở một vị trí mới tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, với diện tích hơn 3 ha.

Về hiện trạng bến xe Trảng Bàng bị sình lầy, đọng nước, cỏ rác, ông Trực chia sẻ, UBND thị xã Trảng Bàng đã giao cho Phòng Quản lý đô thị làm việc với lãnh đạo Công ty Đồng Phước, yêu cầu công ty vệ sinh, sửa chữa mặt bằng bến xe, bảo đảm bến đỗ, phương tiện giao thông vào ra. Công ty này đã cam kết sẽ triển khai sửa chữa nhanh bằng cách đổ bê tông xi măng đường vào bến xe và vệ sinh trong khuôn viên bến xe.

Về việc khuôn viên bến xe Trảng Bàng có nhiều xe chứa rác, ông Trực giải thích, trong bến xe không phải là bãi rác và cũng không phải là điểm tập kết rác. Nơi đây mặt bằng rộng rãi nên Phòng Quản lý đô thị cho công nhân thu gom rác để nhờ thùng chứa rác. Còn rác sau khi thu gom, được xe chuyên dùng chở thẳng đến bãi rác thải ở huyện Gò Dầu để xử lý.

Bến xe huyện Gò Dầu: Đã xây dựng siêu thị

Nhiều năm trước, bến xe huyện Gò Dầu (toạ lạc ngay trung tâm thị trấn Gò Dầu) từng là bến đỗ, trạm cuối của các tuyến xe buýt từ TP. Tây Ninh đến Gò Dầu. Mặt khác, là nơi dừng trả, đón khách của tuyến xe buýt từ huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và ngược lại.

Ngoài ra, nơi đây còn là nơi tập trung của các chiếc xe khách (loại 16 chỗ) của tuyến huyện Tân Châu - Gò Dầu. Hầu như lúc nào ở bến xe này cũng có các phương tiện chở khách của các tuyến xe kể trên ra, vào tấp nập. Buổi tối có nhiều xe đỗ tại bến để sáng sớm hôm sau kịp phục vụ hành khách.

Có thể nói, những năm qua, bến xe Gò Dầu là một trong số ít bến xe tuyến huyện hoạt động sôi động nhất trong tỉnh. Mặc dù vậy, năm 2018, khu vực bến xe Gò Dầu đã được chính quyền địa phương cho xây dựng một siêu thị mới, khang trang, hiện đại. Việc cho phép đầu tư xây dựng siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, từ đó đến nay, huyện Gò Dầu chưa xây dựng bến xe khách mới để thay thế bến xe cũ.

Các tuyến xe buýt khi di chuyển ngang địa bàn này phải dừng trả, đón khách ở các trạm xe buýt ven hai bên quốc lộ 22B. Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh- đơn vị chuyên kinh doanh xe khách ở Tây Ninh phải thuê mặt bằng khác ở thị trấn Gò Dầu với diện tích nhỏ hẹp hơn bến xe huyện Gò Dầu nhiều lần để làm nơi đón, trả khách.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho hay: “Bến xe Gò Dầu đã ngưng hoạt động để xây dựng siêu thị Co.opmart. Huyện dự kiến xây dựng bến xe tại vị trí nhà máy thuốc lá cũ ở xã Thanh Phước, nhưng hiện nay quy hoạch đã thay đổi, huyện đang xây dựng lại quy hoạch mới”.   

Sáng ngày 17.8, trong bến xe Trảng Bàng ứ đọng nhiều vũng nước khá to.

Bến xe Hoà Thành: Chiếc áo cũ quá chật

Bến xe thị xã Hoà Thành thành lập tháng 4.2000 với diện tích 2.750 mét vuông, tại khu phố 2, phường Long Hoa. Những năm trước, trong bến xe Hoà Thành có ba doanh nghiệp hoạt động là Hợp tác xã (HTX) xe buýt 19.5 huyện Củ Chi, HTX xe khách Châu Thành, doanh nghiệp xe buýt Ngân Long và Công ty Công trình đô thị. Hiện nay, một vài HTX xe buýt đã ngưng hoạt động nhưng nơi đây có thêm một số xe khách của Công ty TNHH MTV Huệ Nghĩa hoạt động. Hằng ngày, xe khách liên tục vào ra. Thực tế cho thấy, mặt bằng của bến xe Hoà Thành hiện đã quá chật.

Năm 2015, Công ty TNHH DV- TM Thuỳ Linh dự kiến xin một số xe khách Quốc Dũng vào hoạt động trong bến xe Hoà Thành, nhưng chưa được chấp thuận, vì không còn đủ chỗ. Ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho hay: “Trước đây, UBND tỉnh có quy hoạch xây dựng bến xe mới với diện tích 5 ha ở khu phố Hiệp Trường, phường Hiệp Tân và Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh dự kiến đầu tư xây dựng bến xe này, nhưng do vừa qua nhân sự của Công ty Đồng Phước có thay đổi nên dự án chưa khởi công”.

Bến xe là một trong những hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống xã hội. Thế nhưng, ở Tây Ninh, các bến xe đang rơi vào tình trạng đầu tư, quy hoạch không đồng bộ. Có nơi, bến xe xuống cấp hoặc không còn tồn tại.

Có địa phương, bến xe chật hẹp chưa di dời, thay thế. Đời sống kinh tế xã hội đang phát triển, Tây Ninh đẩy mạnh phát triển du lịch. Bến xe là ấn tượng đầu tiên đối với du khách. Vì vậy, bến xe ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần được quan tâm, đầu tư đúng mức để xứng tầm với sự phát triển của địa phương.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục