Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ khi đến bệnh viện khám.
Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ - Ảnh: who.int
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM - đã cho biết như vậy.
Tránh lây lan cho những người khác
Ngoài ra, bệnh viện còn có quy trình đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây lan bệnh cho người khác và thực hiện các báo cáo kịp thời.
Tại bệnh viện, những trường hợp nào có các triệu chứng nghi ngờ hoặc bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nghi ngờ thì được chuyển qua phòng khám sàng lọc.
Tại vị trí bệnh nhân vừa tiếp xúc sẽ ngưng hoạt động để có thể thực hiện vệ sinh khử khuẩn ở trên bề mặt sau đó mới trở lại các hoạt động thăm khám bệnh bình thường.
Cụ thể, với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đến khám tại Bệnh viện Da liễu, đầu tiên bệnh nhân đến đăng ký khám ở trên phòng khám nam khoa.
Sau khi bác sĩ khám và kiểm tra các dấu hiệu của bệnh nhân có thể liên quan đến một trường hợp đậu mùa khỉ, bệnh nhân được kích hoạt và xử lý theo đúng quy trình tiếp cận các ca nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ tại bệnh viện.
Bệnh nhân được chuyển xuống phòng khám sàng lọc để tách bệnh nhân ra. Tại phòng khám sàng lọc thì bệnh nhân được bác sĩ khám điều tra kỹ về dịch tễ.
Như trường hợp vừa qua, sau khi được điều tra kỹ và khám lâm sàng kỹ, bệnh nhân được nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ vì triệu chứng của bệnh nhân không giống với những trường hợp bị bệnh lý mụn nước, bóng nước khác.
Bác sĩ đã hội chẩn với phòng kế hoạch tổng hợp, sau đó liên hệ với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur để lấy mẫu xét nghiệm và gửi mẫu xét nghiệm qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur.
Sau khi bệnh nhân được chuyển xuống phòng khám sàng lọc thì tại khu vực bệnh nhân vừa được thăm khám xong, bác sĩ lập tức kích hoạt quy trình để khử khuẩn, vệ sinh ở trên bề mặt và tiếp tục quy trình thăm khám bình thường tại bệnh viện.
Gần giống với bệnh thủy đậu
Ở ca đậu mùa khỉ mới được phát hiện tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân bị sốt, nổi hạch, xuất hiện nổi mụn nước, mụn mủ rải rác khắp toàn thân và ở cơ quan sinh dục. Mụn nước, mụn mủ của bệnh nhân này hơi to hơn, vết trợt rõ ràng hơn, diễn tiến cũng không giống lắm với người mắc bệnh thủy đậu thông thường.
Bệnh lý đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc gần. Sau khi tiếp xúc với các dịch tiết, đặc biệt là dịch tiết bóng nước của bệnh nhân, cần phải vệ sinh khử khuẩn trên các bề mặt do đó thực hiện theo quy trình đã được áp dụng tại bệnh viện.
Để phòng tránh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt mà chưa rõ nó sạch hay không, có nhiễm khuẩn hay không thì nên vệ sinh tay thường xuyên. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với những bề mặt không rõ có bị lây nhiễm hay không.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ gần giống với triệu chứng của bệnh thủy đậu nhưng diễn tiến lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ lại khác với diễn tiến lâm sàng của bệnh thủy đậu.
Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ sốt kéo dài hơn, mệt mỏi nhiều hơn, bệnh nhân bị nổi hạch, tổng trạng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hơn nữa, chuyển biến của bệnh đậu mùa khỉ kéo dài, nặng hơn so với tình trạng bệnh lý thủy đậu thông thường.
Đặc điểm về mụn nước, bóng nước ở đậu mùa khỉ cũng khác biệt hơn so với bệnh thủy đậu. Bóng nước ở bệnh đậu mùa khỉ to hơn, dễ trợt và dễ lở ra hơn. Đặc biệt với bệnh đậu mùa khỉ, bóng nước có thể xuất hiện ở toàn thân và đặc biệt ở bộ phận sinh dục.
Nguồn TTO