Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh gai xương gót là gì?
Thứ sáu: 08:25 ngày 30/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bạn bị đau thốn gót chân khi mỗi sáng thức dậy bước xuống giường, cơn đau càng tăng lúc đi lại nhiều, có thể đã bị gai xương gót.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết gai xương gót là một bệnh lý thường gặp ở tuổi trung niên, người lao động nặng, vận động viên, người thừa cân, béo phì. Nguyên nhân của chứng gai xương gót do lắng đọng canxi tại những nơi thường xuyên chịu các vi chấn thương trên xương gót, áp lực của việc di chuyển, mang vác, đi lại, trọng lượng cơ thể đè lên xương gót chân.

Sự lắng đọng canxi tại gót chân khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy đau khi đi lại nhiều. Ảnh: Epainassist

Triệu chứng của bệnh gồm đau thốn gót chân khi người bệnh thức dậy buổi sáng và bước xuống giường, cơn đau tăng dần khi phải đi lại nhiều, đứng lâu, mang xách vật nặng, mang giày không phù hợp. Dùng tay đè ấn quanh gót chân hay đứng bằng gót chân cũng có thể gây ra đau nhói. 

"Một số trường hợp sẽ không có triệu chứng đau. Mọi người cần chụp X-quang để phát hiện có gai xương mọc ở xương gót hay không", bác sĩ Châu nói.

Những phương pháp điều trị bệnh gai xương gót:

Thuốc

Các thuốc giảm đau kháng viêm như Celecoxib, Meloxicam, Piroxicam, Diclofenac... có thể dùng dạng uống, kem thoa, xịt. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể tư vấn việc tiêm Corticoid vào vùng viêm.

Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm điều trị, sóng ngắn, hồng ngoại, các bài tập cho bệnh lý gai xương gót...

Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ sẽ cắt lọc mô viêm, có thể kết hợp khâu lại điểm bám gân gót hoặc giải ép cân gan chân. Phương pháp này được thực hiện khi tình trạng đau kéo dài mà các biện pháp điều trị khác thất bại.

Y học cổ truyền

Tùy từng trường hợp, dược sĩ sẽ sử dụng thuốc phù hợp để hành khí hoạt huyết, có thể kết hợp thêm các vị thuốc khử Hàn, trừ Phong Thấp, bổ Can Thận, mạnh gân cốt... Thuốc được dùng sắc nước uống, viên nang, tễ, hoàn hoặc dạng thuốc ngâm chân.

Châm cứu

Tùy vào biểu hiện của bệnh, thầy thuốc sẽ châm kim vào các huyệt vùng gót chân để thúc đẩy lưu thông khí huyết, giảm viêm, giảm đau.

Xoa bóp bấm huyệt

Thầy thuốc sẽ tác động vào các huyệt vùng gót chân giúp tăng cường khí huyết lưu thông, tăng tuần hoàn tại chỗ.

Chế độ sinh hoạt

Người bệnh nên mang giày vừa với kích cỡ chân, đế giày không quá mềm hay quá cứng. Nghỉ ngơi, tránh mang xách vật nặng, tránh đứng lâu, đi lại khi đang đau nhiều, có thể thư giãn bằng cách gác chân cao, mang băng thun, chườm lạnh... Trước khi chơi thể thao, cần khởi động kỹ cổ chân và bàn chân.

Gai xương gót không gây nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nhiều đến vận động bàn chân và chất lượng sống.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục