BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh giang mai nguy hiểm thế nào 

Cập nhật ngày: 01/08/2019 - 14:21

Ngoài tổn thương nội tạng như gan, tim... xoắn khuẩn giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt, gây bại liệt toàn thân.

Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Treponema pallidum không chịu được nhiệt độ cao, ở nhiệt độ phòng từ 20 đến 30 độ C vi khuẩn sẽ chết. Bệnh xảy ra ở cả nam lẫn nữ.

Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết giang mai lây qua đường quan hệ tình dục chiếm 95%, chủ yếu thông qua quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh giang mai (qua đường âm đạo, hậu môn hay miệng), lây lan khi niêm mạc da bị trầy xước. Tính truyền nhiễm của bệnh thời kỳ đầu khá mạnh, sẽ giảm đi nếu mắc bệnh quá 4 năm.

Giang mai có thể truyền nhiễm cho thai nhi thông qua nhau thai trong 4 tháng đầu thai kỳ, gây nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ mẹ khi chui qua đường sinh nở tự nhiên. Truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm, đặc biệt người bị nhiễm HIV/AIDS hay tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn có nguy cơ cao mắc giang mai.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, diễn tiến qua ba thời kỳ. Thời kỳ đầu sẽ có những tổn thương xuất hiện trong khoảng 3-4 tuần, đặc trưng là vết săng và hạch. Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ tươi, nền cứng, thường gặp nhất là ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật, ngoài ra có thể gặp ở tay, miệng, môi, lưỡi. Một số trường hợp hạch bẹn sưng to, thành chùm.

Bắt đầu từ tuần thứ 6-8, thân mình xuất hiện các dát đỏ hồng rải rác, hình thái đa dạng như sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm, có thể có viền vảy xung quanh hoặc sẩn dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoại tử, sẩn phì đại, hầu như không gây ngứa. Triệu chứng này có thể kéo dài đến 2-3 năm. Khi trên 3 năm, xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng. Lúc này người bệnh có các biểu hiện "gôm" giang mai (ở da, cơ, xương), tổn thương tim mạch (giang mai tim mạch), tổn thương thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).

Triệu chứng lâm sàng giang mai rất đa dạng, diễn tiến qua từng thời kỳ khác nhau, bắt đầu từ tuần thứ 6-8, thân mình xuất hiện các dát đỏ hồng rải rác. Ảnh: El Sol De Hermosillo

Bác sĩ cho biết ngoài tổn thương nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh, xoắn khuẩn giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt... Biến chứng nguy hiểm hơn là bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần. "Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai nhi sau khi sinh", bác sĩ Việt cho biết. 

Theo bác sĩ, nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, người mắc giang mai sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, tỷ lệ khỏi bệnh cao. Với bệnh ở giai đoạn sau, đã phát triển nặng hơn gây nhiều biến chứng về nội tạng, thần kinh, người bệnh sẽ được tiêm tĩnh mạch mỗi ngày, ngưng quan hệ tình dục trong bệnh kỳ, cho đến khi chữa khỏi. Ngoài ra nên kịp thời thông báo cho các đối tác tình dục để làm kiểm tra và điều trị nếu đã bị lây nhiễm.

Phương pháp điều trị giang mai ở trẻ sơ sinh phổ biến vẫn là dùng kháng sinh. Với phụ nữ có thai, kháng sinh Penicillin cũng là thuốc an toàn nhất cho cả mẹ và bé, tỷ lệ thành công cao.

Các chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn ngừa giang mai là quan hệ tình dục an toàn. Đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên đến bệnh viện để tầm soát giang mai, hoa liễu. Nhóm này bao gồm người từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nam giới nhiều bạn tình, phụ nữ mang thai, phụ nữ bán dâm, người làm trong lĩnh vực giải trí, đồng tính nam và đối tượng sử dụng ma túy. Phần lớn bệnh giang mai tiềm ẩn không có triệu chứng nhưng có thể xét nghiệm máu để tìm ra vi khuẩn.

Nguồn VNE