BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh hình thức và sự lãng phí- Nói mãi vẫn không cũ!

Cập nhật ngày: 03/10/2009 - 09:51

Bác Hồ trồng cây.

Bệnh hình thức thể hiện dưới nhiều… hình thức! Trong đó, các cuộc hội nghị của nhiều ban, ngành xứng đáng được trao “áo vàng chung cuộc” về sự lãng phí.

Có thể nói trên đất nước ta, hẹp hơn thì trong một tỉnh, hầu như không ngày nào mà không có hội nghị. Không cấp lớn thì cấp nhỏ, không ban này thì ngành kia, hầu như ngày nào cũng có hội nghị. Đại biểu về dự hội nghị lâu ngày gặp nhau, trò chuyện đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Vì thế, có người nói vui: “Đây là dịp vừa là hội nghị vừa là hội ngộ”! Nếu chịu khó quan sát cho “tinh tế” một chút xíu, ta dễ dàng nhận thấy các cuộc hội nghị hiện nay có ba căn bệnh “trầm kha”, có người gọi đùa đấy là ba “thế mạnh”: mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy nghe và mạnh ai người ấy bấm điện thoại! Do đó, khi đến phần “nghị”, không cần cân nhắc nhiều làm chi cho mất thì giờ, tỷ lệ khi biểu quyết đều “trăm phần trăm”, tức là “nhất trí cao” và bao giờ hội nghị cũng “thành công tốt đẹp”.

Thực ra, chuyện hội nghị và sự lãng phí từ những cuộc hội nghị vô bổ không phải bây giờ mới có mới nói. Ngày xưa, cách nay chưa lâu lắm, cán bộ các ban ngành đi dự hội nghị thường có câu “Hội trường yên ắng ngủ say/ Diễn văn vừa dứt vỗ tay ra về”!

Sự lãng phí do những cuộc “hội nghị - hội ngộ” gây ra là không nhỏ, cả về thời gian và tiền bạc. Và chuyện nhiều đại biểu khi ngồi dự hội nghị thường ngủ gật có nguyên nhân chủ yếu là do nội dung hội nghị nghèo nàn, không hấp dẫn. Đó là chưa kể, nhiều khi tổng kết cuối năm, sơ kết 6 tháng, có nhiều vị thủ trưởng đơn vị không ngần ngại “tặng” cho các đại biểu và nhân viên bài “đít cua” dài gần vài chục trang giấy. Chẳng ai chú ý nghe, nhưng vẫn cứ đọc. Khổ thế!

Hội nghị, hội thảo là rất cần thiết nếu nó có nội dung thiết thực, hữu ích. Còn ngược lại chỉ là lãng phí.

Nên chăng, các cơ quan cần cân nhắc một số điều trước khi tổ chức hội nghị. Thứ nhất, chỉ tổ chức hội nghị, hội thảo khi thật cần thiết, còn nếu không, chỉ nên phổ biến bằng công văn cho cấp cơ sở thực hiện là được. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều cuộc hội nghị nội dung nghèo nàn, không có gì phải phát biểu nên ở nhiều cuộc hội nghị, hội thảo ít thấy đại biểu có “ý kiến ý cò”! Thứ hai, nếu được, nên phát tài liệu cho đại biểu đọc trước khi đi dự hội nghị khỏi mất thời gian chờ “diễn giả” đọc tổng kết, báo cáo. Thời gian tại nghị trường nên dành cho thảo luận, trao đổi. Thứ ba, nếu đã tổ chức hội nghị, yêu cầu đại biểu phải tập trung, nghiêm túc thảo luận, không làm việc riêng, tắt hết điện thoại hoặc chỉ để chế độ rung. Đó cũng là một cách thể hiện nét văn hoá nơi công sở. Có không ít người khi đi dự hội nghị, hội thảo và cả họp hành đều để chuông điện thoại. Trong khi mọi người đang tập trung nghe (hoặc… ngủ gật) thì nhạc chuông từ ai đó “ò e í e”… thật chẳng hay ho gì!

Ngoài hội nghị, một căn bệnh hình thức nữa cũng gây lãng phí không kém đó là tình trạng lãng phí lễ động thổ và lễ khánh thành các công trình xây dựng (xin nói trước là người viết không có ý quơ đũa cả nắm). Thường tại lễ khánh thành các công trình xây dựng, người ta thường giăng tấm vải ra rồi cắt làm nhiều khúc. Sau khi cắt băng, những tấm vải ấy coi như bỏ. Có phí quá chăng?

Riêng lễ động thổ thì cũng có nhiều điều để ngẫm. Hình ảnh cái cán xẻng có đủ mọi màu sắc trong các lễ động thổ đã trở nên quen với những người thường xem ti vi! Không hiểu do ai và từ bao giờ người ta nghĩ ra chuyện lấy mấy cái miếng vải nhiều màu quấn quanh cái cán xẻng của người nông dân? Không hiểu làm như thế để làm gì và có ý nghĩa gì? Nhiều quan chức chỉ thò cái lưỡi xẻng vếch vếch mấy hạt cát đựng trong hộc ra trông thật… chiếu lệ! Sao không đưa cuốc xẻng ra làm “thiệt” cho tiện mà cứ phải làm giả như thế cho mất thì giờ? Hồi tháng 10.2004, một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh có đăng một bài thơ với tựa đề: Xẻng động thổ. Bài thơ đã được bạn đọc chấm “5 sao”, xin phép chép lại để mọi người cùng thưởng thức và suy ngẫm: “Lễ động thổ thật lạ kỳ/ Chướng tai gai mắt, dân thì ngó lơ/ Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy quan cầm xẻng nửa giờ cầm canh/ Cán xẻng màu đỏ màu xanh/ Thêm chị màu tím, thêm anh màu vàng/ Kẻ trên người dưới xếp hàng/ Ngực cài hoa thắm, nhịp nhàng tay đưa/ Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xúc cát như chưa xúc gì/ Quần là áo lượt làm chi/ Lao động mà thế khác gì cải lương/ Nắng mưa thì tốt lúa đường/ Năng lễ động thổ thì thương phong bì/ Cán xẻng xanh đỏ mà chi/ Dẹp mau kiểu ấy dân thì noi theo/ Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Xẻng quan dân dã, dân nghèo cũng vui”!

Hiện nay, cả nước ta, từ quan chức cho đến dân đều đang cố sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong đó có tấm gương về sự giản dị, tiết kiệm. Nhiều người biết, trong số hàng vạn tấm hình chụp Bác lúc sinh thời, có một tấm hình Bác xúc đất vun vào gốc cây mới trồng nhân dịp tết trồng cây. Cái cán xẻng mà vị lãnh tụ xúc đất để trồng cây không hề có màu gì cả!

Đồng Viết Thắng