Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các bệnh về tuyến giáp rất thường gặp và hay bị bỏ sót không được chẩn đoán.
Vậy bệnh lý tuyến giáp thường gặp hiện nay là gì, bệnh có nguy hiểm không?
Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp
Tuyến giáp gồm có 2 thùy, được nối với nhau bằng 1 cái eo nằm phía trước cổ, phía sau khí quản. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Tuyến giáp có chức năng tiết ra hormone Thyroxin (hay còn gọi là T4) và hormone tri-iodo-thyronine (hay còn gọi là T3). Hormone T3 và T4 có nhiệm vụ chính là tác dụng lên các cơ quan và xúc tác các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Ngoài ra, các hormone này còn có vai trò trong sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ nhỏ.
Các bệnh về tuyến giáp khá phổ biến, theo nghiên cứu các bệnh lý tuyến giáp phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 – 8 lần so với nam giới, khoảng 30% trong số những người từ 18-65 tuổi. Riêng Hoa Kỳ, có khoảng 20 triệu người mắc 1 số bệnh liên quan đến tuyến giáp; trong đó, 13 triệu người mắc bệnh không được chẩn đoán.
Nhìn chung, chức năng chính của tuyến giáp là tăng trưởng, giúp điều hòa và xúc tác các hoạt động tăng trưởng của toàn cơ thể. Trong quá trình hoạt động, tuyến giáp liên quan đến 2 thành phần rất quan trọng cho xương là canxi và photpho. Do đó, khi mắc các bệnh lý tuyến giáp sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng của xương.
Các bệnh về tuyến giáp rất thường gặp và hay bị bỏ sót không được chẩn đoán.
Nếu thiếu hoặc thừa các hormone của tuyến giáp sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Cụ thể là:
- Phình giáp: Phình giáp là hiện tượng các mô tuyến giáp phát triển vượt quá mức cho phép khiến vùng cổ của người bệnh bị phình to bất thường. Phình giáp là bệnh thường gặp trong nhóm bệnh nội tiết. Bệnh chiếm tỷ lệ 4-7% dân số, nữ nhiều hơn nam, 95% bệnh nhân là phình giáp lan tỏa, 5% là phình giáp nhân hoặc đa nhân.
- Bướu giáp nhân: Bướu giáp nhân là dạng tổn thương nằm khu trú trong tuyến giáp, có thể là khối dịch lỏng hoặc đặc quánh. Nhân tuyến giáp là sự phát triển quá mức của các tế bào tuyến giáp, có thể có một nhân gọi là bướu giáp đơn nhân hoặc nhiều nhân gọi là bướu giáp đa nhân. Khoảng 5% trong bướu giáp nhân có thể chuyển thành ung thư. Biểu hiện của bệnh là vùng cổ thường nhìn mất cân đối.
- Suy giáp: Suy giáp xảy ra khi cơ thể thiếu hormone T3 và T4, khi đó các chuyển hóa bên trong cơ thể sẽ chậm lại. Là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến một loạt các chức năng và cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Phần lớn các trường hợp suy giáp là tiên phát, gặp ở nữ nhiều hơn nam. Biểu hiện của bệnh là suy nghĩ chậm chạp, nói chậm, tim đập chậm, mạch yếu, tiêu hóa chậm, táo bón, ít đổ mồ hôi, bị lạnh bất thường,…
- Cường giáp: Nếu cơ thể dư hormone T3 và T4 sẽ xảy ra hiện tượng cường giáp. Người bị cường giáp thường có biểu hiện dễ cáu gắt, sụt cân, ít ngồi yên, uống nhiều nước, tiểu nhiều, các ngón tay run, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim,…
- Bướu giáp ác tính (hay còn gọi là bệnh Basedow): Bệnh thường gây triệu chứng lòi mắt.
- Ung thư tuyến giáp: Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp. Các tế bào bất thường sẽ nhân lên trong tuyến giáp, đến một lúc nào đó, chúng sẽ tạo thành một khối u.
Khi có bất thường nghi ngờ bệnh lý tuyến giáp cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.
Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không?
Có nhiều bệnh lý xảy ra ở tuyến giáp và có bệnh thường lành tính, người bệnh có thể sống "hòa bình" với bệnh suốt đời, nhưng có một số bệnh có nguy cơ ác tính cần phải theo dõi và điều trị. Cụ thể:
- Đối với bệnh phình giáp, đây là bướu giáp đơn thuần, lành tính, chỉ làm to mặt trước của cổ gây mất thẩm mỹ, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh suốt đời. Nếu người bệnh sợ mất thẩm mỹ thì có thể yêu cầu mổ.
Phần lớn phình giáp không có triệu chứng. Có thể phát hiện tình cờ bệnh khi khám sức khỏe, hay than phiền cảm thấy nghẹn ở vùng cổ, nuốt vướng. Một số trường hợp đau tự nhiên do xuất huyết trong phình giáp nhân, nhân lớn nhanh, có thể ghi nhận các triệu chứng xâm lấn tại chỗ như: nuốt khó, khàn giọng, sờ có thể thấy hạch vùng cổ, tuyến giáp cứng khó di động.
- Đối với bướu giáp nhân, bướu này cũng thường lành tính, chỉ có khoảng 5 – 7% nhân bướu giáp có thể chuyển thành ác tính. Do đó, khi được chẩn đoán bướu giáp nhân thì người bệnh cần được theo dõi để xem bướu nhân có chuyển ác tính hay không và kịp thời điều trị.
Tỷ lệ bướu giáp nhân có thể gặp thường xuyên hơn ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp hoặc những người thiếu iod nên không đủ lượng iod cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp.
- Đối với suy giáp và cường giáp, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng làm rối loạn các chức năng, chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy, người bệnh cần tiến hành điều trị bằng hormone hoặc thuốc cho phù hợp. Cường giáp và suy giáp là hai căn bệnh thường gặp, nhiều người vẫn không biết mình đã mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp do triệu chứng của bệnh thường rất mơ hồ, khó nhận biết.
Cường giáp và suy giáp đều do sự thay đổi hormone tiết ra ở tuyến giáp cao hay thấp hơn mức chuẩn gây nên bất thường ở cơ thể người bệnh. Dù mắc phải bệnh cường giáp hay suy giáp đều có triệu chứng giống nhau như: cổ sưng to bất thường, cả người dễ mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục.
- Đối với bướu giáp ác tính và ung thư tuyến giáp, đây là 2 bệnh nguy hiểm cần được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Như vậy, tùy vào từng loại bệnh mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Do đó, khi có những biểu hiện của các bệnh lý tuyến giáp thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh lành tính hay ác tính để có phương pháp theo dõi hoặc điều trị phù hợp.
Nguồn suckhoedoisong.vn