BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Bệnh mãn tính, nhưng không phải… hết thuốc chữa

Cập nhật ngày: 03/06/2019 - 15:16

BTN - Chứ nếu cứ “thả nổi” cho nông dân và doanh nghiệp “tự bơi” thì e rằng “căn bệnh mãn tính” của ngành mía đường trở thành “nan y” thì ắt sẽ… bó tay, “hết thuốc chữa” thôi.

- Sáng thứ sáu tuần rồi, tôi xem truyền hình tường thuật phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thấy có ông đại biểu chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mình phát biểu kiến nghị vấn đề ngành mía đường của tỉnh. Thiệt là “gãi trúng chỗ ngứa” của bà con trồng mía.

Nhưng mà có lẽ do thời gian phát biểu có hạn, nên đại biểu chỉ có thể phản ánh nguyện vọng cử tri chứ không thể nào nói hết cái khó của ngành mía đường tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung, vì vậy tôi cũng chưa nắm vững lắm. Ông làm nhà báo chắc hiểu rõ chuyện ấy, ông có thể nào “quán triệt” thêm cho tôi không?

- À, ông đòi “quán triệt” lĩnh vực kinh tế thuộc loại thế mạnh của tỉnh, e rằng Bàn Dân làm hổng nổi đâu! Nhưng mà nhờ có quen với một ông giáo sư nông học, từng có một thời thơ ấu hay xin mía cây của lò đường kế bên trường tiểu học để xước ăn thay quà vặt trong giờ ra chơi, nay ổng làm cố vấn cho tập đoàn sản xuất, chế biến mía đường lớn nhứt tỉnh, nên cũng có lần Bàn Dân nghe ổng kể về nỗi băn khoăn đối với ngành trồng mía, chế biến đường ở tỉnh mình cũng như trong cả nước.

- Chắc là ổng cũng nói về “căn bệnh mãn tính” với triệu chứng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nhà nông chớ gì?

- Không chỉ có vậy đâu. Ngoài cái “điệp khúc” đó ra thì ông thầy nhà nông chỉ rõ nhiều thứ cần phải khắc phục để “cứu nạn, cứu hộ” cho cả người trồng mía lẫn các doanh nghiệp chế biến đường. Nào là chuyện cung cấp giống tốt, cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía; nào là chuyện thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu từ cánh đồng về nhà máy đường…

Mà mấy chuyện đó cũng chỉ là “vi mô”, còn nhiều chuyện “vĩ mô” hơn nữa như là chuyện định hướng, quy hoạch phát triển ngành mía đường và có biện pháp giữ vững sao cho người trồng mía không phải chạy theo cái “điệp khúc được-mất” kia mà phá vỡ quy hoạch. Hay quan trọng hơn nữa là chuyện Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên người trồng mía cũng như doanh nghiệp chế biến, kinh doanh đường cùng tháo gỡ khó khăn, tích cực tham gia đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất chế biến sản phẩm ngọt ngào này cho xã hội. Chứ nếu cứ “thả nổi” cho nông dân và doanh nghiệp “tự bơi” thì e rằng “căn bệnh mãn tính” của ngành mía đường trở thành “nan y” thì ắt sẽ… bó tay, “hết thuốc chữa”  thôi.

- Ông nói nghe “bi đát” thiệt đó chớ! Nhưng mà tôi cũng nhớ là cách nay chưa lâu, khoảng đầu tháng Tư vừa qua, tôi có đọc được trên báo Ðảng Trung ương cái tin vị tư lệnh ngành nông nghiệp nước nhà trong cuộc làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã “Nhất trí với các giải pháp, kiến nghị của Hiệp hội Mía đường về xây dựng giống ba cấp, đổi mới hệ thống canh tác, đồng bộ cơ giới hoá, minh bạch chữ đường, chất lượng đường”. Rồi vị tư lệnh còn lưu ý “ngành mía đường còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác cho nên cần đa dạng hoá sản phẩm để tăng nguồn thu nhập” (Nhân Dân điện tử, ngày 11.4.2019) nữa mà.

- Ðúng, ông nhớ không nhầm. Nhưng theo Bàn Dân nghĩ buổi làm việc ấy chỉ mới là “chẩn bệnh” thôi, chưa có “kê toa, điều trị”, trong khi tình hình “bệnh trạng” của ngành mía đường cấp bách lắm rồi, vì cũng trên số báo ấy của Trung ương cho biết, từ nay đến khi Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực- ngày 1.1.2020, chỉ còn chưa đầy một vụ chế biến mía nữa thôi, nếu các bộ, ngành, địa phương và nhà máy chưa kịp tập trung cơ cấu lại ngành mía đường, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập theo cơ chế thị trường... thì chắc là khó mà cứu vãn nổi số phận cây mía.

- Ờ, chắc là do thấy được viễn cảnh ấy nên ông Phó Ðoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mình đặt vấn đề tại nghị trường Quốc hội một cách tha thiết như vậy, ông nhỉ.

BÀN DÂN