Từ ba năm trở lại đây, thầy giáo T, nhà ở Châu
Thành, thường xuyên phải lui tới bệnh viện do bị viêm thanh quản kéo dài. Anh
kiên trì theo đuổi việc điều trị nhưng bệnh cứ thuyên giảm rồi lại tái phát. Bác
sĩ cho biết bệnh của anh là do nghề nghiệp- phải nói nhiều khiến dây thanh làm
việc quá sức. Bên cạnh đó còn chứng bệnh suy van tĩnh mạch cẳng chân gây đau
nhức. Bác sĩ cũng khuyên anh T nên hạn chế nói, hạn chế đi lại, không nên đứng
lâu một chỗ. Thế nhưng do đặc thù công việc, anh không thể hạn chế nói, và không
thể không đứng lâu để giảng bài trên lớp. Cuối cùng, chịu không xiết nên thầy
giáo T cũng đành chuyển công việc khác dù còn rất yêu nghề dạy học.
Cảnh giác với môi trường lao động
Đem câu chuyện thầy T hỏi ý kiến bác sĩ Nguyễn
Ngọc Phượng- chuyên khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, được biết:
những người mắc bệnh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới,
gọi nôm na là bệnh nghề nghiệp như thầy T, các bác sĩ vẫn gặp thường xuyên. Đặc
biệt trong đó, các bệnh liên quan đến tai mũi họng là thường gặp nhất. Phòng
khám của bác sĩ Phượng mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 ca viêm mũi dị ứng do điều
kiện làm việc. Chị cho biết, ở Bệnh viện ĐK Tây Ninh, con số bệnh nhân mắc bệnh
nghề nghiệp liên quan tai mũi họng còn lớn hơn vậy gấp nhiều lần.
Nghề giáo, là một nghề dễ mắc các bệnh như viêm
thanh quản, viêm khí quản, viêm mũi dị ứng do các thầy cô giáo thường phải nói
nhiều và thường xuyên… hít phải bụi phấn. Nhưng đó cũng không phải bệnh “độc
quyền” của ngành giáo dục. Tại các văn phòng có máy lạnh, nhân viên làm việc tại
đây dễ bị viêm mũi dị ứng khi nhiệt độ trong phòng quá thấp. Còn tại các cửa
hàng buôn bán, các nhân viên bán hàng thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng
và trực tiếp tiếp xúc với các loại hàng hoá, bụi, vi khuẩn, hoá chất khác nhau
nên cũng rất dễ mắc các bệnh kể trên. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc
nhiều bệnh nghề nghiệp nhất, phải kể đến công nhân. Bác sĩ Phượng cho biết,
nhiều công nhân đến phòng khám với triệu chứng ù tai, hoặc không nghe rõ. Qua
khám bệnh, cho thấy nhiều người bị lãng tai, bị xơ hoá màng nhĩ. Nguyên nhân,
phần lớn là do họ phải làm việc lâu ngày trong môi trường có tiếng ồn quá mức.
Thực tế, các công nhân làm việc ở các công trình xây dựng rất dễ bị mắc bệnh về
tai. Còn công nhân ngành dệt len, da giày thường xuyên hít phải bụi, hoá chất…
thì dễ dẫn đến viêm mũi dị ứng, viêm phổi.
 |
Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đang khám
cho một bệnh nhân |
Theo lời bác sĩ Đoàn Xuân Tứ, Giám đốc Trung tâm
Y tế Tân Châu, Trung tâm thường tiếp nhận các ca bệnh là công nhân. Họ bị bệnh
tai mũi họng, viêm phổi do thường xuyên tiếp xúc với bụi đá độc hại. Lâu ngày,
một số trường hợp chuyển sang hen phế quản. Nếu không cẩn trọng, bệnh diễn tiến
trầm trọng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Nghề nào cũng có thể “dính”
Các bác sĩ khẳng định, nghề nào cũng có thể dẫn
đến bệnh nghề nghiệp nếu người lao động không biết cách tự phòng vệ. Ngay cả
nông dân cũng thế. Thời gian qua, không ít bệnh nhân thuộc thành phần nông dân
bị các bệnh dị ứng da, viêm mũi do nhiễm hoá chất độc hại từ thuốc trừ sâu,
thuốc bảo vệ thực vật… Một phần là do họ không sử dụng dụng cụ bảo hộ trong lúc
lao động.
Bác sĩ Đoàn Xuân Tứ cho biết thêm, nhiều công
nhân chế biến mủ cao su cũng đã tìm đến bệnh viện để điều trị các bệnh dị ứng
da, ghẻ… do phải thường xuyên tiếp xúc với hoá chất mà không chịu dùng dụng cụ
bảo hộ lao động.
Những người làm việc lâu với máy vi tính, ít vận
động, dễ gặp các bệnh như cận thị, loạn thị, đau nhức mắt, đau vai gáy, chóng
mặt... Nhưng những người phải làm việc trong điều kiện đi, đứng nhiều như giáo
viên, công nhân, nhân viên bán hàng cũng có thể gặp phiền toái với các chứng
bệnh suy van tĩnh mạch cẳng chân, đau nhức các khớp gối, đau lưng...
Ngay cả các y bác sĩ, cũng không tránh khỏi bệnh
nghề nghiệp. Vẫn theo bác sĩ Tứ, vào mùa cao điểm các bệnh về hô hấp, các y bác
sĩ cũng dễ bị bệnh do lây nhiễm từ các bệnh nhân mà họ điều trị. Đó là chưa kể
đến các tai nạn nghề nghiệp nguy hiểm có thể gặp phải như bị xây xước, kim đâm
trong lúc tiếp xúc với máu, chất dịch từ người bệnh.
Có thể phòng tránh được
Nếu biết chủ động tự phòng tránh, người lao động
sẽ bảo vệ được mình trước nguy cơ bệnh nghề nghiệp.
Phương pháp đầu tiên là tập thể dục đều đặn. Đây
là phương pháp ít tốn kém nhất mà lại hiệu quả nhất. Tập thể dục giúp nâng cao
thể trạng, tăng cường khả năng đề kháng, giúp cơ thể khoẻ hơn, đủ sức chống lại
các bệnh tật.
Những người phải thường xuyên tiếp xúc với bụi,
hoá chất thì nhất thiết phải trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động như khẩu
trang, găng tay, ủng, kính bảo hộ phòng chống các bệnh như ghẻ, viêm da, đau
mắt…
Đối với giới văn phòng, các bác sĩ khuyên không
nên ngồi quá lâu trước máy vi tính, thỉnh thoảng phải đứng lên đi lại, vận động
tay, chân và cổ. Khi sử dụng máy điều hoà nên để nhiệt độ vừa phải. Với những
công việc phải nói nhiều, người lao động cần tiết giảm cường độ nói, có thể
luyện giọng để dây thanh khoẻ hơn.
Riêng đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao
động, cần quan tâm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người lao động, tổ chức
thăm khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, công nhân viên. Cần biết rằng, với những
bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường không gây nguy hiểm tức thì cho bệnh nhân
nhưng chắc chắn nó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Về lâu
dài, có thể gây ra nhiều bệnh liên quan đến thần kinh, tim, phổi… ảnh hưởng lớn
tới sức khoẻ người lao động.
H. Kiêm