Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh nhân lao sẽ tử vong nhiều bởi dịch Covid-19
Thứ bảy: 09:38 ngày 22/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao Việt Nam và thế giới trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh, tỷ lệ tử vong tăng, do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cụ thể, trên thế giới, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao giảm 25%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này giảm 11%. Thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Chương trình phòng, chống lao Quốc gia.

Về tỷ lệ tử vong, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. WHO nhận định tử vong do lao sẽ tăng đáng kể và dịch ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.

Trong kế hoạch, WHO đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015. Đến năm 2025 giảm tương ứng là 50% và 75%. Tuy nhiên, nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng ba tháng so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch, dự báo sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020.

"Con số tử vong này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015, một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu của Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc về Lao và Chiến lược thanh toán bệnh lao của WHO", Phó Giáo sư Nhung cho biết.

Ông Nhung giải thích, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, dẫn tới tử vong. Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm có thể lên đến 30-50% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao.

Cùng với đó, số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát... đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ, dẫn đến chất lượng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2020 của Chương trình phòng chống lao Quốc gia bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của WHO, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến công tác điều trị giám sát bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chưa đạt được mục tiêu Chương trình phòng chống lao quốc gia đề ra là trên 90%.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, cũng đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Phó giáo sư Nhung cho biết, 6 tháng đầu năm, Chương trình chống lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Bên cạnh đó, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố.

Hiện nay 48/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Chương trình tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới, đồng thời hỗ trợ tham mưu Bộ Y tế về cơ cấu tổ chức, hoạt động của 15 tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo nhân lực triển khai công tác chống lao.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục