Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Bệnh rượu cây mía lây lan nhanh: Phải chăng là do giống mía?
Thứ hai: 06:17 ngày 24/08/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vụ mía năm nay bệnh rượu (bệnh thối đỏ thân) trên cây mía đang phát triển mạnh. Đến giữa tháng 8, đã có khoảng 500 ha mía bị ảnh hưởng do bệnh rượu, trong đó có một số diện tích coi như đã mất trắng.

Như Báo Tây Ninh đã thông tin, vụ mía năm nay bệnh rượu (bệnh thối đỏ thân) trên cây mía đang phát triển mạnh. Đến giữa tháng 8, đã có khoảng 500 ha mía bị ảnh hưởng do bệnh rượu, trong đó có một số diện tích coi như đã mất trắng. Các nhà máy đang nỗ lực ngăn chặn bệnh rượu tiếp tục lan nhanh nhưng kết quả không lạc quan lắm do chưa có thuốc đặc trị. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải nhanh chóng xác định nguyên nhân gây bệnh rượu để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả cho vụ mía sau.

Theo một số chuyên gia về cây mía thì bệnh rượu trên cây mía là bệnh nguy hiểm. Bệnh rượu do nấm Collectotrichum Falcatum gây ra. Loại nấm này vừa sống ký sinh trên cây trồng vừa có thể sống trong đất. Khi mía bị bệnh rượu, chẻ dọc thân cây mía nhìn thấy bên trong biến màu đỏ với những dãy băng ngang màu trắng. Đặc điểm dễ nhận biết là thân mía bị bệnh có mùi rượu. Dần dần, cả cây mía bị teo tóp dọc theo chiều dài thân, lá bị vàng, khô, cuối cùng là chết thân, chết chồi, tái sinh gốc kém. Mấy năm trước đây bệnh rượu cây mía cũng có xuất hiện ở một vài nơi, nhưng diện tích bị ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể như trong vùng nguyên liệu mía do Công ty SBT đầu tư trong vụ mía 2006-2007 có khảng 20 ha mía bị nhiễm bệnh rượu, vụ mía 2007-2008 có khoảng 37 ha bị bệnh và vụ trước có khoảng 23 ha. Thế nhưng năm nay- khi cây mía đang trên đà hồi phục thì bệnh rượu lại tăng đột biến đến 500 ha.

Một đám mía tan hoang vì bệnh rượu.

Vì sao bệnh rượu năm nay gia tăng? Có người cho rằng năm nay mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh rượu cây mía phát triển do nước ngập lây lan và độ ẩm đất cao. Thế nhưng mầm bệnh rượu có từ đâu? Có ý kiến cho rằng mầm bệnh rượu có từ trong đất trồng mía. Cũng có ý kiến cho rằng mầm bệnh rượu có từ hom giống. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác về vấn đề này. Ngành chức năng và các nhà máy đang khảo sát phân tích để xác định chính xác nguyên nhân bệnh rượu phát triển nhanh để có giải pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh rượu mía cho những vụ mía sau.

Tuy nhiên, qua thực tế có nhiều người cho rằng bệnh rượu cây mía phát triển là từ giống mía cụ thể là giống K84-200. Cơ sở để nhận định như vậy do hầu hết các diện tích mía đang bị bệnh rượu đều thuộc giống K84-200. Trong chuyến khảo sát vừa qua của cơ quan chức năng và bộ phận khuyến nông Công ty SBT cho thấy có đám mía giống K84-200 bị bệnh rượu khá nặng, trong khi sát cạnh đó có đám mía giống K88-92 thì hoàn toàn khoẻ mạnh. Cũng có đám trồng giống K84-200 bị bệnh rượu, nhưng trong đó có một số mía trồng giặm giống K88-92 thì lại không bị bệnh. Còn nhớ nhiều năm trước đây Tây Ninh đã từng xảy ra bệnh rượu nặng trên giống mía ROC 16. Giống mía ROC 16 có một thời là giống mía chủ lực ở Tây Ninh do có năng suất và chữ đường cao. Thế nhưng sau một thời gian trồng, giống mía này bị nhiễm mầm bệnh rượu ngày càng nhiều. Vụ mía 2003-2004 bệnh rượu cây mía trên giống ROC 16 bùng phát mạnh, gây thiệt hại không nhỏ nên sau đó người trồng mía bỏ giống này, chuyển sang trống giống khác và bệnh rượu được khống chế.

Trong mấy năm gần đây, giống mía K84-200 được các nhà máy và nông dân trồng mía ưa chuộng vì cho năng suất và chữ đường cao và nhất là phù hợp với đất vùng thấp. Từ đó giống mía K84-200 nhanh chóng được nhân rộng và trở thành giống mía chủ lực ở Tây Ninh. Đến nay đất trồng mía giống K84-200 chiếm đến hơn 80% tổng diện tích mía toàn tỉnh. Tuy nhiên, có thể cũng như giống ROC 16 trước đây, giống K84-200 đã thoái hoá và không còn khả năng kháng bệnh rượu. Đáng lưu ý là trong mấy vụ mía trước đây bệnh rượu đã có xuất hiện cũng chính trên giống mía K84-200. Tuy nhiên, có thể do diện tích bị bệnh chưa nhiều, thiệt hại chưa đáng kể nên cả nhà máy lẫn nông dân đều không chú ý, vẫn tiếp tục lấy hom giống K84-200 trồng cho những vụ sau. Hậu quả là mầm bệnh rượu cây mía phát triển ngày càng rộng hơn. Một kỹ sư phụ trách khuyến nông của Công ty SBT cũng xác nhận diện tích ruộng mía K84-200 bị bệnh rượu gia tăng theo từng năm và lan ra nhiều địa bàn. Năm nay diện tích mía K84-200 bị bệnh rượu đã tăng nhanh gấp hơn 10 lần so với các năm qua. Riêng ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu- nơi giống K84-200 bị nhiễm bệnh rượu đầu tiên thì năm nay đã có đến hơn 130 ha mía bị bệnh rượu.

Khảo sát mía bị bệnh rượu.

Theo nhận định của Ban Khuyến nông Công ty SBT thì từ nay đến khi nhà máy vận hành, tỷ lệ bệnh rượu trên ruộng mía có thể sẽ tiếp tục gia tăng thêm đến 30%. Điều này cũng có nghĩa là sự thiệt hại của nông dân sẽ tiếp tục gia tăng thêm 30% nữa. Hiện nay, những đám mía đã bị bệnh rồi thì người trồng mía chỉ còn nước… trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà máy cũng như Nhà nước để có điều kiện tiếp tục sản xuất những năm sau. Đặc biệt là những hộ nông dân có mía bị bệnh rượu nặng năm nay sẽ bị trắng tay, nếu không có nguồn hỗ trợ chắc chắn sẽ lâm vào cảnh khốn khó.

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào phòng ngừa bệnh rượu cây mía cho vụ sau. Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh khuyến cáo nông dân có mía bị bệnh rượu không nên để lưu gốc, cày bỏ trồng cây khác hoặc trồng mía mới, trong đó lưu ý là chọn giống mía khác. Ban Khuyến nông của Công ty SBT cũng khuyến cáo trước mắt nông dân không trồng mới giống K84-200 tại những địa bàn đã có bệnh. Về lâu dài, cần thay giống K84-200 trong vùng nguyên liệu dần bằng các giống mía mới chưa nhiễm bệnh rượu như K93-219, K95-84, K88-65… Đồng thời hạn chế điều kiện lây lan bệnh rượu cây mía bằng cách: làm hệ thống tiêu thoát nước, chống úng tốt cho ruộng mía; có biện pháp canh tác thích hợp như bón vôi giảm độ chua, tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối, chăm sóc mía tốt…

SƠN TRẦN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục