Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bệnh sốt rét, không được chủ quan
Thứ sáu: 00:02 ngày 20/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Bộ Y tế, một số tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai.

Trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 354 trường hợp mắc bệnh sốt rét tại 29 tỉnh, thành phố, tăng 10,6% so với cùng kỳ, đặc biệt là huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà. Hiện bệnh sốt rét đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trong khu vực.

Cán bộ khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT Tân Châu hướng dẫn người dân tẩm mùng phòng, chống sốt rét. Ảnh tư liệu

Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium mà muỗi Anophen là vật trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt.

Người vừa khỏi bệnh có thể tái mắc bệnh, vì có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét khác nhau. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.

Nguy cơ gia tăng

Trước tình hình trên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn. Rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống, loại trừ bệnh sốt rét năm 2023 và kế hoạch phòng, chống, loại trừ sốt rét trong giai đoạn tiếp theo, nhất là việc đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các địa phương vẫn đang có lưu hành bệnh rốt rét, duy trì bền vững các thành quả về loại trừ bệnh sốt rét ở các địa phương đã công bố tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Song song đó, rà soát củng cố các điểm kính hiển vi, tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm của các cơ sở y tế. Tăng cường công tác giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh sốt rét bằng soi kính hiển vi hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh, hạn chế bỏ sót người bệnh. Tổ chức khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lan truyền ra cộng đồng. Thực hiện xử lý các ổ bệnh sốt rét triệt để và phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét theo đúng quy trình.

Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét theo quyết định của Bộ Y tế, bảo đảm sử dụng đúng thuốc, đủ liều cho người bệnh theo từng loài ký sinh trùng, nhất là P.vivax hay P.falciparum để hạn chế thấp nhất sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét và kháng thuốc sốt rét.

Rà soát độ bao phủ thực tế của việc phân bổ màn, võng được tẩm hoá chất và tỷ lệ ngủ màn thực tế của từng hộ gia đình nhóm nguy cơ mắc bệnh sốt rét để có biện pháp, kế hoạch cung cấp bổ sung và triển khai tẩm màn, võng, màn võng trong phòng, chống bệnh sốt rét.

Theo Bộ Y tế, một số tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai.

Nhận diện các trường hợp nguy cơ cao

Theo Bộ Y tế, các địa phương cần đề xuất các giải pháp thích hợp quản lý đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, biện pháp phù hợp để tiếp cận được toàn bộ các đối tượng nguy cơ như nhóm người đến địa phương làm ăn kinh tế, lao động theo thời vụ, người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác lâm thổ sản, công nhân lâm nghiệp, cán bộ quản lý rừng, người dân qua lại vùng sốt rét lưu hành, đi về từ các tỉnh có sốt rét lưu hành như khu vực miền Trung - Tây Nguyên và những nước có sốt rét lưu hành như các nước châu Phi, Lào, Campuchia.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thực hiện phối hợp, quản lý, khai báo cho cơ quan y tế về số lao động, công nhân, người đi rừng, ngủ nương rẫy để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả bệnh sốt rét cho nhóm đối tượng này.

Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khoẻ, truyền thông nguy cơ và thay đổi hành vi trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân cùng sốt rét lưu hành, thực hiện ngủ màn đã được tẩm hoá chất cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy.

Khi mắc sốt rét thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, sử dụng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Cấp màn, võng và màn võng có tẩm hoá chất diệt muỗi, kem xua muỗi cá nhân; nhanh chóng thực hiện tẩm màn, võng và màn võng bằng hoá chất diệt muỗi cho người dân và phun hoá chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.

Bố trí nguồn nhân lực để bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuyên môn cho hoạt động phòng chống sốt rét; bố trí đầy đủ kinh phí mua thuốc sốt rét, hoá chất phun tồn lưu, tẩm màn, vật tư, hoá chất phục vụ xét nghiệm sốt rét… và tổ chức thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét. Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn bảo đảm đủ nhu cầu về hoá chất, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn.

Các triệu chứng của bệnh sốt rét

Người bị sốt rét thường có biểu hiện qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn rét run: Người bệnh lạnh run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà, thường kéo dài 1/2-2 giờ.

Giai đoạn sốt cao: Thân nhiệt nóng dần có thể sốt 38-40 độ C, mặt đỏ, da khô nóng, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách thường kéo dài 1- 3 giờ.

Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm dần, vã mồ hôi, khát nước, bớt đau đầu, cảm giác bệnh khoẻ lại.

Có nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.

Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường chưa có biến chứng và sốt rét ác tính có biến chứng dẫn tới những triệu chứng nguy hiểm và có thể tử vong sau 12 giờ đồng hồ sau khi có triệu chứng của bệnh.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh sốt rét việc chẩn đoán chính xác và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe doạ tính mạng người bệnh và có thể gây ra những hậu quả khôn lường khác như:

Gây thiếu máu: Do ký sinh trùng vào trong máu phá vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu.
Gan to, lách to.

Trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh.

Phụ nữ có thai mắc bệnh sốt rét dễ gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc khi sinh nở dễ mắc phải những tai biến.

Phụ nữ khi mang thai nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có thể sinh con bị sốt rét bẩm sinh. Đối với các trẻ nhỏ bị mắc bệnh sốt rét sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và có thể tử vong chỉ trong 72 giờ. Thông thường, trẻ mắc sốt rét chỉ có biểu hiện là sốt nên rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục