BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh tâm thần- Gánh nặng gia đình và xã hội

Cập nhật ngày: 28/02/2009 - 08:50




Ảnh - Trí bị xiềng chân vào gốc cột và lúc nào cũng la hét, nói nhảm.

Thời gian qua, tỉnh ta đã xảy ra không ít trường hợp người bệnh tâm thần gây án khá nghiêm trọng. Như vụ cha giết con ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), vụ người tâm thần chiếm đoạt xe ô tô ở phường 3 (Thị xã) v.v… Hiện nay, ở Thị xã và huyện Hoà Thành xuất hiện khá nhiều người bệnh tâm thần. Một số người đi lang thang ngoài đường, một số đang được gia đình quản lý bằng cách… xiềng chân vào gốc cột.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Lương 79 tuổi và bà Trần Thị Kim Nhiên, 67 tuổi, ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh (Thị xã) thì thấy ông bà dùng dây xích xiềng chân đứa cháu nội bị bệnh tâm thần ngoài thềm nhà. Lúc nào anh này cũng nói lảm nhảm những điều không ai có thể hiểu được. Thấy có người lạ, anh ta càng tỏ ra kích động, la hét om sòm, ôm cây cột lắc mạnh làm căn nhà nhỏ bé cũng rung rinh theo. Bị ông Lương la rầy anh ta còn vung tay đánh lại, may mà ông né tránh kịp. Ông Lương buồn rầu kể: “Nó tên Đỗ Minh Trí, năm nay 29 tuổi. Sinh ra và lớn lên khoẻ mạnh bình thường, đến năm 24 tuổi, nó bị bệnh hiểm nghèo. Sau khi hết bệnh, nó bị tâm thần luôn tới bây giờ. Cha mẹ nó đã qua đời, để lại nó cho chúng tôi nuôi 5 năm nay”. Hai ông bà không có nghề nghiệp, ruộng vườn. Hằng ngày ông Lương đi hành đạo ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, còn bà Nhiên phải vào xí nghiệp tách vỏ lụa hạt điều để kiếm mỗi ngày mười mấy ngàn đồng. Bốn năm trước, thấy hoàn cảnh gia đình ông bà khó khăn, có một mạnh thường quân đến giúp đỡ, đưa anh Trí đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà (Đồng Nai). Sau khi bớt bệnh, Trí được đưa về sống tập trung ở trại an dưỡng Tân Định (Bình Dương). Mấy ngày trước Tết Kỷ Sửu vừa qua, người cô ruột của Trí thấy thương cháu đã xin bác sĩ cho Trí về nhà ăn Tết. Bác sĩ không đồng ý nhưng cô đã lén mang Trí về. Về nhà, Trí tái bệnh trở lại, thường hay đánh đập ông bà, lại còn đập bể bàn thờ, tủ kiếng, chén bát, ly tách, rồi ra ngoài phá làng phá xóm, gặp ai cũng chửi bới, thậm chí xách dao rượt chém người khác. Không còn cách nào khác, vợ chồng ông Lương đành phải đè thằng cháu xuống, dùng dây xiềng chân vào cây cột trước hiên nhà. Ăn uống thất thường, la hét suốt ngày, ngủ ngoài mái hiên nên Trí thường hay bị ho, khan tiếng và cảm lạnh. Hiện nay, vợ chồng ông Lương muốn đem cháu trở lại bệnh viện tâm thần nhưng sợ người ta không nhận lại. Ông định dùng “hạ sách” là đem cháu đến “thả” gần cổng bệnh viện, nhưng ngặt nỗi cũng không có tiền thuê xe để chở cháu đi.

Ở ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn (Thị xã), hiện cũng có một người đàn ông tên Nguyễn Văn Luân, năm nay 55 tuổi, cũng bị xiềng chân tại nhà


Ảnh: Người đàn ông đi lang thang trên đường Trần Hưng Đạo.

đã 10 năm qua. (Báo Tây Ninh có đưa tin trước đây). Hiện nay, bà Tâm mẹ anh Luân đã 80 tuổi. Mối bận tâm lớn nhất của bà là không biết sau khi bà qua đời, người con trai bị xiềng xích của bà sẽ sống ra sao. “Hằng đêm tôi thường cầu trời khấn phật cho tôi được sống thêm nhiều năm nữa để lo cho nó hoặc là thà nó cứ chết trước tôi, chứ nếu tôi khuất núi trước thì không biết nó sẽ sống ra sao?”.

Thử rảo một vòng quanh các trục đường chính của Thị xã và Hoà Thành, chỉ trong buổi sáng ngày 24.2.2009, tôi đã gặp ba người đàn ông bệnh tâm thần đi lang thang. Trên đường Trần Hưng Đạo (phường 2, Thị xã) một người đàn ông đen đúa, ốm nhom, đầu trần, mặc quần cộc, áo không cài nút, trên tay cầm hai cái bọc ni lông nhỏ và một mảnh vải trắng trông giống như chiếc áo tang cứ rảo bước dưới trời nắng chang chang. Tôi hỏi thăm, ông không hiểu và cũng không trả lời. Thử âm thầm quan sát, tôi thấy trên đường đi, thỉnh thoảng ông dừng lại lượm một viên đá nhỏ, đưa lên mũi ngửi rồi cười cười. Sau đó ném viên đá đi và lại lượm viên đá khác. Một người dân ở phường 2 cho biết: “Ông này là người Campuchia, thời gian gần đây, ông thường xuất hiện và hay đi trên con đường này”. Ở đường Nguyễn Thái Học (phường 4) cũng có một người đàn ông lang thang tương tự. Ông để tóc dài rũ rượi, đầu đội nón vải nữ, trên vai gánh một cây tầm vông có treo bốn cái bao khá nặng. Mắt ông lúc nào cũng nhìn vào những đống rác, tìm thức ăn thừa bỏ vào bao. Một mẩu bánh mì nhỏ, một khoanh bánh tét thiu nhớt, ông đều nhặt. Tôi thử hỏi thăm một vài câu, ông trả lời bâng quơ, không có ý nghĩa gì rồi lại lầm lũi đi tiếp. Theo dõi một đoạn, tôi thấy ông lấy những mẩu thức ăn nhặt được đó ra ăn. Không ăn được, ông lại bỏ vào bao, quảy đi tiếp.

Ảnh: Mắt lúc nào cũng tìm kiếm những đống rác...

Ở xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành tôi cũng gặp một thanh niên với vẻ mặt “ngơ ngơ”, thường hay lang thang trên đường. Anh ta không thu lượm vật gì, chỉ đi dọc trên đường, đi được một đoạn rồi quay lại. Đi được năm ba bước, rồi lại quay về đi theo hướng cũ. Cứ như thế cả giờ đồng hồ, anh ta vẫn không đi được bao xa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn người bệnh tâm thần, ông Dương Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Tây Ninh cho biết: “Hiện nay tỉnh ta chưa có bệnh viện chuyên chữa trị cho người bệnh tâm thần. Vì vậy, những người bị bệnh này chúng tôi đều đề nghị phải chuyển đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà để chữa trị. Những đối tượng thuộc diện chính sách, chúng tôi đều chỉ đạo địa phương trợ cấp tiền bạc đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị gia đình, cộng đồng phải cùng với ngành chức năng có trách nhiệm chăm sóc, quản lý, không nên để họ đi lang thang ngoài đường. Mặc dù họ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng họ không làm chủ được hành vi của mình, do đó dễ dẫn đến những hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội”.

ĐẠI DƯƠNG