BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh tật không phải là… chấm hết 

Cập nhật ngày: 15/10/2017 - 18:25

BTN - Nhiều người dân ở ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh thường gọi anh Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1982 là thầy. Gọi là thầy nhưng anh Cường chưa từng học sư phạm cũng như chưa công tác ngành giáo dục bao giờ. Tuy nhiên, anh luôn sẵn lòng dạy dỗ trẻ em trong xóm.

Anh Cường (đứng) dạy các em học sinh tại nhà.

Theo lời bà Trần Thị Thoại, mẹ anh Cường, lúc mới 6 tháng tuổi Cường bị bệnh sốt xuất huyết nặng, mất máu rất nhiều, được đưa đi Bệnh viện Ða khoa tỉnh cấp cứu.

Gia đình vô cùng lo lắng khi bác sĩ cho biết, bệnh nhi Cường khó mà qua khỏi. Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, gia đình cố đưa đi Bệnh viện Nhi đồng, Cường may mắn khỏi bệnh.

Càng lớn, tính tình của anh càng có biểu hiện lạ, suy nghĩ không giống bạn bè cùng trang lứa khiến gia đình vô cùng lo lắng. Nhưng niềm an ủi lớn nhất của gia đình chính là tuy có bệnh, Cường vẫn chăm chỉ học hành, anh đặc biệt có năng khiếu đối với môn toán.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Cường thi đậu vào Trường đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh với số điểm khá cao.

Ðến năm học cuối, bệnh Cường trở nặng, gia đình lại đưa anh đi khám và bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần hoang tưởng. Sau khi tốt nghiệp, Cường trở về gia đình, vì bệnh nên anh chỉ quẩn quanh trong nhà, không đi làm.

Nhờ kiên trì uống thuốc, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh anh dần thuyên giảm nhưng không hết hẳn. Tuy vậy, anh đã có biểu hiện thân thiện với mọi người hơn trước nhiều.

Biết anh Cường giỏi môn toán, lần nọ đứa cháu gần nhà đến nhờ anh giúp ôn luyện để chuẩn bị thi đại học. Anh sẵn lòng giảng dạy cho đứa cháu.

Nghe con kể lại, người họ hàng liền đánh tiếng nhờ anh dạy kèm luôn cho con mình. Ðứa cháu rủ thêm bạn bè đến học cho vui. Vậy là từ đó anh Cường bắt đầu công việc làm thầy, lớp học cũng ngày càng đông thêm.

Thấy vậy, nhiều người trong xóm cũng đến nhờ thầy Cường dạy kèm con em mình trong những tháng hè. Ban đầu, anh chỉ dạy môn toán cho các em học sinh cấp 3, nhưng trước nhu cầu của nhiều người, anh bắt đầu dạy thêm môn văn, tiếng Anh cho học sinh cấp 1 và dạy các môn toán, lý hoá cho các em cấp 2.

Ða số học sinh đến học thầy Cường đều là con em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu, anh dạy không lấy tiền, chủ yếu là để đầu óc khuây khoả không phải suy nghĩ nhiều. Anh nghĩ dạy học cũng là cách để khỏi bỏ phí kiến thức môn toán của mình. Ðiều này dần mang lại niềm vui thật sự cho anh Cường.

 Dần dà, nhiều phụ huynh thấy thương thầy Cường tuy bệnh tật nhưng vẫn chăm chỉ dạy dỗ bọn trẻ, thế là họ đóng góp cứ mỗi học sinh 100.000 đồng/tháng để anh có tiền mua thuốc trị bệnh.

Hiện nay, anh Cường đang dạy cho gần 10 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Và để việc dạy kèm hiệu quả, mỗi ngày anh chỉ dạy 2, 3 em vì theo anh, dạy nhiều không có thời gian theo dõi, hướng dẫn kỹ, sẽ không có chất lượng. 

Em Trần Thị Hồng Anh, học sinh lớp 6, ấp Giồng Cà cho biết: “Em học thầy Cường từ năm lớp 4 đến nay. Thầy Cường tuy khó tính, có những lúc hay la nhưng em rất thích học thầy, nhất là môn Toán. Thầy dạy rất dễ hiểu, vì vậy môn Toán em thường đạt điểm rất cao”.

Nhà anh Cường là điểm thu gom mủ cao su cho một công ty và anh có việc để phát huy khả năng của mình. Anh luôn tính toán chính xác, không để ai bị thất thoát nên được nhiều người tin tưởng.

Chị Trần Thị Phượng, một nông dân gửi mủ ở nhà anh cho biết: “Tôi vốn rất dở tính toán nên luôn nhờ thầy Cường kiểm tra. Thầy Cường rất trung thực, thẳng thắn, chưa lần nào tính sai, nên gửi mủ cho điểm này tôi rất yên tâm và đã gửi hơn 4 năm rồi”.

Bà Thoại, mẹ anh Cường giờ đây đã lấy lại được nụ cười khi nhìn con trai dù bệnh tật vẫn sống có ích cho đời. Bà cười hiền chia sẻ: “Bây giờ thấy con trai mình như vậy tôi vui lắm. Vui hơn hết là nó vẫn có thể giúp được nhiều người. Tôi cảm thấy mình còn rất may mắn”.

Anh Cường giờ đây cũng không còn mặc cảm vì bệnh tật, mà trái lại anh cảm thấy tự tin hơn khi nghe người ta gọi mình là thầy.

Anh nói: “Niềm vui của tôi hiện tại là có thể truyền đạt kiến thức môn toán cho các em nhỏ và giúp bà con trong việc tính toán phục vụ công việc làm ăn, vừa không lãng phí những gì đã học, vừa tránh được những suy nghĩ buồn phiền”.

VI XUÂN - THƯ TRÀ