Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bệnh tiểu đường - sát thủ câm lặng đe dọa 3,5 triệu người Việt
Thứ bảy: 13:54 ngày 22/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hoại tử chân... dẫn tới đột quỵ, tử vong.

Bộ Y tế ước tính khoảng 3,5 triệu người Việt mắc tiểu đường hiện nay. Mỗi năm số bệnh nhân tăng trung bình 5,5%. Dự báo đến năm 2040 Việt Nam có đến 6,1 triệu người bị tiểu đường.

Hiện có đến gần 70% không biết mình bị bệnh. 85% bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng NSND Anh Tú ngày 20/12, ở tuổi 56. 

Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào beta của tụy gây nên tình trạng thiếu hụt insulin và tăng đường huyết. Các thống kê lâm sàng hiện nay cho thấy tiểu đường và mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) thường song hành với nhau. Đường huyết trong máu tăng cao lâu ngày sẽ kéo theo tình trạng rối loạn lipid máu, đặc biệt dư thừa triglycerid và LDL-c (cholesterol xấu).

Vài năm qua tỷ lệ người bệnh tiểu đường ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Nguyên nhân chính do thói quen ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, lười vận động dẫn đến tình trạng thừa năng lượng trong đó có glucozo.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái Tháo Đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Tiểu đường là căn bệnh không gây ra những cái chết nhanh chóng như những bệnh cấp tính khác, nhưng âm thầm tiến triển đến không thể qua khỏi. Tiểu đường là một trong 77 nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới".

Theo số liệu của Liên đoàn đái đường thế giới, cứ 7 giây lại có một người tử vong do tiểu đường. Tiểu đường có thể tăng nguy cơ tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Tuổi thọ người bệnh giảm 6-10 năm so với người không mắc bệnh.

Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế khuyến cáo chỉ số đường huyết nên giữ dưới 135 mg/dl sau khi ăn. Ảnh: Health

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, chuyên gia y học cổ truyền phân tích, khi lượng mỡ trong máu vượt quá mức bình thường, người bệnh có nguy cơ xơ vữa động mạch, làm cho thành mạch bị hẹp dần lại. Bệnh nhân tiểu đường có kèm mỡ máu cao sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch 2-4 lần, nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 2-6 lần, nguy cơ tổn thương mạch máu tăng gấp 10 lần so người bị tiểu đường thông thường.

Ngoài ra, có một số loại thuốc điều trị tiểu đường mỡ máu gây tổn thương gan. Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh tiểu đường có nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, gây ra các bệnh mỡ máu cao, suy gan, suy thận.

Theo thống kê của Chương trình phòng ngừa bệnh tiểu đường quốc gia, trên 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường là do lượng đường trong máu cao làm tăng sự lắng đọng mỡ ở thành mạch và chậm dòng chảy của máu. Từ đó các mạch máu bị hẹp không thể bơm đủ máu đến tim, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Người bệnh tiểu đường còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

Bệnh thần kinh

Tổn thương hệ thần kinh là biến chứng đa số người bệnh tiểu đường mắc phải. Lượng đường trong máu quá cao dẫn đến tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Vì vậy, các dây thần kinh không nhận được đủ chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến yếu cơ, cảm giác tê bì ở các ngón tay.

Giảm thị lực

Lượng đường huyết trong máu cao làm các mạch máu bị nhỏ lại, võng mạc bị tắc nghẽn, gây tổn thương mắt. Ngoài ra, bệnh cũng làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, suy giảm thị lực và thậm chí dẫn đến mù lòa.

Biến chứng nhiễm trùng

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Vì vậy, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, các vết thương dễ bị viêm nhiễm, lâu khỏi...

Suy giảm trí nhớ

Tạp chí Neurology chia sẻ nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường có thể làm tê liệt thần kinh. Một nhóm nhà thần kinh học ở Harvard và bác sĩ tâm thần đã nghiên cứu thấy rằng bệnh này có nguy cơ làm suy giảm trí nhớ theo thời gian.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường gồm có các biểu hiện như: mắt nhìn mờ dần, không rõ nét. Cơ thể hay cảm thấy đói do không có đủ insulin hoặc insulin phân bổ không đều, thường xuyên mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, giảm cân đột ngột do cơ thể không có đủ insulin để điều hòa đường máu, hay khát nước và buồn tiểu.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chò, Viện 103 Học viện Quân y (Hà Nội) cho biết, người bệnh tiểu đường cần xây dựng lối sống lành mạnh, gồm kiểm soát cân nặng, tập thể dục đều đặn. Chế độ ăn hợp lý: nhiều rau, giảm tinh bột, chất ngọt, chất béo, không sử dụng thuốc lá...

Thực tế, hầu hết trái cây chứa đường fluco không làm tăng đường máu như đường gluco. Trong đó thanh long, bưởi, cam, quýt, táo, dưa lê... tốt cho người bệnh. Người bệnh cũng có thể ăn vải và nhãn khoảng 100 g mỗi ngày là an toàn. Nếu ăn 200 g vải hay nhãn mỗi ngày thì chia thành hai buổi sáng và chiều, đồng thời giảm vài thìa cơm mỗi bữa tương ứng. 

Ngoài ra, dành 30 phút một ngày để tăng cường tập thể dục, nâng cao sức khỏe. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng. Bên cạnh đó, sử dụng thực phẩm có tính dược như mướp đắng (khổ qua) có tác dụng kích thích tuyến tụy tăng cường tiết insulin, cải thiện sự dung nạp glucose và hỗ trợ ổn định đường huyết.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục