Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ung thư hốc mũi có thể gây biến dạng vùng mặt, tử vong do hội chứng nhiễm trùng và nhiễm độc.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3 (chuyên ung thư đầu, mặt, cổ), Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết bướu ác tính hốc mũi có nhiều loại tế bào.
Loại thường gặp nhất là ung thư tế bào gai, còn gọi là carcinoma. Loại hiếm gặp hơn là lymphoma. Loại ác tính tiến triển nhanh là u hạt mặt ác tính hay u hạt độc đường giữa.
Lee Chong Wei tuyên bố kết thúc thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 36 do ung thư mũi. Ảnh: AFP.
Theo bác sĩ Hoàng, ung thư tế bào gai hốc mũi có liên quan đến thuốc lá, tiếp xúc khói bụi nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường, khói động cơ, tiếp xúc chất vòng thơm, formal... Triệu chứng thường gặp là nghẹt mũi, chảy máu mũi, chảy máu mũi một bên, hay kèm theo viêm mũi xoang.
Lympho hốc mũi chiếm tỷ lệ khoảng 7% trong các bệnh ác tính hốc mũi. Bệnh do tế bào lympho NK/T gây ra, có liên quan với virus EBV. Giai đoạn khu trú có thể điều trị khỏi bằng hóa xạ trị kết hợp.
Loại u hạt mặt ác chiếm tỷ lệ 5-10% các bệnh vùng hốc mũi, thường gặp ở người trẻ 20-30 tuổi, nam nhiều hơn nữ, có liên quan virus EBV và đột biến gene P53. Tế bào miễn dịch của cơ thể tấn công làm phá hủy từ từ niêm mạc hốc mũi, phá hủy vách ngăn mũi, xoang cánh mũi và khẩu cái cứng. "Đây là loại ung thư của hốc mũi có độ ác tính cao. Bệnh nhân sẽ bị biến dạng vùng mặt và có thể tử vong do hội chứng nhiễm trùng và nhiễm độc", bác sĩ Hoàng phân tích.
Điều trị chủ yếu của ung thư hốc mũi là phẫu thuật và xạ trị. Phẫu thuật hay để lại khuyết tật về mặt cấu trúc nên bác sĩ thường kết hợp tạo hình thẩm mỹ. Đối với loại tế bào lymphoma và u hạt độc đường giữa, xạ trị được dùng kết hợp với hoá trị.
Theo bác sĩ Hoàng, ung thư hốc mũi phát hiện giai đoạn sớm điều trị đạt kết quả tốt có tiên lượng sống qua 5 năm đến 80-90%. Loại có tiên lượng tốt nhất là lymphoma, xấu nhất là u hạt mặt ác. Loại carcinoma có tiên lượng ở mức trung bình.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, phòng ngừa ung thư hốc mũi bằng cách giữ vệ sinh vùng mũi xoang, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc khói bụi và hóa chất sinh ung thư. Có thể xét nghiệm EBV trong máu để tầm soát và phát hiện sớm đối với người có nguy cơ bị bệnh này.
Cựu tay vợt cầu lông số một thế giới Lee Chong Wei tuyên bố kết thúc thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 36 chiều 13/6. Một năm qua, anh chống chọi với bệnh ung thư mũi, phải bỏ lỡ nhiều giải đấu lớn. Huyền thoại người Malaysia ghi dấu ấn với 69 chức vô địch và 34 lần về nhì, từng giữ vị trí số một trong 199 tuần liên tiếp giai đoạn 2008-2012.
Nguồn VNE