Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục lây lan rộng 

Cập nhật ngày: 02/09/2021 - 14:38

BTNO - Theo số liệu thống kê của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch mới được phát hiện, với hơn 200 con bò mắc bệnh.

Trong ngày 01.9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục.

Theo đó, trong ngày 1.9, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục ghi nhận 94 hộ chăn nuôi tại 32 xã, phường, thị trấn của 7 huyện và thành phố trong tỉnh có trâu bò mắc bệnh. Cụ thể, huyện Châu Thành có 26 hộ với 78 con bò mắc bệnh, trong đó, có 11 con chết. Huyện Tân Biên có 17 hộ với 29 con bò mắc bệnh, trong đó, có 2 con chết.

Huyện Tân Châu, ngành thú y và chính quyền địa phương xã Thạnh Đông phát hiện thêm 6 hộ có 10 con bò mắc bệnh, trong đó, có 4 con chết. Huyện Bến Cầu 16 hộ có 23 con bò mắc bệnh, trong đó, có 12 con chết.

Huyện Gò Dầu, có 14 hộ phát sinh mới, với 43 con bò mắc bệnh, trong đó, có 8 con chết. Huyện Dương Minh Châu có 13 hộ, với 17 bò mắc bệnh, không có bò chết. Thành phố Tây Ninh nghi nhận phát sinh 2 hộ tại xã Tân Bình có 2 con bò mắc bệnh, không có bò chết.

Nhiều trường hợp bò mắc bệnh viêm da nổi cục bị chết là bò con.

Như vậy, tính đến hết ngày 1.9.2021, trên địa bàn tỉnh có 2.787 con trâu, bò của 1.614 hộ chăn nuôi tại 81 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 234 con bị chết, tổng trọng lượng tiêu huỷ là 33.324 kg.

Để kịp thời ngăn chặn và khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương, tổ chức tiêm phòng bao vây đàn trâu, bò ở các khu vực xảy ra bệnh và một số khu vực có nguy cơ cao, đến nay, đã tiêm phòng được 34.643 liều vaccine viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Bò chết vì bệnh viêm da nổi cục được tiêu huỷ theo quy định.

Đồng thời, Chi cục chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), liên tục trong 3 tuần tại các khu vực chăn nuôi có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại các xã có dịch bệnh và các xã tiếp giáp; tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển và kiểm soát giết mổ trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Minh Dương