Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh viện bất an
Thứ tư: 12:29 ngày 10/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bác sĩ học võ để xả stress, rèn luyện sức khỏe thì không bàn làm gì. Còn học võ để chống bị hành hung thì quả thật đáng suy nghĩ. Không lẽ bệnh viện, nơi cần bình yên, lại quá bất an đến vậy?

Chuyện kể rằng có một võ sư ở TP.HCM dự định mở trường dạy võ cho các bác sĩ để những người này có khả năng tự vệ và bảo vệ người bệnh. Cách đây không lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng có sáng kiến mở lớp dạy võ phòng thân cho các bác sĩ.

Bác sĩ học võ để xả stress, rèn luyện sức khỏe thì chẳng bàn làm gì. Còn học võ để chống bị hành hung thì quả thật là đáng suy nghĩ. Không lẽ bệnh viện, nơi cần bình yên, lại quá bất an đến vậy? Không lẽ bác sĩ lại hành nghề cứu người trong hoàn cảnh nguy hiểm tới mức phải đi học võ để ứng phó với vấn nạn bạo lực?

Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, ghi nhận có ít nhất 20 vụ điển hình về mất an ninh, trật tự trong bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (20%).

Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%), trong đó có nhiều vụ xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.

Cục Khám chữa bệnh chỉ nêu lên những vụ điển hình, thực tế cho thấy an ninh ở bệnh viện đang là vấn đề khá bức xúc.

Ngoài chuyện các bác sĩ hoặc nhân viên y tế phải đối mặt với những hành động quá khích của thân nhân bệnh nhân, nạn giang hồ xông vào bệnh viện đập phá, truy sát, thanh toán lẫn nhau cũng diễn ra ở nơi chữa bệnh.

Đó là chưa kể đến việc có không ít đối tượng kiếm sống trong bệnh viện bằng “nghề” trộm cắp, chèo kéo, lừa đảo...

Bất an ở bệnh viện xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như quá tải, thiếu trang thiết bị, người dân không thượng tôn pháp luật, đặc biệt là lực lượng bảo vệ bệnh viện không được huấn luyện đầy đủ, thái độ phục vụ của bác sĩ và nhân viên y tế có lúc chưa đúng mức nên nảy sinh những xung đột không đáng có.

Nhưng quan trọng nhất là rất ít lãnh đạo bệnh viện quan tâm đến công tác an ninh, trật tự.

Điển hình là trong ngày 7-4 vừa qua, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phối hợp với chính quyền, công an đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh thì có nhiều lãnh đạo các bệnh viện không tới tham dự, đến nỗi vị chủ trì hội nghị phải than phiền: “Khi có vấn đề về an ninh, các bệnh viện cầu cứu hết công an, chính quyền rồi bộ, nhưng lại vắng mặt trong buổi hội nghị quan trọng này”.

Phải thừa nhận bệnh viện ở Việt Nam rất phức tạp, đây là cả một xã hội thu nhỏ. Ở đó không chỉ có bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân mà còn cả người nuôi bệnh, kẻ gian trà trộn vào đó... Do vậy, không thể chủ quan mà phải cần nhiều biện pháp để giữ an ninh trật tự trong bệnh viện.

Nhưng trước hết là các lãnh đạo bệnh viện không được coi nhẹ việc bảo vệ an ninh, trật tự với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Nếu chỉ chăm chú vào chuyên môn, lơ là với công tác này thì bệnh viện sẽ không còn là... bệnh viện, nơi cứu người chứ không phải là nơi hại người!

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục