BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh viện công lập - Tăng tốc nâng chất hoạt động 

Cập nhật ngày: 21/08/2023 - 14:11

BTN - Sau thời gian dài khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế, các cơ ở y tế công lập không ngừng nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn, cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực.

Người bệnh được tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Tây Ninh.

Bệnh viện tuyến huyện “hút” khách

Chăm sóc cháu ngoại 4 tuổi đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, ông Trần Công Hiếu (58 tuổi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) chia sẻ: “Sau hai ngày nhập viện, cháu trai tôi đã khoẻ hơn, không còn nóng, sốt nữa. Ở đây, các bác sĩ rất nhiệt tình, thuốc men đầy đủ hai lần một ngày. Tôi cảm thấy rất an tâm”.

Ông Hiếu cho biết thêm, đây là lần thứ hai cháu trai nhập viện tại TTYT huyện Gò Dầu. Mặc dù ở huyện Bến Cầu, nhưng ông không ngại đường xa đưa cháu mình đến đây điều trị. “Lúc trước, mỗi khi bệnh đau, tôi không biết điều trị ở đâu, vì nơi nào cũng báo là không có thuốc, phải mua ở ngoài. Ra bệnh viện tư thì gia đình không có khả năng. Giờ thì yên tâm rồi! Cháu tôi nằm viện được chăm sóc chu đáo, còn được thanh toán BHYT nên chi phí không nhiều”- ông Hiếu nói.

TTYT huyện Gò Dầu là một trong 9 cơ sở y tế tuyến huyện được tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, đặc biệt sau khi được cung ứng đầy đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Mới đây, theo kết quả đánh giá điểm chất lượng các bệnh viện đạt chuẩn 6 tháng đầu năm 2023, TTYT Gò Dầu được xếp vào nhóm bệnh viện đứng đầu cấp huyện. Theo bác sĩ Phan Minh Tú- Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Gò Dầu, sau thời gian bị gián đoạn do hậu Covid-19, tình trạng thiếu thuốc kéo dài khiến nhiều cơ sở y tế khó khăn trong hoạt động KCB.

Sau khi Sở Y tế hoàn thành 2 gói thầu với 1.000 mặt hàng thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương, đơn vị cơ bản giải quyết cấp bách tình trạng thiếu thuốc BHYT, người dân đã đến và quay trở lại với cơ sở KCB công lập. 

“Hiện lưu lượng khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú tại trung tâm tăng vượt so với thời gian trước. Trung bình mỗi ngày, TTYT huyện Gò Dầu tiếp nhận hơn 300 lượt bệnh nhân ngoại trú và 80-90 lượt bệnh nhân nội trú. Riêng ngày đầu tuần và cuối tuần, trung tâm tiếp nhận hơn 600 lượt bệnh nhân ngoại trú, nội trú. Đây là dấu hiệu phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước và sau dịch, đặc biệt là thời điểm chưa được cung ứng thuốc tại đơn vị”- bác sĩ Tú nhận định.

Bác sĩ Tú cho biết thêm, hiện thuốc đã được cung ứng đầy đủ sau khi có kết quả đấu thầu tập trung cấp tỉnh. Về vật tư y tế, nguồn thuốc được cung ứng 100%, nhưng vật tư tiêu hao chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. “Ví dụ có dịch truyền lại không có dây truyền, kim tiêm, đặc biệt là găng tay không thể thiếu.

Trước khi Thông tư số 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, TTYT huyện Gò Dầu đã áp dụng mua các gói nhỏ, lẻ dưới 50 triệu đồng đối với những vật tư tiêu hao này để bảo đảm hoạt động tại cơ sở. Từ khi Thông tư 14 được ban hành, đơn vị đã, đang và tiến hành mua sắm các vật tư tiêu hao và trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu điều trị sắp tới tại trung tâm”.

TTYT huyện Gò Dầu được đầu tư các thiết bị chuyên môn, chẩn đoán cận lâm sàng như MRI, CT 32 lát cắt, siêu âm màu, siêu âm vùng âm đạo, triển khai các dịch vụ cao như lọc máu nhân tạo, từng triển khai mổ, phẫu thuật cắt ruột thừa, dạ dày, thoát vị bẹn, trĩ... “TTYT đang ráo riết kiện toàn, tổng hợp lại những vật tư y tế còn thiếu để mua.

Sớm nhất trong khoảng 1 tháng nữa, TTYT sẽ có đầy đủ những vật tư tiêu hao đó để sử dụng nhu cầu 6 tháng cuối năm 2023. Khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào 31.12.2023, bắt đầu từ tháng 1.2024 sẽ có Luật Đấu thầu mới, Luật Giá mới và Luật KCB mới, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức mua gói thầu mới theo quy định”- bác sĩ Tú cho biết.

Sau khi có kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu được cung ứng đầy đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bệnh viện tuyến tỉnh: Nâng chỉ tiêu giường bệnh

Từ năm 2020, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Tây Ninh là bệnh viện hạng II được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Với quy mô 100 giường bệnh, cùng đội ngũ nhân viên y tế không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đến nay, công tác khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng (63 tuổi, phường 2, TP. Tây Ninh) nhận xét: “Tôi điều trị tai biến tại bệnh viện hơn 15 tháng nay, các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, chu đáo. Bên cạnh thuốc điều trị 2 lần mỗi ngày, tôi còn được hỗ trợ tập vật lý trị liệu với dụng cụ. Đến nay, sức khoẻ của tôi đã ổn định, chuẩn bị xuất viện. Tôi cảm thấy yên tâm khi điều trị tại bệnh viện”.

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 90-100 người bệnh điều trị nội trú. Thời điểm gần đây, bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhất là khi bệnh viện thực hiện chế độ liên thông điều trị nội trú BHYT tuyến tỉnh, người bệnh không phải chuyển tuyến từ năm 2021. “Hiện số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng so với năm 2022. Đây là thực tế không nằm ngoài dự báo của bệnh viện, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt”, dược sĩ CKI Trương Văn Cảnh- Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng cho biết.

Cùng với các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến việc KCB bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, bệnh viện còn đưa các thiết bị hiện đại vào thực tiễn như: hệ thống oxy cao áp, máy sóng xung kích điều trị, máy Laser điều trị, kéo nắn cột sống bằng máy, siêu âm, từ trường, OT Lab, đơn nguyên ngôn ngữ trị liệu...

Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng cho biết thêm, mặc dù cơ sở hạ tầng của bệnh viện đáp ứng triển khai quy mô 100 giường, nhưng chỉ tiêu được giao chỉ có 50 giường. Do đó, các định mức hoạt động tại bệnh viện đã gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, đầu tư tài chính, định mức trang thiết bị, quyết toán kinh phí BHYT...

Để nâng chỉ tiêu kế hoạch 100 giường bệnh, đồng thời giúp giảm quá tải, bảo đảm thanh toán BHYT nội trú cho người bệnh theo quy định, bệnh viện đã xây dựng đề án nâng chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh từ 50 giường lên 100 giường, đang chờ Sở Y tế phê duyệt.

Đề cập đến kế hoạch xây dựng giá tập trung trong mua sắm y tế theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, dược sĩ CKI Trương Văn Cảnh- Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN chia sẻ thêm, hiện tại, vật tư y tế bệnh viện không thiếu, vẫn đáp ứng đầy đủ để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, để nâng chất lượng hoạt động, bệnh viện đang xây dựng danh mục và xây dựng giá tập trung theo quy định.

“Từ đầu năm 2023, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình phục hồi chức năng đa chuyên ngành, phát triển thêm các dịch vụ kỹ thuật mới như: tâm lý trị liệu, dụng cụ trợ giúp thích nghi, thành lập đơn vị phòng, chống đau... Các mô hình này nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm bệnh nhân mỗi người nằm một giường, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bệnh viện trở thành nơi cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng cao cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận”- dược sĩ CKI Trương Văn Cảnh cho biết.

Tâm Giang

“Sau khi có kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp tỉnh của Sở Y tế, Bệnh viện PHCN đã trúng thầu 133 mặt hàng, cơ bản đáp ứng đầy đủ các nhóm thuốc điều trị cho người bệnh. Tình hình bệnh nhân đã quay lại điều trị, tỷ lệ bệnh nhân tăng gần 150% đối với điều trị nội trú cũng như ngoại trú. Công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch bình quân trong năm luôn ở mức trên 120%, những quý cao nhất công suất sử dụng giường bệnh vượt đến 150%.

Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, nhiều bệnh lý để lại di chứng đã được bệnh viện tiếp nhận và điều trị kịp thời với hiệu quả cao, giảm thiểu biến chứng khuyết tật”.

Dược sĩ CKI Trương Văn Cảnh- Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Tây Ninh