BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bệnh viện đa khoa Tây Ninh: Chạy thận nhân tạo, cần một cơ chế thoáng

Cập nhật ngày: 19/08/2009 - 10:01

Từ trước đến nay, người bị bệnh thận ở Tây Ninh điều trị bằng đơn nguyên thận nhân tạo (gọi tắt là chạy thận) đều phải đến các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh, tốn kém không ít thời gian và tiền bạc. Vì thế, đối với người bệnh thận, việc BVĐK Tây Ninh đưa buồng chạy thận đi vào hoạt động là một tin vui.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng - phụ trách công việc ở buồng chạy thận cho chúng tôi biết, ngày 21.7 vừa qua, BVĐK tỉnh đã vận hành 3 máy chạy thận để điều trị bệnh nhân. Trước đó, Tây Ninh đã cử 2 bác sĩ và 8 điều dưỡng viên dự tập huấn kỹ thuật vận hành máy chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 bác sĩ tập huấn tại Bệnh viện Bình Dân.

Các bác sĩ của BVĐK tỉnh đã tiếp thu kỹ thuật vận hành máy và hiện đang điều trị có hiệu quả cho 4 bệnh nhân. Trước đây, những bệnh nhân này điều trị tại các bệnh viện ở TP. HCM. Danh sách bệnh nhân đăng ký xin chạy thận tại BVĐK nay đã lên đến vài chục người.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại BVĐK.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng cho biết thêm, các bác sĩ vận hành máy chạy thận đều phải kiêm nhiệm. Công việc chính của chị là ở khoa Phẫu thuật- Gây mê hồi sức, còn các đồng nghiệp của chị như: bác sĩ Văn Thế Nghiệm vốn là phẫu thuật viên khoa Ngoại, bác sĩ Nguyễn Thành Phước trực khoa Hồi sức cấp cứu. Để đảm bảo việc vận hành máy, các bác sĩ phải làm việc gấp hai lần so với trước đây. Với tinh thần hết lòng phục vụ bệnh nhân, các bác sĩ đã không quản mệt nhọc, làm tốt cả hai nhiệm vụ được giao, chưa để xảy ra sai sót nào. Các bác sĩ đều mong BVĐK được mở rộng mặt bằng, trang bị thêm máy để những bệnh nhân cần chạy thận đều được chữa trị tại Tây Ninh, giúp họ giảm bớt khó khăn khi phải điều trị tại TP. HCM.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BVĐK Tây Ninh tâm sự, việc BVĐK Tây Ninh đưa máy chạy thận đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm rất lớn của đội ngũ chuyên môn và lãnh đạo của bệnh viện. Ông nói: “Hiện nay, tỉnh ta chưa có cơ chế thoáng như ở TP. HCM nên chúng tôi chưa thể điều trị nhiều bệnh nhân hơn. Cụ thể là theo Quyết định số 2140/QĐ-UB ngày 10.8.2008 của UBND tỉnh thì mức thu phí điều trị cho một ca chạy thận là 300.000 đồng do Bảo hiểm y tế chi. Tuy nhiên, theo chiết tính của chuyên môn thì một ca phải tốn 1.219.694 đồng, trong đó thuốc 636.740 đồng và vật tư y tế tiêu hao 583.224 đồng. Số tiền thiếu hụt, bệnh viện đang phải gánh mà tài lực của bệnh viện thì có giới hạn. Bệnh viện đang đề xuất cấp trên cho cơ chế tài chính “mở”, nghĩa là chấp nhận cho bệnh nhân tự nguyện đóng góp. Có như vậy mới có thể phục vụ được việc chạy thận cho nhiều người hơn trong thời gian dài”. Hiện nay, việc chạy thận ở BVĐK chỉ mới thực hiện được 3 buổi/tuần. Bởi vì càng làm nhiều, bệnh viện càng phải “bù lỗ nặng”. Cũng theo bác sĩ Trường, tỉnh cần đầu tư mở rộng mặt bằng và mua thêm máy để buồng chạy thận hiện nay trở thành phòng chạy thận như một số bệnh viện lớn ở TP. HCM, có vậy mới đáp ứng được nhu cầu của số đông bệnh nhân ở Tây Ninh.

VÕ CƯỜNG