Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Tôi vô bếp một phần vì đam mê, một phần vì muốn những món ăn như là món quà thơm thảo. Sự ấm áp và cái lạnh lẽo lúc nào cũng từ căn bếp mà ra. Nên từ căn bếp, tôi luôn tâm niệm phải giữ bằng được niềm vui cùa nhà mình…”.
Đó là những lời chia sẻ đầy mộc mạc của chính tác giả Lê Duy Niệm, một giáo viên qua quyển sách "Bếp ấm nhà vui- Thương món ăn Nam bộ" của mình. Hơn 30 mẩu chuyện nhỏ về những món ăn đã gắn với những kỷ niệm từ thời thơ ấu cho tới hiện tại mà chính ông trải nghiệm. Những món ăn bình dị, mộc mạc từ các tỉnh miền Tây lên tận Sài Gòn được tái hiện qua những hồi ức đẹp của tác giả.
Bìa sách Bếp ấm nhà vui-Thương món ăn Nam bộ.
Những món ăn, cách chế biến được giới thiệu không cầu kỳ công thức, mà là những chia sẻ về những “tuyệt kỹ” của người mẹ, người bà, người vợ hay là của một quán nào đó ven đường mà tác giả vô tình ghé qua. Ta có thể cùng tác giả trở về ký ức tuổi thơ với giàn đậu móng chim lúc còn ở quê nhà Bạc Liêu; nó gắn cùng hồi ức của tác giả về cái thi vị của những ngày còn nghèo khó.
Là món thịt kho tàu “không đối thủ của” mẹ ông với cách chế biến cầu kỳ chan chứa tình cảm ấm áp. Hoặc vị mặn, bùi, thum thủm đặc trưng của ba khía Rạch Gốc mà người xa quê đều mừng rỡ vỡ òa cảm xúc, nuốt cùng cơm nguội vẫn ngon.
Là tô bún bì của người vợ thảo tỉ mỉ làm riêng mỗi khi ông thèm ăn. Là chảo kho quẹt mặn chát trong trí nhớ ngày thơ bên người nghèo khó qua những ngày đông tháng giá. Là món bánh lá má làm ngày bé, rất giản đơn thơm mùi lá mơ chấm cùng nước cốt dừa béo ngậy mà ngày nay như muốn thất truyền.
Ký ức về món cơm tấm sườn bì thì phải ngồi vỉa hè Sài Gòn ăn để tìm về mùi vị… và còn nhiều những món ăn dân dã, đặc trưng hay đã biến tấu của người Nam bộ được tác giả truyền tải một cách thân thương đầy cảm tình qua giọng văn nhẹ nhàng, ngắn gọn. Đặc biệt những mẩu chuyện đều kèm theo những vần thơ bình dị và hình minh họa dễ thương.
Tác giả Lê Duy Niệm tự nhận mình là người yêu bếp, ông sẵn sàng xắn tay áo bước vào bếp chế biến hoặc phụ vợ nấu ăn. Ông cũng có thói quen dẫn khách quý về tận khuôn bếp nhà mình bởi ông luôn cho rằng góc bếp là một phần thiêng liêng của mỗi gia đình.
Nó gắn với ký ức, với hình ảnh những người phụ nữ thân thương nhất đời ông. Ở đó, ông có thể thảnh thơi “thả những ưu phiền theo khói trắng, nghe bình yên đang tụ lại rồi lớn dần trong từng miếng ăn mình thưởng thức, trong ánh nhìn êm dịu của người mình yêu”.
Nếu bạn là người yêu bếp, yêu không khí gia đình ấm áp thì đây là một quyển sách khá thú vị khi lần giở ra xem. Bạn có thể thả sức mường tượng về một thời đã xa với những ký ức về những bữa ăn ấm tình, cho dù bạn ở bất cứ vùng nào của miền quê Nam bộ này.
Vi Xuân