Tháng 10.1994, bãi chạm khắc đá cổ Sapa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Việt Nam cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét việc công nhận bãi đá cổ Sapa là Di sản Văn hoá Thế giới. Sau gần 18 năm được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia, rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tìm đến với bãi đá này để nghiên cứu mong giải mã được những hình khắc bí ẩn của người Việt cổ.
|
Các nhà nghiên cứu tiến hành thu thập các dấu vết khắc in trên một tảng đá cổ Sapa |
Cách trung tâm thị trấn huyện Sapa khoảng 7km về hướng Đông Nam, bãi chạm khắc đá cổ Sapa bao gồm khoảng hơn 200 hòn đá lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác trên diện tích khoảng 8km2, xen giữa nương rẫy, ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào và Tả Van.
|
GS. Phillipe le Failler của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đang lấy tọa độ của từng phiến đá cổ |
Bãi đá cổ được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1923 bởi nhà Đông Dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga Victor Goloubev. Ngày nay, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tìm đến nghiên cứu ngày một đông. Điển hình trường hợp GS.Philippe Le Failler của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp.
|
Những phiến đá cổ nằm xen kẽ trong các khu vườn của những gia đình dân tộc thiểu số. |
Tại bãi đá cổ ở bản Pho, một bản người Mông nằm gần đường cái, số lượng các tảng đá cổ không nhiều nhưng kích thước khá lớn. Bãi đá thứ hai nằm trên con đường giáp ranh với hai xã Hầu Thào và Lao Chải, trên con đường mòn từ đường cái qua các thửa ruộng bậc thang lên bản Hầu Chư Ngài của người Dao đỏ. Đây là bãi đá rộng nhất, là nơi tập trung gần 100 phiến đá với nhiều hình dạng to nhỏ khác nhau mà người dân ở đây thường gọi là “thư viện trời”. Ngoài ra, trên địa phận xã Tả Van và Sử Pán còn rải rác một vài hòn đơn lẻ cũng thuộc bãi đá cổ Sapa.
|
Có những phiến đá cổ nằm trên đỉnh núi, xen giữa các khu ruộng bậc thang của đồng bào. |
Các nhà nghiên cứu đã thống kê được trong tổng thể bãi đá cổ Sapa có khoảng hơn 200 tảng đá có hình thức và độ lớn bé khác nhau. Đặc biệt, trên những tảng đá ấy có nhiều hình khắc chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện sự khéo léo và văn hoá của người Việt cổ. Đồng thời, nó cũng thể hiện sức lao động bền bỉ của con người.
|
Những phiến đá cổ đã được quây hàng rào bảo vệ. |
Cũng theo các nhà nghiên cứu, hình khắc trên những tảng đá tại bãi đá cổ Sapa rất phong phú và đa dạng, chủ yếu là hình tròn, tượng trưng cho hình ảnh mặt trời. Ngoài ra còn có các hình khắc tượng trưng cho quan niệm “sinh thực khí” với hình nam nữ giao phối, các đường vạch trong quẻ Kinh Dịch. Trên tảng đá còn có những hình khắc đường vạch ngắn hoặc có thể kéo dài bao quanh tảng đá có thể tượng trưng cho hình ảnh cánh đồng hay ruộng bậc thang. Còn các hình khắc hình chữ nhật có thể tượng trưng cho nhà cửa. Lại có tảng đá khắc hoạ hình ảnh con đường dẫn lối vào nhà với cây cối ở xung quanh. Có phiến lại khắc hình ảnh la bàn, hình người, vòng xoáy âm dương… Hầu hết hình khắc trên các tảng đá cho đến nay vẫn là điều bí ẩn chưa thể giải mã được hết, nhưng nó cho thấy tính sáng, văn hoá của người Việt cổ.
|
Một phiến đá cổ nằm ngay bên cạnh đường cái. |
Các hình khắc thể hiện tư duy tạo hình giản đơn song khúc chiết. Có thể nói, mỗi phiến đá với những hình khắc độc đáo là một câu chuyện về thế giới cổ sơ của người xưa, với tâm hồn trong trẻo, phản chiếu trong đó cuộc sống và thiên nhiên xung quanh.
|
Khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu những hình khắc đầy bí ẩn trên phiến đá cổ. |
Với những hình khắc độc đáo có giá trị về lịch sử và văn hoá, bãi đá cổ Sapa đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học nhằm giải mã những bí ẩn xung quanh các hình khắc để tìm hiểu cũng như góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của ông cha.
|
Bãi đá cổ Sapa đã được biên soạn thành sách phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và du lịch |
(Theo vnan)