Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sắp đến Lễ hội đền Cuông (Rằm tháng 2 Âm lịch), người xứ Nghệ lại kể cho nhau nghe câu chuyện huyền bí năm xưa, khi hạc trắng bỗng dưng xuất hiện đúng ngày lễ hội rồi chết, và hiện nay xác của nó đang được đặt một nơi trang trọng tại ngôi đền An Dương Vương.
Sắp đến Lễ hội đền Cuông (Rằm tháng 2 Âm lịch), người xứ Nghệ lại kể cho nhau nghe câu chuyện huyền bí năm xưa, khi hạc trắng bỗng dưng xuất hiện đúng ngày lễ hội rồi chết, và hiện nay xác của nó đang được đặt một nơi trang trọng tại ngôi đền An Dương Vương.
Với người xứ Nghệ, hạc trắng còn là hiện thân của nàng Mị Châu cùng câu chuyện năm xưa, khi vua An Dương Vương cùng con gái chạy trốn giặc Triệu Đà đến Nghệ An cùng đường, đã phải chấp nhận cái chết bi đát.
Sự kiện lạ
Với người dân Nghệ An, đền Cuông (Diễn Châu, Nghệ An) đã trở nên quá quen thuộc. Không phải bởi địa thế cùng kiến trúc độc đáo có một không hai ở Việt Nam, mà còn bởi ngôi đền là nơi duy nhất lưu truyền với câu chuyện cuộc rút lui của An Dương Vương và công chúa Mị Châu sau khi bị giặc Triệu Đà truy đuổi. Ngôi đền đã có từ nhiều thế kỷ nay, đến năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An mới đầu tư tu bổ và khuyến khích nhân dân đến cúng viếng ở ngôi đền này.
Chim Hạc bay về trong lễ hội Đền Cuông trước đây. |
Năm năm sau ngày được tu bổ, tỉnh Nghệ An quyết định tổ chức Lễ hội đền Cuông với quy mô toàn tỉnh. Trong Lễ hội này, một điều kỳ lạ đã xảy ra khiến người xứ Nghệ xôn xao và kéo nhau về đền Cuông để được tận mắt chứng kiến. Trong cuộc đua ngựa, một hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội, thì bất ngờ từ đâu không rõ, một con hạc trắng toát hạ cánh trên tay một nông dân đang chuẩn bị bước vào đường đua. Lúc này, tất cả mọi hoạt động của Lễ hội tạm ngưng, nhiều người thậm chí đã quỳ xuống, khấn vái, vì cho rằng đó là công chúa Mị Châu hiện thân. Hay tin, hàng trăm ngàn người kéo đến ngắm nhìn, và hạc cũng liên tục vẫy cánh khoe sắc.
Ông Cao Ngọc Xuân - Trưởng Ban quản lý Đền Cuông cho biết: Sự việc đó đã trở thành câu chuyện thời sự nóng bóng ở xứ Nghệ lúc bấy giờ. Từng dòng người từ miền ngược, miền xuôi đua nhau kéo về Đền Cuông để ngắm hạc và cầu khấn. Đền Cuông trong những ngày Lễ hội năm đó luôn trong tình trạng quá tải, quốc lộ 1A đoạn qua Đền Cuông luôn ách tắc hàng giờ đồng hồ vì ai hay tin, cũng muốn xuống để được ngắm hạc và cầu khấn.
Theo TS.Hồ Bá Quỳnh, người chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hoá ở Nghệ An: Hạc là loại động vật cao cấp, thường bay ở tầm cao và rất sợ tiếp xúc với con người. Việc hạc bỗng dưng xuất hiện đúng vào ngày lễ hội Đền Cuông, nơi có rất đông người là điều xưa nay hiếm, đi ngược với thói quen sinh tồn của loại chim này. Từ đó trong sâu thẳm, xuất phát từ niềm tin vào câu chuyện cổ tích, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người xứ Nghệ, ai cũng nghĩ rằng, đó là Mị Châu hoá thân và mong muốn gửi một thông điệp nào đó tới người dân. Tuy nhiên, dư luận thì vô kể, và thời điểm đó việc hạc về tạo ra những cuộc tranh luận khác nhau trong quần chúng, nhưng có một điều giống nhau, là ai ai cũng muốn hành hương về đền Cuông để xem hạc. Thực tế, bản thân những người tổ chức và chính quyền sở tại khi đối mặt với câu chuyện đó cũng không tránh khỏi sự luống cuống bởi nó gắn liền với câu chuyện xưa và mang nặng tính văn hoá tâm linh.
Xác con hạc được ướp còn y nguyên ở đền Cuông |
Sau khi tổ chức một cuộc họp khẩn, có sự tham gia của nhiều quan chức cấp tỉnh, hạc được thống nhất đưa vào đền, cho đậu ở một nơi trang trọng, có không gian thoáng để người người chiêm ngưỡng. Mặc dù vây, đúng một ngày sau khi lễ hội kết thúc, hạc cũng chết và điều đó càng làm cho câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. Lúc này việc chôn cất chim hạc lại đặt ra cho ban tổ chức nhiều vấn đề, bởi với niềm tin của người dân, đó không còn là một loại chim đơn thuần, mà còn là ẩn hiện bóng dáng của người xưa. Một số cao niên cho rằng, nên chôn cất và lập miếu thờ ngay tại đền. Nhưng về sau, khi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong tỉnh cũng như khắp nơi, hạc đã được trịnh trọng mang ra Hà Nội, tiến hành việc ướp xác, và chuyển trở về Nghệ An. Bây giờ, đến với đền Cuông, chúng ta vẫn có thể thấy xác con hạc còn y nguyên nằm trong lồng kính, nơi trang trọng của đền Cuông. Cũng từ cái ngày đó, Đền Cuông đã linh thiêng càng trở nên huyến bí hơn, và không khó hiểu vì sao, khách cả nước đến với ngôi đền này nườm nượp.
Và câu chuyện năm xưa
Theo câu chuyện truyền thuyết lưu truyền trong dân gian thì sau khi chạy trốn giặc Triệu Đà đến Nghệ An, An Dương Vương cùng đường... Không còn đường thoát, An Dương Vương rút kiếm chém Mị Châu chết rồi phi ngựa chạy thêm một đoạn nữa và gieo mình xuống biển. Tất nhiên, trong hồi kết đầy bi đát của An Dương Vương và con gái, dân gian đã thêu dệt nên rất nhiều câu chuyện, như việc An Dương Vương chạy đến vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) thì nghe tiếng giặc. Một cụ già bên đường bảo rằng, có kẻ thù đang ngồi phía sau. Vua vội rút gươm chém chết con gái và gieo mình tự tử. Có rất nhiều giai thoại xung quanh cái chết của hai con người lịch sử này, nhưng có một thực tế được sách sử ghi chép rất rõ ràng, là khi đến bờ biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) thì An Dương Vương cụt đường và sau đó cả hai cha con đều chết.
Ngày nay, núi Mộ Da, núi Đầu Cân hay hòn Đá gạo là những địa danh gắn với sự tích năm xưa, nằm ngay bên cạnh ngôi đền Cuông mà người dân vẫn đến thắp hương ngày ngày. Hay đơn cử như tục lệ cúng tế: Nghệ An có loại vàng vó, làm bằng nan tre gập lại thành khối vuông, dán giấy vàng hay đỏ ghép xen kẽ nhau. Mỗi khối là một thỏi. Năm mươi thỏi ghép lại thành hình một khối chữ nhật gọi là một thớt. Tương truyền rằng, quân tướng của An Dương Vương hộ tống nhà vua vào đến đây, sau khi vua chết, họ ở lại và truyền nghề làm vàng vó cho dân. Ngày nay, ở một số vùng, các phường hội làm vàng vó cúng tổ sư là: "Thục An Dương Vương chi Quân tướng (nghĩa là: Quân tướng của vua Thục An Dương Vương). Khi tìm hiểu rộng ra ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, phần lớn các tỉnh miền Bắc chỉ làm vàng giấy, riêng ở Cổ Loa thì có tục làm vàng vó.
Hạc về, cá voi chết vào thời điểm đúng ngày lễ hội đền Cuông càng tăng thêm sự huyền bí về câu chuyện cổ xưa. Sắp đến ngày đại lễ diễn ra tại ngôi đền này, người xứ Nghệ lại nô nức và không ít người muốn đến đây như được một chút tĩnh tâm để hồi ức lại một trong những câu chuyện chính trị, tình yêu, tình phụ tử có cái kết bi đát trong lịch sử dân tộc .
Sự trùng hợp thú vị Câu chuyện hạc trắng xuất hiện một cách kỳ lạ chưa kịp lắng xuống, thì tại Lễ hội đền Cuông năm 1996, ở bờ biển Cửa Hiền, phía sau ngôi Đền Cuông huyền thoại, một con cá voi 10 tấn chết dạt vào bờ. Theo nhà sử học Nguyễn Văn Siêu, bờ biển Cửa Hiền cạn, và việc con cá voi 10 tấn chết rồi dạt vào được bờ cũng là chuyện hiếm gặp. Hay tin, người tham gia lễ hội ùn ùn kéo về phía bờ biển để thắp hương cầu khấn. Theo truyền thuyết, biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình tự vẫn và thực tế hiện tại vẫn còn một đền thờ An Dương Vương tồn tại ở đây. Việc cá voi chết và thỉnh thoảng dạt vào một bờ biển đâu đó thật ra cũng không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, khi cá voi chết dạt vào tại khu vực này, vốn sẵn đã trở thành một địa điểm linh thiêng trong tâm thức của người dân nên nó trở thành một sự kiện gây được sự chú ý cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, trong năm đó, người dân ở đây đã làm "lễ an táng" cho con cá voi chết khá rầm rộ, với sự tham gia của hàng ngàn người với những nghi thức thành kính. Sau đó, ngôi mộ cá voi được rất nhiều người dân tình nguyện ngày ngày hương khói. Khách ở khắp nơi về tham quan đền Cuông cũng không quản chạy xuôi thêm 3km, đến ngôi mộ nói trên thắp nén nhang. |
K.D (st)