Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bi kịch của người già Trung Quốc
Thứ năm: 15:33 ngày 21/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong 9.000 giường tại một viện dưỡng lão công ở Bắc Kinh, hàng năm chỉ có 20-30 giường trống. Có những người phải đặt chỗ từ 5 năm trước.

Tại tỉnh Giang Tô mới đây xảy ra vụ án một người giúp việc bạo hành tới chết cụ ông 83 tuổi. Người giúp việc này mới làm 8 ngày, dùng khăn bịt mặt rồi ngồi hẳn lên người cụ. Ngay cả khi cụ ông bất lực vùng vẫy, người này vẫn bình thản phe phẩy quạt trên tay.

Cụ ông qua đời vì ngạt thở. Thủ phạm sau đó vẫn điềm nhiên tắm rửa và khâm liệm cho ông như không có chuyện gì xảy ra. Sự việc chỉ vỡ lở khi người nhà xem lại camera giám sát. Vụ án đang trong giai đoạn được xét xử, tuy nhiên từ trường hợp này nhiều người Trung Quốc bắt đầu suy nghĩ: Có nên thuê giúp việc trông người già hay không?

Bức ảnh "Người con duy nhất" phản ánh mặt trái của chính sách một con từng được thực hiện nhiều năm tại Trung Quốc nhằm giảm thiểu dân số. Ảnh: ifeng.

Đây không phải vụ án kiểu này lần đầu tiên xảy ra ở Trung Quốc. Năm 2015, tại Quảng Châu một người giúp việc họ Vũ chuyên nhận chăm sóc người già sắp chết để tăng thêm tiền công. Người này luôn nhận làm việc với quy tắc "ngay cả khi làm dưới một tháng, cũng phải được trả công cả tháng". Những người già do Vũ chăm sóc đều chết đột ngột sau đó.

Theo cảnh sát, với mong muốn kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn nhất, Vũ đã đầu độc 10 người già trong khoảng 1,5 năm. Bà này đã tiêm thuốc độc hoặc siết cổ nạn nhân bằng dây thừng, nhằm mục đích nhận được cả tháng lương chỉ sau vài ngày. "Người già cả ốm yếu, biết chết lúc nào", Vũ thường nói câu đó để biện minh vì sao lại đòi cả tháng lương. 

Trên thực tế, nhiều gia đình ở Trung Quốc chấp nhận điều kiện trên bởi việc tìm giúp việc chăm sóc người già rất khó khăn. Chính tư tưởng này đã khuyến khích, tạo cơ hội cho một số kẻ xấu lợi dụng, giống như Vũ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người cao tuổi, có một người bị lạm dụng. Riêng tại Trung Quốc, tỷ lệ này có thể cao gấp đôi các quốc gia khác bởi chính sách một con thực hiện suốt nhiều năm. Nhiều gia đình tại nước này không thể sống mà thiếu osin.

Cách đây không lâu, bức ảnh "Người con duy nhất" cũng từng xôn xao dư luận nước này. Bức ảnh chụp tại một bệnh viện, bên trái là người mẹ già, bên phải là người cha già và ở giữa là một đứa con đơn độc, phải chăm sóc cả hai. "Cái lưng mỏng manh và bất lực này có thể là của tất cả chúng ta", một độc giả bình luận dưới bức ảnh.

Cha mẹ ngày càng già đi, trong khi con cái vẫn cần phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của họ. Thời gian của những người trẻ tuổi bị cắt vụn bởi những thứ khác nhau, họ không còn nhiều thời gian để chăm sóc cha mẹ.

Viện dưỡng lão là một lựa chọn tưởng như sẽ giúp giải quyết nan đề này. Nhưng viện dưỡng lão tư đắt đỏ, không phải ai cũng đủ khả năng chi trả. Trong khi đó viện dưỡng lão công lại quá tải. Năm 2012, một nhà dưỡng lão công tại Bắc Kinh với quy mô 9.000 giường vừa xây dựng xong đã kín chỗ. Từ đó đến nay đã 8 năm, nhưng mỗi năm nhà dưỡng lão này chỉ trống từ 20-30 chỗ. Thậm chí có người chờ suốt 5 năm nhưng vẫn chưa đến lượt.

Nhìn chung, tại Trung Quốc hiện nay, một viện dưỡng lão công tốt rất khó vào, còn viện dưỡng lão tư chất lượng và chi phí hỗn loạn, mức độ chăm sóc cũng không đồng đều.

Cảnh người con trai cả cõng mẹ lên núi Narayama để tự chết nhằm giảm gánh nặng thực phẩm cho gia đình. Ảnh: ifeng.

Vì quản lý kém, những tin tức tiêu cực về viện dưỡng lão tại quốc gia tỷ dân này cũng không phải hiếm. Gần đây video quay cảnh một nhân viên của viện dưỡng lão ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông bạo hành cụ ông 96 tuổi gây bức xúc dư luận Trung Quốc. Trong video, vì tranh chấp một chiếc khăn, người chăm sóc đã đánh nhiều lần vào đầu ông lão rồi túm tay, kéo tóc lôi đi, gây ra nhiều vết bầm tím trên người cụ.

Nhưng kể cả khi không có vụ lạm dụng như vậy, hầu hết người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn không thích viện dưỡng lão. Theo số liệu khảo sát, chỉ 10% người cao tuổi tại nước này sẵn sàng sống tại viện dưỡng lão, thấp hơn nhiều tỷ lệ 35% so với các nước châu Âu và Mỹ.

Cụ bà họ Mã, 80 tuổi, sống ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô giãi bày lý do bỏ trốn khỏi viện dưỡng lão của mình là, dù ở đây mọi người đối xử tốt nhưng việc không được gặp con cháu thường xuyên khiến bà luôn buồn khổ. Thậm chí đến ngày thứ 11 sau khi bỏ trốn bất thành, bà vẫn nằm lì trên giường khóc nấc "Tôi muốn được về nhà".

"Cô đơn và vô dụng, cảm giác bất lực này là một vấn đề nan giải mà người già không thể thoát khỏi, dù họ đang ở đâu", ông Tạ Phúc Chiêm- chuyên gia xã hội học Trung Quốc nói. Vị này cũng nhấn mạnh: "Hoàng hôn cuối ngày không bao giờ là đẹp nhất, nếu có chỉ trong lời bài hát mà thôi".

Gửi bố mẹ vào trại dưỡng lão tư nhân là giải pháp của nhiều gia đình khá giả tại Trung Quốc thời điểm hiện tại. Ảnh: ifeng.

Tuổi thọ có phải là món quà của đời người hay chỉ là gánh nặng?

Cách đây gần 40 năm, bộ phim "Bài ca núi Narayama" của Nhật đã giành Cành Cọ Vàng, gây tiếng vang trên toàn thế giới. Bộ phim kể câu chuyện tại tỉnh Nagano 100 năm trước, những người già khi đến 70 tuổi, bất kể còn sức khỏe hay không, sẽ được con cái mang đến núi Narayama để tự chết, nhằm giảm gánh nặng thực phẩm cho gia đình.

Bà Orin mới 69 tuổi, nhưng vì gia đình quá đói khổ, bà đã chấp nhận đập hết hàm răng còn khỏe của mình để trông già hơn và để con trai cõng "lên núi", chấp nhận cái chết một cách bình tĩnh nhưng đầy bi thảm. Tưởng chừng 100 năm sau, những câu chuyện thế này không còn nữa, nhưng nó lại xuất hiện theo một hình thức khác tại Trung Quốc.

Đầu tháng 5, một người đàn ông tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc bị bắt giữ vì chôn sống mẹ ruột 79 tuổi tàn tật tại một nghĩa địa bỏ hoang. Sự việc được phát giác khi cô con dâu nghi ngờ vì chồng đưa mẹ già ra khỏi nhà vào tối 2/5, nhưng sau đó không thấy đưa mẹ trở về. 

Ngay tối 5/5, ông Ma thú nhận với cảnh sát việc chôn sống mẹ. Sau khi xác định được vị trí chôn, cảnh sát tới và nghe thấy tiếng kêu cứu, ngay lập tức họ giải cứu bà cụ. Trớ trêu là ngay sau khi tỉnh lại trên giường bệnh, người mẹ cố nói với cảnh sát: "Đừng trừng phạt con trai tôi".

Đẻ con trai để có chỗ nương tựa tuổi già dường như không đúng với trường hợp của người mẹ 79 tuổi này. Dù có nhiều hơn một đứa con, nhưng những năm cuối đời, người mẹ này vẫn luôn cô độc và suýt phải kết thúc cuộc đời tại nơi bà chẳng hề mong muốn.

Các nhà xã hội học Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân là "Xã hội có lẽ chưa sẵn sàng cho sự lão hóa".

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục