Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bí quyết rèn truyền thống của người Xơ Đăng, Kon Tum
Thứ hai: 04:42 ngày 13/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Người Xơ Đăng ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn lưu giữ nghề rèn thủ công truyền thống, độc đáo của dân tộc mình. Với những bí quyết rèn gia truyền, bà con đã chế tác những nông cụ chất lượng, được dân làng ưa chuộng.

Ảnh minh họa.

Cũng như cộng đồng các cư dân nông nghiệp khác, đồng bào dân tộc Xơ Đăng, xã Ngọc Tem có nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa độc đáo đặc trưng cho dân tộc mình, đó là nghề Rèn.

Không biết cái nghề rèn của người Xơ Đăng nơi đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày xưa cái nghề này thịnh hành lắm. Nhất là thời kháng chiến, người Xơ Đăng thường rèn các mũi giáo để dân làng đánh giặc. Qua chiến tranh, từ những mảnh bom, mảnh đạn, người Xơ Đăng mình lại chế tác, rèn ra rựa, ra dao để làm rẫy, làm ruộng.

Lò rèn của người Xơ Đăng đơn giản nhưng lại rất độc đáo. Họ dùng đất sét chịu nhiệt tốt đắp dạng hình vòm, làm thành bễ lộ thiên. Nếu người Kinh dùng hai ống bễ bằng gỗ, thụt hơi bằng pít-tông thì bễ thụt của người Xơ Đăng dùng dạ dày con mang đem phơi khô rồi gắn vào ống dẫn hơi, qua lực quay của thợ rèn, túi da phồng lên xẹp xuống sinh ra hơi rồi đẩy thẳng vào bể lộ thiên.

Bể lộ thiên này kín, giữ được nhiệt tốt, hơn nữa lại không để thoát hơi ra ngoài nên sử dụng rất hiệu quả, nó có thể làm than cháy đỏ và rất đều. Theo lời những người thợ rèn nơi đây, ngày trước, người Xơ Đăng rèn dụng cụ từ quặng nhưng nay đa số đều rèn từ sắt có sẵn. Từ một cục sắt, người Xơ Đăng nung cho đỏ rực rồi đem nhúng vào nước để nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành sản phẩm. Sau đó, người thợ phải hình dung được hình dạng của công cụ rồi dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Họ tiếp tục bỏ vào lửa nung rồi lại đập cho đến khi nào thành hình như ý.

Rèn xong, người Xơ Đăng tiếp tục sử dụng dũa (hoặc lá rừng) dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều. Khi lưỡi của vật dụng đã nhẵn, họ tiếp tục lấy đá để mài, mài thật kĩ cho đến khi đầu lưỡi sắc hơn và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi thì mới thôi. Công đoạn mài không hề đơn giản, phải mài thật nhanh, thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn.

Sau khi vật dụng đã có độ bén nhất định, người Xơ Đăng bắt đầu lấy máu con mang bôi đều lên lưỡi vật dụng. Đây là bí quyết riêng của người Xơ Đăng. Họ quan niệm, bôi máu con mang lên sẽ làm cho lưỡi dao, rựa, rìu... rất bén và bền, khó sứt mẻ.

Vì không dễ bắt được con mang nên khi có máu con mang người dân Ngọc Tem thường để dành sử dụng nhiều lần. Để bảo quản máu con mang được lâu, từ kinh nghiệm của cha ông truyền lại, người Xơ Đăng lấy ống nứa cạo sạch lớp ruột bên trong, sau đó đổ máu mang vô ống nứa rồi giã lá trầu và muối trộn chung vào máu. Bôi máu con mang xong, các thợ rèn tiếp tục đưa vật dụng vào đống than cho đến khi đỏ rực lên mới lấy ra, nhúng vào nước rồi lấy giẻ lau là đã hoàn thành. Mặc dù các công đoạn đều được thực hiện bằng thủ công, nhưng mỗi ngày những thợ rèn lành nghề vẫn làm được từ 10-15 cái dao, Knoa...

Trong bối cảnh của một nền công nghiệp hiện đại, hàng loạt các công cụ được sản xuất bằng máy móc ra đời với đầy đủ các tính năng nhưng đối với người Xơ Đăng ở xã Ngọc Tem, các sản phẩm đó vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công chất lượng, độc đáo do chính các thợ rèn Xơ Đăng làm ra.

(Theo Dân tộc Việt)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục