Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bí thư chi đoàn
Chủ nhật: 07:27 ngày 24/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại hội chi đoàn phân xưởng cơ khí thành công rực rỡ.

Năm cô nàng trong tổ ngồi ghếch chân uống nước mía, tuyên bố như vậy. Đàn bà con gái gì mà ngồi như đàn ông, cười hô hố. Chị chủ quán nước mía hỏi:

- Ai được bầu là bí thư?

- Ông Hữu già! Bà quan tâm chuyện đó làm gì?

- Hì hì! Để xem tao đoán có đúng không! Khổ lão Hữu, già rồi mà chưa thoát nợ.

Quán nước mía là chỗ thân quen, lại gần cổng phân xưởng, nên anh chị em công nhân coi như người trong nhà. Mỗi lần nghỉ ngơi, gặp gỡ, đều tụ tập tại quán, uống nước mía hai ngàn một ly, bàn chuyện trên trời dưới đất. Chuyện hay bàn gần đây nhất là việc tìm vợ cho anh Hữu- bí thư chi đoàn kiêm tổ trưởng tổ hàn.

Lão này người hơi gầy nhưng mặt mũi dễ coi,  tính nết vui vẻ. Hồi trong quân ngũ, đâu cũng lên tới chức Bê trưởng, trong tay có ba chục chú lính chứ giỡn ha. Chuyển ngành về Công ty vận tải đường bộ, làm công nhân có mấy năm rồi cũng lên chức tổ trưởng sản xuất, được bầu là bí thư chi đoàn. Cũng là thành phần cốt cán, tiến bộ. Vậy mà ế chỏng, ế chơ. Trong phân xưởng cơ khí, tới hai phần ba là gái chưa chồng, có đứa công khai mê lão, có đứa chê thẳng mặt:

- Mới xíu tuổi mà khó như ông già! Lại còn hay tính toán từng đồng, từng cắc…

Việc này thì có thiệt. Quỹ chung có hơn mười triệu, giao cho cô Loan tổ phó quản lý. Ngày mùng Một tháng Năm tổ hàn tổ chức liên hoan ở quán bê Thanh Bình, lỡ chi thêm hai trăm ngàn đồng mà lão Hữu cằn nhằn:

- Liệu cơm gắp mắm chứ! Còn dành để việc khác có tiền mà chi.

Vậy mà có đứa bênh lão:

- Không có anh Hữu tính toán, con Ngọc mất mấy triệu tiền sinh đẻ!

Lần ấy, lão Hữu làm ầm ĩ trên phòng tài vụ, là khi cô Ngọc tổ viên bị cắt xén tiền sinh con. Sau sáu tháng nghỉ đẻ, Ngọc đi làm. Một hôm cô kể với cả tổ mình được thanh toán hai mươi bốn triệu đồng tiền thai sản. Lão Hữu chợt hỏi:

- Mày được thanh toán mấy khoản trợ cấp?

- Hì hì! Em đẻ con đầu lòng, chắc được một khoản thôi anh!

- Bậy! Lương bốn triệu nhân với sáu tháng chế độ, được 24 triệu thì đúng rồi. Thế còn tiền trợ cấp sinh con?

Cả mấy cô tổ viên cười nghiêng ngả vì ông tổ trưởng ngớ ngẩn. Tiền ấy chả tiền sinh con thì tiền nuôi chồng à? Lão bực mình quát lên:

- Tao lại không biết à! Tiền trợ cấp sinh con khác. Tiền trợ cấp một lần sinh khác. Con Ngọc còn được khoản trợ cấp sinh con nữa, bằng hai tháng lương tối thiểu. Bây giờ mức lương tối thiểu là một triệu tám, vậy là còn ba triệu sáu. Lên tài vụ đòi hết cho tao.

Cô Ngọc sợ rúm người, chả dám hó hé gì.

- Thôi! Có hơn ba triệu bạc, lên quấy rầy các bà ấy, có khi lại rách việc!

 Vậy là lão Hữu đùng đùng dẫn cô Ngọc lên phòng tài vụ. Đừng có kiểu “con nhà lính, tính nhà quan”, đồng tiền mồ hôi nước mắt, hơn ba triệu không mua sữa cho con ba tháng à?

 Bà Việt kế toán nhăn nhó, mỉa mai:

- Cô Ngọc là vợ anh hả?

Hữu cũng tức đỏ mặt:

- Không phải vợ tôi! Nhưng là lính của tôi! Tôi dắt cô ấy lên hỏi các bà, tại sao tiền chế độ sinh sản của cổ lại thiếu hai tháng lương cơ bản tiền trợ cấp sinh con mỗi lần?

Bà Việt cười khẩy:

- Thợ cơ khí mà cũng rành cả vụ tiền chế độ đẻ? Anh giỏi thì cấp cho cổ đi!

Lúc này thì bí thư Hữu không nhịn được nữa. Anh đứng giữa phòng tài vụ, to tiếng:

- Có cần tôi đưa mấy điều quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội ra không? Nếu các chị quên hay tính nhầm thì xem lại đi, trả cho cô Ngọc hai tháng trợ cấp sinh con một lần. Đừng để cô ấy làm đơn kiện lên Bảo hiểm xã hội!

Lão lại đùng đùng trở về tổ, vừa đi vừa cằn nhằn chửi. Cô Ngọc chạy phía sau, giọng đầy nước mắt:

- Có sao không anh? Mấy ông bà phòng tài vụ mà thù vặt, em chết trước.

Lão Hữu im lặng, chỉ nhổ nước bọt phì phì. Đầu tuần sau, thấy bà Việt gọi cô Ngọc lên nhận ba triệu sáu tiền trợ cấp, xin lỗi vì nhân viên kế toán quên mất.

Cả tuần nay trời đột nhiên trở lạnh. Đang nắng nóng miên man, ông trời trở mặt tụt xuống còn 20 độ C, cơ thể không thích ứng kịp, nên mấy cô công nhân trong tổ bị cảm cúm, hắt hơi sổ mũi liên tục. Lại cái bệnh nghề nghiệp, bụi thép bay mù mịt, có bảo hộ lao động kỹ đến mấy thì nó cũng tìm cách len vào lá phổi con người ta. Cả tổ ngồi co ro ngoài sân sưởi nắng. Tuấn râu giậm giậm chân cho đôi ủng chặt thêm, rồi vươn vai đứng dậy:

- Làm việc thôi bà con! Càng ngồi càng lạnh!

- Vắng chủ nhà gà mọc đuôi…! Chờ tổ trưởng đã. Bữa nay sao anh Hữu đến muộn vậy?

Tuấn râu trừng mắt. Con nhỏ Xuân bà chằng kia, dám hỗn với cả tổ phó. Vắng trưởng thì có phó! Đến giờ làm việc là phải khởi động chân tay lên. Hôm nay phải hàn cho xong hơn trăm mét dầm sắt chữ L, ngày mai còn kịp lắp đặt sửa chữa cầu thang ống dẫn. Tuấn râu vẫy tay cho cậu Thuỷ trẻ nhất tổ. Hai người khiêng thanh sắt đầu tiên ra, bắt đầu đánh bóng bằng máy phun cát.

- Nào! Làm đi! Ba người một nhóm! Khẩn trương lên, không ông Hữu đến lại nghe chửi.

Tuấn râu hò hét, thúc giục.

Chiếc máy phun cát chạy xè xè, rít lên chói tai khi dòng cát nhỏ và mạnh chạm vào bề mặt thanh thép. Cậu Thuỷ lột khẩu trang, níu tay áo Tuấn râu:

- Sao vậy hả anh Tuấn? Càng phun nó lại càng rỗ như tổ ong!

Tuấn râu dừng máy, cúi xuống xem xét. Thanh thép dài bốn mét, bên ngoài có màu xanh đen bóng loáng, vậy mà phun cát đến đâu, lớp sơn ngoài bay đi trơ ra mặt thép lỗ chỗ. Những sợi râu quai nón của Tuấn như dựng ngược cả lên.

- Thép dởm! Trong hoá đơn xuất hàng ghi là thép Hoà Phát, nhưng tao bảo đảm đây là thép dởm, đồ gia công nên mới rỗ nhằng nhịt thế này.

- Thôi dừng lại, chờ anh Hữu đã!

Nghe lời chị em trong tổ, Tuấn râu cho ngừng công việc. Đúng là phải chờ tổ trưởng. Chỉ ông ấy mới có cách xử lý những vụ như thế này. Tuấn râu chỉ to mồm, chứ không biết làm sao. Vừa lúc đó thì Hữu lững thững bước tới, vẫn quần bò, áo khoác, chứ chưa thay bảo hộ lao động.

- Sao chưa làm việc đi, còn chờ gì nữa? Tuấn tạm thời phụ trách tổ nhé! Tao hôm nay bận họp!

- Thôi ông làm ơn xử lý vụ mấy thanh thép dởm này đi. Có tiếp tục hàn hay thôi? Thép này thằng Thuỷ thư sinh nó bẻ một phát là gãy chứ đừng đợi tới anh Tuấn râu. Hàn rồi, đem lắp vào cầu thang đỡ ống dẫn thì nguy hiểm lắm, mà cũng chả được mấy hơi đâu, khéo ba tháng sau lại phải thay.

- Hôm qua ai nhận lô thép này?

 Lão Hữu nóng nảy hỏi.

- Em nhận! Thấy thủ kho nó ghi là thép Hoà Phát thì biết là Hoà Phát, ai kiểm tra làm gì!

Tuấn râu cằn nhằn bực bội, gãi cằm sồn sột.

- Bây giờ có làm tiếp không anh Hữu?

- Việc này để Tuấn râu quyết! Tao phải đi họp ngay không bị trừ công thì khổ. Chú Tuấn nên lập biên bản cho anh chị em ký vô, gửi lên phòng Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật.

Bất ngờ, bí thư chi đoàn cơ khí lập thành tích bắt trộm. Thủ phạm là cậu Thân thủ kho đem bán sắt vụn hàng trăm chiếc cờ-lê, mỏ-lết, tuốc-nơ-vít còn mới keng. Cô nàng mua sắt vụn có thằng con học lớp ba cùng với con gái của lão Hữu, đi họp phụ huynh lần nào cũng ngồi cạnh nhau, thành ra quen thân. Hôm thấy lão chỉnh lại xích xe máy, trầy trật với chiếc mỏ-lết cũ, cô nàng bỗng dưng mủi lòng.

- Chủ nhật đi họp phụ huynh em tặng cho chiếc mới. Gớm, tổ trưởng gì mà dùng toàn đồ cổ thời Bảo Đại.

Cầm chiếc mỏ-lết sáng choang, ghi rõ mác nước ngoài, đúng nhãn quốc gia tài trợ cho nhà máy, lão Hữu giật mình. Cô nàng sắt vụn bảo anh giữ kín đừng nói với ai, lô hàng này mua giá sắt vụn, nhưng bán giá hàng ngoại, cũng lãi được gần chục triệu đồng. Rồi cũng phải cưa đôi với thủ kho đấy, ăn mình được đâu. Cậu Thân là cháu rể ông trưởng phòng vật tư, trước là nhân viên bảo vệ công trường, mới được chú lôi về nhà máy ba năm nay, cho làm thủ kho. Ba năm mà Thân thay đổi hẳn. Từ lúc chỉ có chiếc xe cánh én rách, nay vợ chồng ai cũng xe tay ga bốn, năm chục triệu, xây nhà mới khang trang. Đến nỗi ông anh trưởng phòng cũng phải ngại, từng mắng em rể là đồ “đầu bò”. Ăn cướp ở đâu ra mà huênh hoang thế? Có ngày bị đuổi về nuôi vịt. Vụ bán dụng cụ sản xuất thành đồ phế liệu cuối cùng cũng bị lão Hữu tố cáo. Cậu Thân về phòng bảo vệ, ra gác cổng, nhưng trưởng phòng vật tư thì ghét Hữu ra mặt. Mỗi lần gặp lão lên nhận vật tư, ông ta như muốn nuốt chửng tên nhiễu sự.

Ba khoá Ban chấp hành Đoàn Thanh niên, lão Hữu đều “dính” chức bí thư chi đoàn, dù đã là đảng viên. Khoá này, lão khẩn khoản nói với các thành viên chi đoàn:

- Cho tao nghỉ, năn nỉ mấy em đừng bầu bán gì nữa! Già cha nó rồi!

Đám con gái cười như nắc nẻ:

- Mới ba mươi tư, vẫn còn tuổi sinh hoạt Đoàn! Bao giờ lão cưới vợ mới cho nghỉ!

- Thế định để tao làm bí thư chi đoàn đến năm ra lão à?

Lão không ngại công việc, nhưng muốn chú tâm vào một việc cụ thể. Ai lại vừa tổ trưởng sản xuất, vừa phó bí thư chi bộ kiêm bí thư chi đoàn thanh niên, uỷ viên ban chấp hành Công đoàn. Ôm đồm một đống, thời gian đâu mà cưới vợ.

Buổi trưa, con Ngọc bị tai nạn. Là đứa cẩn thận nhất tổ, hôm nay lớ ngớ sao đó bị máy cắt xoẹt vô tay, máu chảy dầm dề. Băng bó sơ cứu xong, sẵn chiếc xe mô bét ba bánh vừa chở sắt về, lão Hữu ẵm Ngọc đặt lên xe, chở ra bệnh viện huyện. Cô Ngọc nói sáng nay vội đi làm, không uống cà phê nên bị tụt huyết áp, sinh chóng mặt. Làm thủ tục nhập viện cho Ngọc xong, nhìn đồng hồ, lão Hữu hốt hoảng gọi điện cho tổ phó Tuấn:

- Chú ra ngay trạm thu vé đường bộ, đón khách giúp tao. Có bà nào từ Tây Ninh xuống thì đưa về tổ mình luôn. Xong việc con Ngọc, tao về liền!

Tuấn thấy một phụ nữ trạc ngoài ba mươi, đeo chiếc ba lô bước xuống xe, ngơ ngác nhìn quanh, thì bước tới.

- Chị chờ anh Hữu phải không?

- Dạ! Anh Hữu trước ở trung đoàn 14 ạ!

- Anh Hữu bận đưa người đi chữa bệnh, nhờ tôi ra đón.

Cô gái tên là Hiền, dáng người cao, da trắng hồng. Cả nhóm nữ xúm quanh, “tra hỏi” về quan hệ của hai người. Hiền cột lại mái tóc dài, hất ra sau lưng, cười mắc cỡ.

- Em yêu anh Hữu từ hồi đơn vị đóng quân trong xã. Anh Hữu phục viên, nói sẽ đưa má ảnh lên chơi. Đăng ký kết hôn rồi, ai ngờ bà má qua đời, nên phải chờ mãn tang mới cưới được!

Tuấn râu lẩm bẩm:

Bà cụ mới mất được hai năm! Còn một năm nữa! Người đẹp thế này, lão Hữu không sợ mất ha?

Hữu về tới quán nước mía, chiếc xe ba bánh nhảy tưng tưng. Vừa bước xuống đất, lão đã hỏi:

- Có say xe không mẹ? Con gái khoẻ không?

- Nó bị ho, đang ở nhà ngoại!

Lão Hữu cằn nhằn:

- Đã bảo bao nhiêu lần rồi! Sáng đi mẫu giáo phải choàng khăn kín cổ cho con...

Mọi người trố mắt ngạc nhiên. Hoá ra lão bí thư Đoàn còn nhiều chuyện bí mật. Chị chủ quán sốt ruột giục:

- Thôi, đưa nhau ra quán Thanh Bình ăn cơm đi, còn ở đó mà la mắng.

Tiếng cười rộn vang. Những bàn tay con gái nắm lấy hai tay Hiền, ríu rít dắt đi.

P.P.Q

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục