Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giới phân tích cho rằng chính quyền Biden có thể duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc như Trump trong một số vấn đề như Biển Đông.
"Với nền tảng của Joe Biden là một thượng nghị sĩ kỳ cựu, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều cái đầu chụm vào để giải quyết các vấn đề trên thế giới", giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài của Philippines tổ chức hôm 9/11.
Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á và giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, cũng nói tại sự kiện rằng các nước trong khu vực sẽ chịu ít áp lực "chọn phe" trong căng thẳng Mỹ - Trung một khi Biden lên nắm quyền.
Cả hai chuyên gia nhận định Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã tăng cường thực hiện các chiến dịch FONOPS ở Biển Đông trong những năm qua, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Joe Biden tại cuộc tranh luận tổng thống thứ hai ở Nashville, bang Tennessee hôm 22/10. Ảnh: AP.
Trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng 2, Biden cũng từng tuyên bố muốn Trung Quốc hiểu rõ rằng "họ phải chơi theo luật" trên Biển Đông.
Hồi năm 2016, trong một chuyến thăm Australia, Biden cũng từng cam kết rằng Mỹ sẽ "đảm bảo các tuyến đường biển được an toàn và bầu trời rộng mở". "Tôi đảm bảo với bạn rằng Mỹ sẽ không đi đâu cả. Mỹ sẽ luôn có mặt ở Thái Bình Dương", ông nói.
Từ một người ủng hộ mối quan hệ với Bắc Kinh, quan điểm của Biden đối với quốc gia châu Á này đã trở nên cứng rắn hơn trong thập kỷ qua. Giới phân tích nhận định lập trường của Biden với Trung Quốc sẽ có nhiều điểm tương đồng với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong nhiệm kỳ của Trump, Mỹ đã có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông. Hồi tháng 7, Mỹ ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ dưới thời Biden sẽ có cách tiếp cận "dân sự hơn" và "hướng tới đồng thuận" đối với các mối quan hệ quốc tế, đồng thời thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn trong các vấn đề toàn cầu, theo giáo sư Batongbacal.
Trong khi đó, giáo sư Thayer nhận định mối quan hệ liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng "ít đối kháng hơn", đồng thời hợp tác nhiều hơn để đưa ra chiến lược ứng phó với Trung Quốc.
Nguồn VNE