Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Biên cương ấm nồng tình hữu nghị
Thứ tư: 10:11 ngày 28/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Ngồi uống trà cùng chính quyền địa phương, các vị sư sãi và già làng, Đại tá Nguyễn Tài Sơn bộc bạch: “Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Câu tục ngữ này nhằm răn dạy mọi người phải biết thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không kể màu da sắc tộc hay tôn giáo”.

Các tình nguyện viên mang quà cho đồng bào Khmer bên kia biên giới.

Trở lại vùng biên giới Lò Gò - Xa Mát vào những ngày hoa hôi nở trắng hai bên đường, khi đã gần giữa tháng 12 rồi, nhưng không hiểu sao trời vẫn còn mưa nhiều lắm, mưa đến nỗi khiến cho mặt đường vành đai biên giới, từ ngã ba Lò Gò lên Đồn biên phòng Tân Bình như bị nhũn đi, nhiều chỗ nhăn nheo, biến dạng không thể nhận ra đây là một con đường. Càng đi sâu vào trong, con đường càng lầy lội hơn, đến khi chiếc xe đưa đoàn công tác xã hội từ thiện do Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh phối hợp Báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đi khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho bà con Khmer nước láng giềng Campuchia không thể tiếp tục lăn bánh được nữa, thì đó cũng là lúc chiếc điện thoại trên tay mọi người đều bị mất sóng liên lạc. Các thành viên trong đoàn cố gắng mỗi người một tay bẻ cây, hái lá, ôm chà lót đường cho xe vượt qua...

Anh tài xế người Thành phố gắng gượng chạy qua được 2 đoạn đường ngắn đầy vất vả, nhưng đến đoạn đường thứ ba thì mặc cho các cô gái tình nguyện viên trẻ vừa ôm chà thả xuống lót đường vừa hát nghêu ngao bài hát “Cô gái mở đường” để động viên, anh tài xế cứ nhìn con đường mà lắc đầu ngao ngán. Một người đàn ông mình mẩy lấm lem bùn sình bước đến động viên bác tài: “Anh cứ chạy theo dấu bánh xích chiếc xe máy ủi là có thể vượt qua!”. Đến lúc người vừa nói câu ấy bước lại thật gần tôi mới nhận ra đó là Đại uý Nguyễn Văn Bách, cán bộ của Đồn biên phòng Tân Bình. Bách cho hay, Đồn cử anh ra kêu máy ủi cào đường bớt gồ ghề để xe của đoàn đi qua.

Nhìn những vết lún, ngoằn ngoèo do các xe tải để lại trên mặt đường, bác tài chốt gọn một câu: Không thể đi được nữa, nếu đi tiếp phải kiếm xe khác thôi! Đúng lúc đó, chiếc 16 chỗ chở các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và y cụ cũng vừa trờ đến. Phía trước vài chiếc xe tải đi ngược chiều lại vừa rầm gú, vừa loạng choạng vượt qua. Nhìn cảnh ấy, cả hai bác tài trong đoàn xin được chở miễn phí đến đây và xin được quay về Thành phố!

BIÊN GIỚI XA nhưng lại thật gần

Hơn 5 giờ rưỡi chiều, ở giữa rừng biên giới, nhìn những tia nắng vàng đang yếu ớt rơi xuống phía sau cánh rừng, ai nấy mặt buồn rười rượi. Đã vượt qua gần 150 cây số rồi bây giờ chỉ còn hơn cây số nữa là đến điểm tập kết hàng chẳng lẽ phải quay lại sao? Quà thuốc, bánh kẹo đã mang đến đây rồi chẳng lẽ vì chút khó khăn đường sá này mà thất hứa với bà con nước bạn Campuchia hay sao?

Mọi người nhìn nhau. Nhìn ánh mắt của các bạn trẻ lần đầu lên biên giới, tôi cảm nhận được rằng các bạn đang lo lắng vì biết rằng mọi người đang ở khu vực giáp biên, lo là lo vậy nhưng không ai có ý định quay lại, cho nên sau khi đoàn quyết định: “Dù đi bộ cũng phải mang quà, mang thuốc lên cho bà con”, các bạn trẻ tỏ ra hăng hái nhất.

Lần lượt từng thùng hàng một được chuyền từ tay người này sang người khác, một “băng chuyền sống” đang chuyền tải những món quà yêu thương của những người bạn Việt Nam muốn san sẻ bớt những khó khăn, nhọc nhằn cùng bà con nghèo vùng giáp biên của nước láng giềng. Lời bài hát “Cô gái mở đường” lại tiếp tục được các bạn trẻ cất lên thánh thót phá vỡ không gian tĩnh lặng giữa chốn rừng sâu, biên giới, chẳng mấy chốc, hơn một tấn hàng đã được đưa ra khỏi xe.

Đến lúc này, trời cũng vừa tắt nắng, mấy chị em phụ nữ nhanh chóng chia nhau mang vác ba lô bắt đầu hành quân vào Đồn biên phòng Tân Bình. Những đôi chân chưa một lần chạm vào bùn đất, thế mà hôm nay các bạn trẻ đã mạnh dạn bước lên bùn, sình, sỏi đá, chà chôm… đi được hơn chục mét, giọng một bạn nữ cất lên: Đây là lần đầu tiên trong đời mình đi đến một nơi như thế này, một trải nghiệm vô cùng thú vị!

Nhóm nam ở lại giữ hàng, đồng thời chờ mấy anh biên phòng ra chi viện bắt đầu thưởng thức bản giao hưởng của rừng thiêng bằng hàng trăm loại âm thanh được phát ra từ các loài động vật, kể cả thực vật cũng góp tiếng kêu xào xạc của cành lá khua trong làn gió chớm đông. Trời tối đen như mực, mấy anh em tìm mấy nhánh củi khô nhóm lửa lên để xua muỗi mòng đang đeo bám khắp người. Một ánh đèn vừa quét tới, vẫn bộ đồ còn lấm lem bùn sình, Đại uý Bách cho hay: Đã gọi 2, 3 xe ra chi viện rồi, nhưng không chiếc nào chạy ra đây nổi. May có chiếc máy cày của anh bạn sắp chạy ra tới. Mọi người chờ chút! Lúc đó, một chiếc tải đi từ phía ngoài vào vừa qua mặt chúng tôi hơn chục mét đã bị sa lầy, không nhúc nhích, cục cựa gì được cả.

Hơn 20 giờ, chiếc máy cày xuất hiện, tuy nhiên do gặp phải chiếc xe tải bị vướng lầy chắn đường nên không thể tiếp cận với chúng tôi, Đại uý Bách tiếp tục dùng chiếc xe gắn máy của mình chở anh bạn tài xế xe máy cày chạy ngược về nhà bên đất Campuchia lấy dây xích để giải cứu xe tải.

Phải đến nửa giờ sau, Bách và anh bạn tài xế xe máy cày mới trở lại, cả hai nhanh chóng móc dây xích dùng máy cày kéo chiếc xe tải ra khỏi vũng lầy, sau đó cả hai lao vào phụ giúp anh em tình nguyện viên khuân vác hơn một tấn hàng lên rơ-moóc máy cày. Sau đó, chiếc máy cày tiếp tục đưa chúng tôi băng qua “đầm lầy” khủng khiếp ấy. Về đến cổng Đồn biên phòng, cả đám đông chị em đi cùng đoàn lao ra, reo hò chào mừng chúng tôi đã được “giải cứu” thành công. Nhanh chóng mỗi người một tay tiếp tục đưa số quà vào Đồn để chuẩn bị cho ngày mai đem tặng bạn. Đến lúc này tôi mới thấy rõ gương mặt của anh tài xế máy cày người Campuchia, anh tên là Rang, nhà ở bên phum Mean Cheay, đối diện với Đồn Tân Bình, Rang cho biết: “Đang đi cày, nghe Đồn biên phòng Tân Bình báo tin, nhờ hỗ trợ nên tôi liền quay về, gắn rơ-moóc vào chạy sang ứng cứu”. Biết Rang là ân nhân của chúng tôi, mấy bạn nữ trẻ bước đến chắp tay trước ngực nói với Rang: “Ọt Cun Bòn rất nhiều!”, Rang cũng chắp tay đáp lễ lại và cười thật tươi. Đến lúc này, mọi người ai nấy cũng đều quên đi mệt nhọc ban chiều và cảm thấy rất háo hức chờ đến sáng mai để sang nước bạn Campuchia.

NỒNG ẤM TÌNH BẠN VIỆT Nam- CAMPuchia

Hơn 6 giờ sáng, Rang đã có mặt tại sân Đồn biên phòng Tân Bình để đón chúng tôi. Cùng với Rang còn có thêm mấy người bạn của anh nữa, họ cũng mang xe đến để giúp Đồn chở người cùng các vật phẩm sang nhà sinh hoạt cộng đồng của phum Thlok Trach, xã Kak, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmum.

Đến nơi, đã thấy tấm băng-rôn song ngữ Việt Nam- Campuchia đề dòng chữ “Chương trình khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân biên giới Việt Nam - Campuchia” được chính quyền phum treo sẵn. Nhóm tình nguyện viên nhanh chóng chung tay tạo thành băng chuyền để chuyển quà từ trên xe xuống, nhờ sự giúp sức của mấy anh lính biên phòng và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia nên 100 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000đ) đã nhanh chóng được đưa vào vị trí sắp xếp ngay ngắn. Cạnh đó, các bác sĩ chia nhau người sắp xếp y cụ, người phân loại thuốc. Ở một nhà dân bên cạnh, các chiến sĩ trẻ biên phòng giúp các bác sĩ căng phông làm thành một gian phòng khám phụ khoa dã chiến, với cả máy siêu âm. Tất cả đã sẵn sàng.

Một hình ảnh thật thú vị cho chuyến khám bệnh này là tại các bàn khám, cứ mỗi bác sĩ có một chiến sĩ biên phòng ngồi kề bên để phụ trách phiên dịch. Bác sĩ, bệnh nhân nói chuyện với nhau đều thông qua anh biên phòng phiên dịch.

“Phụ nữ ở trong, đàn ông ở ngoài” - giọng của chị Mum - một phụ nữ địa phương biết tiếng Việt tình nguyện làm “thông dịch” cho các bác sĩ phụ khoa cất tiếng, nói xong chị lại chạy vào trong buồng khám hỗ trợ các bác sĩ. Cùng với chị Mum còn có mấy chị em biết hai thứ tiếng cũng bước vào tình nguyện làm “thông dịch viên” cho các bác sĩ… Cứ thế, các chị liên tục chạy ra chạy vào, vừa hướng dẫn đăng ký, vừa giúp các bác sĩ hỏi bệnh.

Đi theo con gái, phụ ẵm cháu ngoại, nhưng khi nghe bác sĩ Thanh Thảo nói: “Nếu trong quá trình khám bệnh, siêu âm mà phát hiện chị em nào có bệnh về phụ nữ nghiêm trọng, chúng tôi sẽ lập hồ sơ bệnh án và hỗ trợ chị em sang Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Việt Nam điều trị miễn phí” thì bà Chăn Mun cũng bước đến bàn đăng ký để được khám bệnh.

Thấy có mấy chị phụ nữ có vẻ ngần ngại, e dè trước phòng khám phụ khoa. Một người đàn ông đứng gần đó giục bằng tiếng Campuchia: “Vào khám đi, dễ gì được các bác sĩ bệnh viện lớn Việt Nam khám cho”. Nghe vậy, các chị nhanh chân mạnh dạn bước vào đăng ký. Hỏi ra mới biết người đàn ông đó là người Việt, anh sang đây buôn bán hàng nông sản, do tiếp xúc thường xuyên nên anh quen mặt mọi người và biết tiếng Khmer. Anh chia sẻ: Ở đây xa bệnh viện lớn, trạm xá sơ sài, mỗi lần bị bệnh, người có tiền sang Tây Ninh, người thật giàu xuống TP.HCM chữa trị. Còn lại, đành phó thác thân mình cho số phận. Việc các bác sĩ thành phố Hồ Chí Minh sang khám từ thiện là cơ hội “cả đời mới có một lần” của nhiều bà con nơi đây.

 Dắt đứa con trai sáu tuổi đến khám tổng quát, chị Sa Moon chia sẻ với anh phiên dịch: “Cách đây nửa năm, Sampak con chị bị tai nạn giao thông, nó bị hôn mê gần một tháng, bây giờ tỉnh lại nhưng nó èo uột vầy, chị định qua Việt Nam, nhưng không có tiền. Giờ mà không khám, chắc nghỉ luôn”. Nghe hoàn cảnh chị, các bác sĩ Việt Nam hướng dẫn tập vật lý trị liệu, hỗ trợ vận động, kèm những lời giải thích cặn kẽ về khả năng phục hồi của cháu Sampak, đồng thời ưu tiên cấp cho chị nhiều thuốc hơn.

 

Quân y Biên phòng Tây Ninh phối hợp các bác sĩ TP.HCM khám bệnh cho bà con trong phum.

Nhìn thấy bà con hôm nay ai nấy cũng đều vui- nhất là sau khi tất cả 100% hộ dân trong phum đều được nhận quà, ngài Pholy- Chủ tịch xã đã gửi lời cảm ơn chân thành đến đoàn công tác từ thiện, còn Sư Sok Chin và già làng Chang Viem bước đến bắt tay Đại tá Nguyễn Tài Sơn- Chính uỷ BĐBP Tây Ninh và ông Nguyễn Thiện, phụ trách đoàn công tác từ thiện. Cảm kích trước những nghĩa cử đó, ông Nguyễn Thiện khiêm tốn nói: “Cả hành động và món quà của chúng tôi đều nhỏ, nhưng tình hữu nghị thì lớn, chúng tôi hy vọng chương trình ngày hôm nay san sẻ bớt phần nào khó khăn với chính quyền và nhân dân nước bạn Campuchia”.

Ngồi uống trà cùng chính quyền địa phương, các vị sư sãi và già làng, Đại tá Nguyễn Tài Sơn bộc bạch: “Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Câu tục ngữ này nhằm răn dạy mọi người phải biết thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không kể màu da sắc tộc hay tôn giáo. Chuyến công tác từ thiện hôm nay, chúng tôi muốn chung tay chia sẻ phần nào khó khăn với bà con nhân dân vùng giáp biên, đồng thời muốn vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia, hai dân tộc”.

Xe vừa qua cầu Hữu Nghị Tân Nam, bắt đầu vào địa phận của Việt Nam, cô Lê Thiên Hương- thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn lên tiếng với Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Tân Bình: “Cảm ơn các anh đã cho chúng tôi cơ hội được hiểu và tham gia vào việc bảo vệ tình hữu nghị giữa Việt Nam và nước bạn Campuchia”. Lời nói ấy như trút hết tâm tư của cả đoàn, nhất là các bạn trẻ trong 2 ngày qua, nên khi cô Thiên Hương vừa dứt lời, các bạn đồng loạt vỗ tay thật nồng nhiệt.

Trung Quân

Tin cùng chuyên mục