Du lịch “mùa” covid-19:

Biến nguy thành cơ- Tại sao không?

 

Từ khi dịch Covid- 19 xuất hiện, ngành du lịch là một trong những “nạn nhân” chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ế khách, công ty du lịch hoạt động cầm chừng...

Biến nguy thành cơ- Tại sao không?

Cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Dương Đức Kiên

Nhìn chung, những tác động từ dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, và câu hỏi: “bao giờ hết dịch” vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, với những hành động mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế, dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt.

“Không vì dịch bệnh mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế”

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá của tỉnh vào ngày 6.2. Trong năm 2019, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tăng so với cùng kỳ về số lượng khách và doanh thu. 

Ước thực hiện năm 2019, khách lưu trú đạt 2.980.000 lượt, tăng 10,6% so cùng kỳ, tăng 1,7% so kế hoạch; khách lữ hành 27.500 lượt, tăng 12% so cùng kỳ, tăng 1,9% so kế hoạch; khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên 3.000.000 lượt, tăng 11% so cùng kỳ, tăng 1% so kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch 1.130 tỷ đồng, tăng 21,4% so cùng kỳ, tăng 2,7% so kế hoạch.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch Tây Ninh giảm mạnh, do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, khách du lịch trong ngày 27 Tết 2020 là 6.544 người, giảm 84,96% so với ngày 27 Tết năm 2019. Luỹ kế từ Mùng 1 - ngày 27 là 1.205.845 người, giảm 14,42% so với cùng kỳ.  

Tổng doanh thu vé cổng ngày 27 Tết 2020 là 99.496.000 đồng, giảm 85,25% so với ngày 27 Tết năm 2019. Luỹ kế từ Mùng 1 - ngày 27 là 18.524.776.000 đồng, giảm 14,82% so với cùng kỳ.

Riêng với ngành du lịch, trao đổi với Báo Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: cũng không quá bi quan trước khủng hoảng mà linh hoạt ứng phó, tìm nhiều giải pháp tích cực để tự cứu mình trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng.

Với kinh nghiệm qua nhiều năm ứng phó với dịch bệnh, ông Thọ đề nghị, ngành du lịch phải hết sức bình tĩnh để tìm lối thoát tích cực.

“Thật ra, tình hình không phải là quá bi đát, vì hiện nay nhiều nước đã cùng chung tay hỗ trợ nghiên cứu, tìm ra vaccine phòng ngừa và bước đầu đã có những kết quả đáng phấn khởi.

Với ngành du lịch, tôi luôn tin rằng trong rủi ro, khủng hoảng chúng ta sẽ tìm ra nhiều cơ hội mới cho mình”- ông nói.Bởi trong thế kỷ 21 này, chúng ta sẽ phải đối đầu với một kiểu “chiến tranh” mới: dịch bệnh và môi trường do chính từ cách “ăn ở”, thái độ của chúng ta với môi trường. Đây cũng là bài học cho các quốc gia vì đất nước nào có quy trình giải quyết dịch bệnh tốt thì sẽ giảm thiểu tối đa hậu quả.

Biến nguy thành cơ- Tại sao không?

Múa rồng nhang trong Lễ vía Đức Chí Tôn, đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

Tìm cơ hội trong rủi ro

Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt, đại đa số người mắc dịch Covid- 19 trong thời gian qua đều được chữa khỏi, từ ngày 13.2 đến nay không có ca mắc mới. Tây Ninh cũng kiểm soát dịch rất tốt, cho đến nay chưa ghi nhận ca mắc Covid- 19 hoặc nghi ngờ mắc nào. Điều này thật sự là may mắn, là cơ hội trong rủi ro mà ngành du lịch cần nắm bắt. Ông Nguyễn Hữu Thọ đánh giá: sau khi chấm dứt dịch bệnh, nhu cầu du lịch trong người dân sau thời gian bị dồn nén sẽ “bùng nổ” trở lại, giống như quy luật của lò xo.

Người người, nhà nhà sẽ xách vali lên đường du lịch, đông hơn, dài ngày hơn. Nhu cầu về du lịch, ẩm thực, mua sắm… sẽ tăng lên chóng mặt để bù lại những ngày “buộc bụng” vừa qua. Đó chẳng phải là cơ hội rất tốt cho ngành du lịch hay sao?

Do vậy, thiết nghĩ, ngành du lịch nên tranh thủ giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh hiện nay để cải tổ mạnh mẽ những bất cập của ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm mới chất lượng… vì bản thân ngành du lịch luôn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo, liên tục xây dựng sản phẩm mới. Nếu chuẩn bị tốt từ giai đoạn này, cơ hội tăng trưởng tốt về cả lượng khách lẫn lợi nhuận không phải là không thể.

Phải “cười bằng mắt”

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ- cũng như nhiều chuyên gia khác, để cải tổ, nâng cao chất lượng ngành du lịch, việc đầu tiên, ngành du lịch phải tăng cường giáo dục nhân viên ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho con người từ khách đến nhân viên, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm… không chỉ trong giai đoạn này mà bất cứ thời điểm nào.

Cần đào tạo chuyên sâu cho nhân viên những kiến thức, các quy trình, kỹ năng xử lý dịch bệnh, thái độ ứng xử phục vụ khách đúng mực. Nếu trước đây chúng ta luôn nở nụ cười trên môi khi đón khách, thì bây giờ, dù phải đeo khẩu trang chúng ta vẫn “cười bằng mắt” với khách.

Biến nguy thành cơ- Tại sao không?

Một góc Ma Thiên Lãnh. Ảnh: Đ.H.T

Ngoài ra, để nắm bắt cơ hội mới, ngành du lịch phải tranh thủ nhìn lại hoạt động kinh doanh, định hướng thị trường; không nên chọn thị trường dễ dãi mà phải chủ động chuyển dịch sang các thị trường mới, chú trọng những thị trường tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, để mở cửa đón các đối tượng khách mới này, ngành du lịch phải chuẩn bị thêm nhiều thứ như nhà hàng, món ăn, cửa hàng chuyên biệt, thậm chí cả cung cách phục vụ tại địa điểm du lịch, các cơ sở lưu trú...

Ngay sau khi dịch được khống chế, nên chăng, ngành du lịch tổ chức các đoàn xúc tiến đến những thị trường tiềm năng, tổ chức các chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch.

Lê Duy

Trong buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh vào tháng 9.2019, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: Tây Ninh là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, thắng cảnh... nên tiềm năng phát triển về du lịch là rất lớn, cần tập trung khai thác triệt để thế mạnh này; theo đó, cần phải gắn kết việc phát triển du lịch với công tác bảo tồn.

Khi du lịch có nguồn thu sẽ quay lại thực hiện tu bổ di tích, di tích được phát huy giá trị sẽ thu hút khách du lịch, mang lại giá trị văn hoá, phát triển song hành với kinh tế. Bộ trưởng cho rằng, Tây Ninh cần phải chú trọng phát triển du lịch hơn nữa, xứng tầm với các tiềm năng sẵn có; trong đó, cần chú trọng phát triển ngành du lịch phong phú, đa dạng, gắn kết các điểm du lịch tạo thành chuỗi liên kết để thu hút du lịch quanh năm (tránh trường hợp chỉ thu hút khách du lịch theo mùa vào các dịp lễ hội, lễ tết). Bên cạnh đó, phải giữ chân được du khách lưu trú lại Tây Ninh thì mới khai thác được các dịch vụ đi kèm khác, mang lại nguồn thu ổn định từ du lịch.