Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
Biết ơn nhà lãnh đạo tài đức vừa vĩnh biệt chúng ta
Thứ hai: 00:36 ngày 10/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, người Việt Nam cả trong và ngoài nước, cũng như người dân các nước trên thế giới đều biết và nhìn nhận đất nước Việt Nam ta đã và đang có những bước phát triển.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả chiến tranh liên miên, rồi đến một thời kỳ không phải ngắn bị bao vây, cô lập, cấm vận kinh tế vì “dám đánh thắng” nhiều nước tự cho mình là “siêu cường” trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; “dám cứu giúp” cả một dân tộc bị đắm chìm trong thảm hoạ diệt chủng… đã từng bước vươn lên trở thành một nước đang phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm đứng vào tốp đầu thế giới và hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đồng thời là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Đặc biệt nhất là đất nước ta không ngừng vươn lên, song song với “đại sự đốt lò”, tức là công cuộc chống “nội xâm”, chống tham nhũng, một loại giặc từ bên trong đang ngày đêm đục khoét, làm nghèo đất nước, một đất nước chưa phải là giàu có gì lắm.

Rõ ràng đó là hai công cuộc tưởng chừng như là nghịch lý, là mâu thuẫn với nhau, nhưng lại có tác động hỗ tương, thúc đẩy nhau cùng phát triển ngày càng mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người Việt Nam, dù là đảng viên hay là người ngoài Đảng, ai cũng biết: đất nước ta bắt đầu hồi sinh nền kinh tế từ thời kỳ đổi mới theo chủ trương từ Đại hội VI của Đảng vào năm 1986. Tuy nhiên, không phải mọi người đều biết công cuộc chống tham nhũng thì bắt đầu được đẩy mạnh từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII của Đảng.

Từ đó đến nay, công cuộc chống tham nhũng không ngừng được Đảng ta kiên trì phát động toàn Đảng, toàn dân cùng hưởng ứng tham gia để góp phần trong sạch hoá bộ máy lãnh đạo đất nước, bộ máy cầm  quyền Nhà nước.

Đáng chú ý là trong những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng đã được đẩy lên thành cao trào, được gọi một cách hình tượng là “đốt lò” với câu nói “rực lửa” là “lò đã nóng thì củi khô, củi tươi đều cháy”.

Đến đây, có lẽ bạn đọc đã hiểu vì sao Bàn Dân dẫn nhập “Chuyện thời sự” tuần này một cách vòng vo như thế. Đó là từ tin buồn đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư của Đảng vừa qua đời vào lúc sáng sớm ngày thứ sáu 7.8.2020.

Đây chính là vị lãnh tụ đã phát động chống tham nhũng, chống tiêu cực, chỉnh đốn Đảng với Nghị quyết “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, tức là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của Đảng.

Từ lúc đồng chí Lê Khả Phiêu qua đời, trên các trang báo điện tử, kể cả mạng xã hội có rất nhiều bài viết về vị tướng cầm quân 40 năm, ngang dọc khắp các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giúp nước bạn thoát khỏi hoạ diệt chủng Khmer Đỏ, 60 tuổi mới vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 6 năm sau nữa thì trở thành người đứng đầu của Đảng để phát động toàn Đảng, toàn dân chống tiêu cực, tham nhũng, trong sạch hoá bộ máy của Đảng, Nhà nước ta.

Và khi bạn đọc vuốt màn hình cảm ứng smartphone, bấm vào chương trình tìm kiếm Google, hay lướt qua vô số địa chỉ người dùng Facebook… Bàn Dân nghĩ bạn cũng cần biết: đồng chí Lê Khả Phiêu cũng chính là người đặt bút ký khai thông “xa lộ thông tin internet” tại Việt Nam vào cuối năm 1997.

Thời điểm đồng chí Lê Khả Phiêu nhận chuyển giao quyền lực cũng là thời điểm rất quan trọng để đất nước ta hoà nhập vào mạng máy tính toàn cầu, mở ra một thời đại mới, thời đại được gọi là “kỷ nguyên thông tin”, hay còn gọi là thời cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi thế giới của chúng ta.

Biết được điều đó, mỗi khi “lang thang trên internet” bạn hãy nhớ đến người đã khai thông “xa lộ” cho mình nhé. Và bây giờ bạn hãy cùng Bàn Dân nói lời “vĩnh biệt đồng chí Lê Khả Phiêu” trước khi mở máy, vào mạng tìm đọc thêm thông tin về vị lãnh đạo tài đức ấy.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh