Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Biểu tình đảo chiều ở Iran
Thứ tư: 05:09 ngày 15/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người Iran tuần trước xuống đường hô khẩu hiệu chống Mỹ sau khi tướng Soleimani bị hạ sát, nhưng mọi thứ thay đổi vì vụ bắn nhầm máy bay Ukraine.

Hàng trăm sinh viên hôm qua tụ tập trong sân đại học Công nghệ Sharif ở thủ đô Tehran, nhưng không mang theo các biểu ngữ đòi "Cái chết cho nước Mỹ" nữa. Đại học Sharif cho biết 13 sinh viên và cựu sinh viên của trường nằm trong số 176 người thiệt mạng trong vụ máy bay Ukraine bị phòng không Iran bắn nhầm hôm 8/1.

"Họ đã giết những người ưu tú nhất và thay thế bằng giáo sĩ", một sinh viên hô vang. Nhiều người khác cũng bày tỏ nỗi giận dữ với chính phủ Iran.

Biểu tình nhằm vào giới lãnh đạo Tehran cho thấy sự "xoay chiều" đáng kể bởi trước đó ít ngày, hàng triệu người Iran đổ xuống đường biểu tình chống Mỹ sau khi Washington không kích hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1.

Người biểu tình giờ đây đối đầu với cảnh sát có vũ trang tại đại học và các quảng trường. Họ xé áp phích Soleimani, biểu tượng lớn về quyền lực chính phủ và tham vọng của Iran trong khu vực.

Ở nơi khác, chính quyền buộc thay thế ảnh chân dung Soleimani bằng thông điệp tiếc thương cho nạn nhân vụ bắn nhầm máy bay. Một số nhà báo làm việc cho truyền thông nhà nước từ chức, một người dẫn chương trình truyền hình thậm chí viết lời xin lỗi trên mạng xã hội vì đã "nói dối" công chúng trong nhiều năm.

Có dấu hiệu cho thấy chính phủ Iran đang tìm cách đàn áp biểu tình quyết liệt hơn. Video quay tối 12/1 cho thấy người biểu tình tháo chạy khỏi khói hơi cay, một phụ nữ bị thương được cho là do trúng đạn ở chân.

Người biểu tình tụ tập trước đại học Amirkabir trong vòng vây cảnh sát ở thủ đô Tehran, Iran hôm 11/1. Ảnh: AP.

"Chính phủ Iran đang vật lộn giải quyết cuộc khủng hoảng này. Một tuần trước, họ còn kiểm soát tình hình, khai thác các câu chuyện chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc để xoa dịu vấn đề về kinh tế sa sút", Nader Hashemi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại đại học Denver nói.

Mọi thứ thay đổi sau khi Iran thừa nhận bắn nhầm máy bay Ukraine. Lần đầu tiên Tehran thừa nhận một điều như vậy trong hàng thập kỷ, điều khiến nhiều người dân lập tức đòi chính phủ phải nhận trách nhiệm, Hashemi nói.

Cái chết của Soleimani hôm 3/1 thôi thúc Iran trả đũa Mỹ, bằng cách tập kích hàng chục tên lửa vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Vài giờ sau cuộc tập kích, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắn hạ máy bay mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA), hành động được cho là do "lỗi con người".

Toàn bộ 176 người trên phi cơ thiệt mạng, trong đó có 82 người Iran, 57 người Canada và 11 người Ukraine, bao gồm phi hành đoàn. Hầu hết người Canada trên chuyến bay được cho là có gốc Iran hoặc mang hai quốc tịch.

Giới chức Iran ban đầu phủ nhận bắn hạ máy bay, nhưng sau đó thừa nhận lực lượng phòng không IRGC đã bắn nhầm, làm dấy lên làn sóng biểu tình lớn thứ hai nhằm vào chính phủ Iran trong chưa đầy ba tháng.

Hồi tháng 11/2019, biểu tình của tầng lớp lao động tập trung vào vấn đề kinh tế, khi chính phủ Iran xóa bỏ chế độ trợ cấp xăng dầu, khiến giá nhiên liệu tăng. Nhưng biểu tình ba ngày qua có sự tham gia của tầng lớp trung lưu sống ở các thành phố Iran, cho thấy bất mãn ngày càng tăng, theo giới phân tích.

Chính quyền Trump cáo buộc các lực lượng an ninh Iran đã "sát hại" khoảng 1.500 người trong các cuộc biểu tình tháng 11 năm ngoái, dù Tehran bác bỏ.

Hadi Ghaemi, giám đốc Chiến dịch Nhân quyền Iran có trụ sở ở New York, cho rằng cảnh sát Iran lần này nỗ lực tránh gây thương vong cho người biểu tình khi giải tán đám đông bằng hơi cay và đạn cao su. Tuy nhiên, đến đêm 12/1, có một số thông tin cho rằng đã có vài trường hợp cảnh sát bắn đạn thật.

Trong tuyên bố trên truyền hình, cảnh sát trưởng Tehran Hossein Rahimi phủ nhận việc cảnh sát bắn người biểu tình, tuyên bố họ được lệnh phải kiềm chế. "Cảnh sát đối xử với người tụ tập bằng sự kiên nhẫn và chịu đựng. Chúng tôi không nổ súng vào đám đông, vì sự khoan dung và kiềm chế nằm trong quy chế của lực lượng cảnh sát thủ đô", Hossein nói.

Ali Rabiei, phát ngôn viên chính phủ, cho biết hôm qua rằng quân đội Iran nên được ngợi khen vì nhận trách nhiệm bắn nhầm máy bay và chính phủ sẽ nhấn mạnh vào vấn đề minh bạch trong cuộc điều tra sắp tới. Nhưng tuyên bố thừa nhận bắn nhầm máy bay của chính phủ không làm dịu căng thẳng trong công chúng, bao gồm cả phe thân chính quyền.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) hôm qua đăng tuyên bố của Hội Nhà báo Tehran chỉ trích truyền thông nhà nước. "Những gì gây nguy hiểm cho xã hội ngày nay không chỉ tên lửa hay tấn công quân sự mà còn là sự thiếu tự do truyền thông. Che giấu sự thật và lan truyền những lời dối trá làm tổn thương công chúng. Những gì xảy ra là thảm họa với truyền thông Iran", hội này phê phán.

Ít nhất ba biên tập viên truyền hình Iran đã thông báo từ chức từ khi khủng hoảng nổ ra. Gần nhất là Gelareh Jabbari, người đăng trên Instagram lời xin lỗi khán giả vì "nói dối trên truyền hình suốt 13 năm qua". "Tôi sẽ không bao giờ lên sóng truyền hình nữa", bà nói.

Các sinh viên đại học Công nghệ Amirkabir ở Tehran cũng ra thông báo chỉ trích cách thức chính phủ đối phó với người biểu tình, cho rằng đây là "sự đàn áp". "Chúng tôi biết sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông gây ra hỗn loạn và chúng tôi cũng phản đối bất kỳ thế lực xâm lược nào. Nhưng sự hiện diện của Mỹ không thể biến thành cái cớ để đàn áp nội bộ", tuyên bố có đoạn.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục