Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nội từng bảo, ấy là lúc bìm bịp quay về làm tổ, đẻ trứng. Rồi má cũng sẽ về tìm Côi. Côi tin là như thế. Trong một giấc mơ…
Truyện ngắn: Sơn Trần
1.Tầm gà gáy, tiếng bìm bịp nấp trong bờ lá ngoài bến sông thưa dần rồi dứt hẳn.
Nội đã lục đục nhóm bếp. Ngọn lửa bén vào thanh củi khô bừng lên, nổ lốp bốp rồi liếm quanh nồi cám heo, chiếu sáng một quầng nhỏ. Bóng nội in trên vách chập chờn, lay động, đầy cam chịu.
Côi hé mắt nhìn, chứ chưa muốn ngồi dậy. Từng cơn gió lạnh len qua khe liếp làm Côi rùng mình, kéo tấm chăn mỏng nhăn nhúm lên tận cổ. Nội rón rén đi lại trong nhà, tưởng chừng những va chạm mạnh khiến đứa cháu cút côi giật mình tỉnh giấc.
Trời bắt đầu sáng. Ðường chân trời tít tắp phía cánh đồng bên kia con sông bừng lên những tia rẽ quạt, ánh sáng chan hoà khắp nơi. Côi ngồi ở hàng ba, ngơ ngác nhìn cây ô môi ở mé sân đang kỳ trổ bông. Nội lúi húi ngoài vườn, khệ nệ nách bên hông mấy bó rau cải cùng mấy trái cà tím, thêm dăm trái mướp. Nội giục:
-Bây ăn sáng đi rồi ra chợ với nội!
Côi dạ rồi lật đật chạy vào nhà, lục lọi chạn bếp, xúc một tô cơm đầy ụ chan với nước cá kho, ăn vội ăn vàng. Nội nhìn Côi lắc đầu, giấu đi nét buồn vừa thoáng bay về đậu nơi khoé mắt. Côi thì vô tư vừa ăn vừa hỏi mấy câu vu vơ khiến nội gạt phăng, doạ dẫm:
-Bây có muốn đi với nội không đấy!
Côi rụt cổ, nhanh nhảu và nuốt phần cơm dính đáy tô rồi chùi cái miệng tèm lem. Ðiệu bộ của nó trông thật mắc cười.
Nội đi trước, Côi theo sau men bờ cỏ còn ướt sương đêm, qua cây cầu dừa bắc ngang con rạch mùa này nước trong leo lẻo ra cái chợ nằm tít cuối ấp.
2. Chiều ngả bóng, nắng vàng hanh rải khắp cánh đồng còn trơ gốc rạ sau mùa gặt. Xa xa, khói đốt đồng hoà cùng mây trắng tạo nên một bức tranh vừa thân thuộc vừa huyền ảo. Côi lùa bầy vịt xuống kênh, rồi cắm phập cây sào xuống ruộng, nhìn vơ vẩn xung quanh. Con lộ nối xóm bờ sông với các xóm khác chạy ngoằn ngoèo qua cánh đồng trông như một con rắn khổng lồ trườn đi.
Trong bóng chiều tà, cảm giác con rắn đang trườn về đỉnh núi xa mờ đang loang dần sắc tím. Ở đấy rất xa, hơn một ngày mới tới nơi. Côi hình dung một thế giới khác hẳn cái xóm bờ sông. Nơi ấy có má, có những gì đẹp nhất Côi từng mơ ước… Côi không nghĩ được lâu, những cánh cò trắng muốt hối hả bay đi khiến nó giật mình nhìn theo.
Bầy vịt rúc mỏ kiếm ăn và tắm táp dưới kênh chán lại lạch bạch nối nhau lên bờ, đứng giũ cánh và mổ nhau chí choé. Ðể chúng nghỉ ngơi tí rồi mới lùa về chuồng. Côi tót lên ngồi ở cây bần quỳ de nhánh ra giữa kênh, bứt từng trái non.
Những vòng sóng lan ra xa sau mỗi lần trái bần rơi tõm xuống nước, màu nắng phai cũng vỡ ra từng mảng, chìm sâu xuống đáy. Mặt Côi tư lự, đầy nghĩ suy. Mà không rầu lòng sao được. Sáng qua ở chợ, bà Sáu cù lao bán bánh bò cứ nhìn nó lom lom rồi phán như đúng rồi:
-Chèn đéc ơi, bây giống má bây dữ đa!
Thiệt giận bả hết sức. Con phải giống má chứ không lẽ giống hàng xóm. Lúc Côi đang ngơ ngác trước cái miệng phát ra những âm thanh như xé vải, khó chịu của bà Sáu thì nội nghiêm mặt, quắc mắt nhìn người đàn bà nhiều chuyện rồi kéo mạnh tay nó đi. Suốt buổi chợ, nội không nói gì. Côi cũng làm thinh, chỉ lâu lâu lén nhìn nội luôn tay xốc trở mấy bó rau cải như muốn làm chúng bầm giập mới hả dạ.
3. Ngày mưa dầm. Những tảng mây xám từ đâu kéo về phủ kín cánh đồng. Gió chướng u u, chạy dọc bờ kênh, lùng sục trong chòm dừa nước ken dày bến sông. Tiếng bìm bịp trong mưa khắc khoải nao lòng. Hình như chỉ mỗi mình con chim trống thì phải.
Cứ da diết từng chập, nức nở, thê lương. Nội nghe thấy. Côi cũng nghe rõ mồn một. Nhưng cảm giác nội cố tình không quan tâm. Nội hết quét nhà rồi quay ra cọ cái khạp chứa nước đầu chái bếp. Dáng nội gầy còm, chậm chạp khiến nó mủi lòng.
Côi ngồi bó gối nhìn mưa. Bầy vịt nhốt sau nhà đòi ăn kêu vang. Cây ô môi lắc lư theo gió. Những bông hoa đẫm nước rơi ngập sân. Ngoài bến sông âm thanh gọi bầy của bìm bịp cứ dội từng hồi thê thiết…
Mai nay phải ra chợ gặp bà Sáu cù lao bán bánh bò. Côi phải biết má là ai, vì sao bỏ nhà đi. Má có biết nó nhớ và thương má lắm không. Năm rồi, có người bà con về chơi, nhìn Côi một chập rồi bâng quơ rằng nuôi nó làm gì, rồi nó cũng giống như má nó thôi. Côi nghe nhưng không phản ứng gì cả, chỉ thấy tủi thân, lủi ra bụi chuối ngồi khóc rấm rứt. Tối đó, nội nằm xích gần Côi hơn. Hơi thở của nội ấm, vòng tay của nội chặt. Nó cảm thấy yên bình.
4. Côi về đến nhà trời đã khuya, sương ướt nhẹp mái đầu. Nội đón Côi trước ngõ, tay xách đèn pin. Côi kêu sao nội thức khuya vậy, con đi với tụi bạn nữa mà. Nội im lặng, quay vào. Côi vừa múc nước rửa mặt vừa nhìn nội phân trần. Ðoàn này diễn không hay nội à. Có mấy chú giả gái nhảy nhót, õng ẹo trông rất mắc cười. Nội dường như không chú ý lắm, lấy thanh cài cửa rồi khép cửa lại. Khi đã nằm xuống giường, nội quay sang Côi:
-Bây có nhìn rõ mặt người ta không?
-Không rõ lắm nhưng mà chi vậy nội?
Câu hỏi của Côi đầy ngạc nhiên, chợt mất hút vào bóng đêm, bị bóng đêm làm tan loãng, bay theo ngọn gió đang cồn cào trên mái lá. Nội xoay người vào vách, nội đang nghĩ về đoàn ca múa nhạc tạp kỹ hay về ấp diễn cho bà con xem trước đây.
5. Cũng đã hơn mười năm rồi. Bữa đó, nội cùng mấy người trong xóm rủ nhau đi coi hát. Nội mê ca từ nhỏ, thuộc làu nhiều vở. Nội ca cũng nghe được. Mấy người trong xóm còn bảo sao nội không đi theo đoàn hát. Nội lảng chuyện, bảo đi nhanh chứ rề rà sẽ mất chỗ đấy.
Ðoàn hát hôm ấy thiếu đào thương mọi lần. Cô tên Huyên, người nhỏ nhắn, xinh xắn lại ca muồi không ai qua nổi. Nội thấy sốt ruột, cứ dáo dác nhìn quanh rồi lò dò ra hậu trường. Vẫn kép chính cao to, trang điểm loè loẹt, hai đuôi mắt vẽ xếch ngược, chiếc mũ có hai cái râu dài vểnh lên.
Vẫn ông bầu bụng phệ ngồi trong góc luôn miệng nhắc nhở. Vẫn gã hoá trang õng ẹo, đi đi lại lại chỉnh sửa tóc tai trang phục cho mọi người. Nội hỏi thăm cô đào thương tên Huyên chỉ nhận được cái lắc đầu, lảng tránh. Ðể hôm sau, nghe người ta kháo nhau rằng có người phụ nữ trẻ, bụng chửa vượt mặt ngồi khóc bên góc chợ.
Dáng dấp giống đào thương Huyên nhưng gương mặt biến dạng, đầy mụn cục, ửng đỏ. Nội bỏ dở luống đất đang xới, lật đật cắp nón ra chợ. Như thể gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, đào thương Huyên ôm lấy nội, oà khóc.
Huyên là con gái lớn trong một gia đình thuần nông tuốt miệt cù lao. Nhà cô nghèo, cha lại hay đau ốm. Mấy công ruộng không đủ sống. Mẹ gửi Huyên cho người quen để cô được theo đoàn ca kiếm tiền nuôi mấy em. Tuổi mới lớn trong veo như giọt sương sớm bị đẩy vào đoàn hát đầy rẫy những ganh ghét và bê tha, ban đầu Huyên rất sợ và tránh va chạm khi có thể.
Nhưng dần dà, chính những người trong đoàn đã dạy Huyên bất chấp và đối mặt. Huyên dày dạn hơn, tài năng, vị thế của cô ngày càng được công nhận. Rồi tình yêu đến với cô. Kép chính mới bổ sung vào đoàn say Huyên như kẻ nghiện rượu gặp hơi men. Huyên đáp lại cũng cuồng nhiệt không kém.
Nhưng nghiệt ngã, gã hoá trang gương mặt lúc nào cũng trét đầy phấn lại đắm đuối kép chính, luôn tỏ vẻ khó chịu khi hai người gần nhau. Gã đã hèn hạ dùng son phấn trộn thêm hoá chất huỷ hoại gương mặt Huyên cho bõ ghét. Bị dị ứng, mặt Huyên tấy đỏ, sưng húp rồi nổi mụn đầy.
Huyên đau khổ trong khi kép chính lạnh nhạt, xa lánh. Gã hoá trang công khai chiều chuộng kép chính. Họ đã tình tứ trước mặt Huyên. Ðây có lẽ là những tháng ngày đen tối nhất của đời cô. Thêm nữa, khi biết mình mang thai thì tinh thần Huyên càng suy sụp. Những trận nghén kéo dài khiến cô không thể trụ lại với nghề, đoàn lại phải lưu diễn rày đây mai đó.
Huyên không dám về nhà, cứ ngóng đoàn về ấp diễn. Bẽ bàng, tủi nhục. Nội mủi lòng vì thấy cuộc đời Huyên sao giống mình thế. Nội bất chấp khó khăn, thiếu thốn để đưa Huyên về nhà cưu mang. Huyên sinh con được mấy tháng rồi bỏ đi biệt. Nghe nói Huyên trở lại đoàn… Ðể rồi mấy năm sau, nội cứ đi coi hát khi có đoàn nào đó về diễn.
6. Côi bấn loạn thật sự khi lần đầu cảm thấy những giọt máu rỉ ra, ướt nhẹp đũng quần sau mấy luồng đau bụng ứa nước mắt. Lúc ấy, Côi ngồi hóng mát với mấy đứa bạn cùng xóm trên cầu. Trăng rằm rời rợi toả mát khắp không gian. Từng cơn gió dè sẻn làm tóc mai loà xoà trước trán.
Không gian yên tĩnh, nghe rõ tiếng côn trùng nỉ non, ánh sáng lập lờ của đom đóm trong góc tối. Chỉ có tiếng cười và giọng hát vang lên. Ðang ca dở một đoạn xuống xề trong bài vọng cổ, cơn đau quặn bụng khiến Côi bối rối rồi băng đồng, lội kênh chạy về.
Nội đã lên giường nằm tự bao giờ. Mấy hôm nay nội cảm, biếng ăn. Bất lực, Côi ngồi tựa cửa, mồ hôi đầm đìa, tóc bết dính vào cái trán dô bướng bỉnh. Tối hôm đó, nội để tay cho Côi gối đầu, nhẹ nhàng nói với Côi nhiều điều về cuộc sống, về thân phận, cả cái hiện tượng bất thường vừa xuất hiện ở Côi.
Nội còn giải thích vì sao muốn Côi gọi bà là nội chứ không gọi ngoại, cả cái tên nó mang nữa. Côi nay đã là thiếu nữ, phải biết chăm sóc bản thân. Nội đã già rồi, sống được cũng nhờ trời thương… Nội nói trong nước mắt. Côi nghe mặn ấm mắt môi mình.
Một người đàn bà bị người đời khinh miệt, lưu lạc tứ xứ, rồi trôi dạt đến nơi này. Một mái lá đơn sơ, dựng sát bờ sông. Ban đêm nghe tiếng bìm bịp kêu mà đứt từng khúc ruột. Mà cũng ngộ, khắp cái ấp này, dừa nước mọc dày bờ sông, không hiểu sao bìm bịp lại về đây làm tổ, đẻ trứng.
Cứ mỗi hoàng hôn và tầm khuya lại trổi dậy những tiếng kêu thương. Ðiệu nhớ điệu thương cứ loang dần trên sông, vướng víu theo sau mấy chiếc ghe thương hồ, đọng lắng lại trong lòng người xa xứ. Có lần, buồn quá, nội cầm sào ra bờ lá đuổi chim nhưng rồi mấy ngày sau chúng lại trở về, đông hơn. Cứ chặp tối lại thê thiết…
7. Cơn bão trái mùa tràn về, kèm theo mưa to gió lớn. Con sông trước nhà nước dâng, màu phù sa đỏ lựng, kéo theo từng giề lục bình. Nội vịn cửa nhìn ra ngoài trời chép miệng. Chòm dừa nước ở bến sông bị gió giật ngả nghiêng, xơ xác. Tiếng chim bìm bịp hốt hoảng, bay đi.
Côi đi tìm mấy con vịt lạc bầy. Về đến nhà trời đã nhá nhem. Quần áo ướt sũng, khuôn ngực thanh tân nhấp nhô sau làn áo mỏng. Nội trố mắt nhìn như thể lần đầu tiên phát hiện sự thay đổi ở đứa cháu gái bất hạnh. Côi xấu hổ, lẻn ra nhà sau, vội vã thay quần áo.
Nội ngồi dậy, đấm ngực kiềm chế những cơn ho. Nội bệnh rề rà hơn tuần lễ. Côi lên chợ hốt thuốc cho nội uống đã mấy thang rồi mà bệnh chưa khỏi. Nội cứ ho đêm như thế. Ho từng tràng dài, ho như muốn bể phổi. Nội rũ rượi trong tay Côi. Những cơn ho làm cho sức nội yếu dần. Côi chong mắt thức, lúc nội chịu không nổi lại lả người đi.
- Bây ngủ đi, mặc nội, không sao đâu!
Nội rơm rớm nhìn Côi. Rồi không nói chuyện với Côi được nữa. Tầm gà gáy, Côi nghe vai mình nặng dần. Nội khép hờ mắt. Nội bỏ Côi khi chưa kịp trối với Côi lời nào. Chỉ có bầy bìm bịp, chờ lặng gió, đợi ngừng mưa, bay về bờ lá cất tiếng kêu thương, não ruột!
Nội từng bảo, ấy là lúc bìm bịp quay về làm tổ, đẻ trứng. Rồi má cũng sẽ về tìm Côi. Côi tin là như thế. Trong một giấc mơ…
Sơn Trần