Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhà thơ nữ Lê Giang còn có bút hiệu khác là Vũ Kim Sa, sinh năm 1930, quê Cà Mau, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977.
Người Việt Nam đều biết hai tiếng “làm bộ” là làm giả mà giống như thật! Bài “Làm bộ” của nhà thơ nữ Lê Giang đã diễn tả lại cảnh hai bà cháu chơi trò, một người làm nghề bán quán, một người thì sắm vai người mua hàng: “Cháu làm bộ bán chè, hủ tiếu, cà phê/ Bà làm bộ ăn hàng cháu bán/ Bà làm bộ trả tiền sòng phẳng/ Cháu làm bộ cầm tiền nhét túi/ Tỉnh bơ!”.
Mấy câu thơ bình dị, chân chất đã miêu tả được toàn cảnh chơi trò bán hàng thật gần gũi và quen thuộc với không ít người. Ẩn chứa đằng sau là cả một niềm vui tột cùng của sự thanh bình và yên ấm trong một gia đình bình thường.
Cả hai bà cháu chơi trò giả bộ mua hàng bán hàng thích thú, chơi không biết chán, mê mệt, bởi cả hai đều đang tận hưởng niềm vui của hạnh phúc: “Hai bà cháu chơi mua bán say sưa/ Mua bán với nhau/ Cháu được làm người lớn/ Bà lại được trẻ ra, được cô bán hàng gọi thím”.
Và một cảnh miêu tả mà chúng ta được chiêm ngưỡng sau đây thật ngọt ngào và thú vị, ngon như ăn một quả táo chín cây: “Bà ăn hoài món nọ món kia/ -Thêm cho tui đĩa bánh bèo, ly cà phê đá…”.
Bất ngờ thái độ của cô chủ quán chừng bốn tuổi ngước lên nói như người lớn: -“Sao thím ăn nhiều quá/ Tui còn để dành cho mẹ tui!”
Những câu từ ngô nghê, ngộ nghĩnh của đứa cháu làm người bà không thể vui hơn, không kìm nén được cảm xúc, cười đến “chảy nước mắt”, và: “Cười!/ Ôm chị bán hàng hun tới tấp”.
Chữ hun ở đây của bà nội đã nói lên tất cả niềm sung sướng của bà nội. Và bài thơ kết thúc cũng thật bất ngờ, thú vị vô cùng: “Sao bà ôm cô chủ tiệm?/ Cháu nghỉ chơi!”.
Bài thơ chỉ với 20 câu mà thật hay! Sự hay của bài thơ làm người ta nhớ mãi vì nó không cầu kỳ mà thật gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Cảnh Trà