Xã hội   Chia sẻ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bình dị mà toả sáng 

Cập nhật ngày: 08/03/2017 - 12:34

BTNO - Mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng hai chị có điểm chung là sự cần cù, chịu khó, biết tự nỗ lực vượt qua gian khó.

Chị Huỳnh Thị Ít (trái) tâm sự về cuộc đời mình.

Chồng mất sớm, chị Huỳnh Thị Ít, năm nay 52 tuổi, ngụ ở ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng một mình xoay xở nuôi hai đứa con ăn học nên người. Kể về cuộc đời không ít vất vả, gian truân của mình, chị Ít không khỏi bùi ngùi xúc động…

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên tuổi thơ của chị Ít có nhiều thua thiệt. Lớn lên, lập gia đình rồi ra riêng chỉ với hai bàn tay trắng, cuộc sống mới của chị cũng muôn vàn khó khăn, phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, trầy trật kiếm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn.

Khó khăn nhân lên gấp bội khi hai đứa con lần lượt ra đời rồi lần lượt đến tuổi học hành. Điều bất hạnh lại tới, sau một thời gian lâm bệnh nặng, chồng chị Ít qua đời. Nợ nần bủa vây người phụ nữ nghèo goá bụa. Một mình không biết phải làm sao giữa bộn bề gian khó, nhiều lúc chị Ít cảm thấy bế tắc, bất lực. Nhưng rồi vì tình thương con, sợ các con học hành dở dang, chị Ít cố gắng động viên mình phải vượt qua cảnh ngộ. Gần 10 năm kể từ ngày chồng qua đời, chị Ít ra sức làm lụng nuôi con.

Các con lần lượt vào đại học, đôi vai của người mẹ càng quằn nặng nhọc nhằn. Ở nhà làm lụng quần quật, kiếm được bao nhiêu tiền, chị Ít đều tằn tiện, gom góp để dành gửi cho con. Cực thân chị không màng, chỉ buồn thương cho các con phải học hành trong điều kiện thiếu thốn, không được thuận lợi như con người ta. Chính thái độ ham học của các con đã giúp người mẹ nghèo có thêm động lực làm việc, nuôi dưỡng niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Suốt ngày đầu tắt mặt tối, chị quên cả sức khoẻ bản thân, mỗi lần đổ bệnh chị chỉ mua thuốc uống đại đùa cho qua cơn rồi tiếp tục làm lụng. Khi bệnh trở nặng, chị đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật đau đớn. Thương con, một lần nữa chị lại tự động viên mình ráng vượt qua bệnh tật để làm chỗ dựa tinh thần cho con.

Chị Hồ Thị To với công việc kiếm sống hằng ngày.

Đến nay, cuộc sống của gia đình chị Ít vẫn chưa thật dễ chịu vì còn nhiều điều phải lo toan. Tuy thế, chị cũng đã được nếm trải thứ hạnh phúc ngọt ngào của một người mẹ thấy con mình khôn lớn, trưởng thành, học hành tử tế. Cô con gái lớn của chị đã tốt nghiệp đại học và có được việc làm ổn định. Cậu con trai nhỏ thì một năm nữa là tốt nghiệp đại học Y Dược. “Các con học hành thành đạt chính là niềm vui lớn nhất của tôi”- chị Ít chia sẻ.

Ngụ cùng xã Phước Chỉ và cũng xuất thân trong một hoàn cảnh khó khăn như chị Ít là chị Hồ Thị To, 52 tuổi, ngụ ấp Phước Bình. Nhà nghèo, hồi ra riêng, vợ chồng chị To được gia đình chia cho một mảnh ruộng nhỏ để lập nghiệp. Hai vợ chồng bỏ công sức làm lụng, lam lũ quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn do đất ruộng xấu- mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ, lại còn gặp cảnh thất mùa, mất giá liên miên. Nhận thấy không thể đeo bám ruộng đồng mãi được, chị To tìm phương cách thoát nghèo. Bươn chải làm thêm đủ

thứ việc, hết nấu rượu nuôi heo, chị chuyển sang buôn gánh bán bưng. Sáng gánh bánh canh đi bán, trưa lại lặn lội đi rao bánh lọt, sương sâm, tàu hủ; đêm chị lại ngồi cần mẫn chằm nón lá. Mỗi ngày, chị phải thức dậy từ lúc trời còn khuya để chuẩn bị mọi thứ. Có lúc mệt quá, chị chỉ thèm được nghỉ một hôm thôi nhưng rồi vẫn phải cố quang gánh lên vai vì sợ mình không kiếm được tiền, các con sẽ càng thiếu thốn.

Từ ngày dành dụm mua được chiếc xe đạp làm chân đi buôn bán, con đường mưu sinh của chị mới bớt vất vả hơn. Trong số những thứ hàng rong mà chị bán, có lẽ tàu hủ non là món gợi cho chị nhiều kỷ niệm nhất, bởi nó là món khiến chị phải tốn công nhọc sức nhiều nhất. Những ngày đầu tiên tập làm, chị phải đổ mấy nồi tàu hủ, làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công.

Bây giờ thì món tàu hủ non của chị làm đã chinh phục được nhiều người. Đây là cái nghề đã theo chân chị cho đến ngày hôm nay, giúp chị có nguồn thu nhập ổn định. Hình ảnh một phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, tần tảo, đầu đội nón lá, chân đạp xe chở thùng tàu hủ non vừa rảo khắp ngõ ngách vừa cất tiếng rao mời đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Bằng sự siêng năng, cần cù, chị To đã hợp sức cùng chồng để chèo chống con thuyền gia đình vượt qua sóng gió cuộc đời, hoàn thành ước nguyện nuôi hai đứa con ăn học nên người. Bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng chị To vẫn dành thời gian tham gia công tác xã hội. Được Hội Phụ nữ xã vận động, hơn 3 năm qua, cứ vào thời điểm địa phương tổ chức tiễn đưa tân binh lên đường nhập ngũ, chị To lại có mặt để tham gia công tác hậu cần, phụ mọi người một tay.


THẾ ANH