BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bình Thạnh xây dựng Nông thôn mới: Gian nan!

Cập nhật ngày: 25/03/2011 - 11:24

Xã Bình Thạnh còn cần đến 3 trạm cấp nước sạch. Trong ảnh là trạm cấp nước sạch ấp Bình Hoà.

Bình Thạnh là một trong ba xã được lãnh đạo huyện Trảng Bàng chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới. Đây là một xã biên giới sung túc nhất trong ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Tuy nhiên trên đường đi lên xây dựng nông thôn mới, địa phương này cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng.

* Thiếu nước

Đứng trên đám ruộng lúa trĩu hạt thuộc cánh đồng phía Nam ấp Bình Phú, ông Nguyễn Hữu Hậu vui vẻ cho biết, vụ lúa đông xuân 2010-2011 này tưởng chừng như gia đình ông và bà con ở đây bị thất trắng. Vì ngay sau Tết Tân Mão nắng hạn kéo dài làm cho khu vực cánh đồng Nam Bình Phú bị khô trắng và đang có nguy cơ chết lúa. Trước tình hình đó bà con ở đây và chính quyền địa phương đề nghị ngành chức năng có biện pháp cứu lúa. Được sự đồng ý của cấp trên, bà con nông dân đã mua ống nhựa về rút nước từ kênh thuỷ lợi xã Phước Chỉ cho chảy xuống kênh tiêu thuộc cánh đồng Bình Phú, để từ đó bơm nước lên ruộng. Nhờ vậy mà bà con ở đây đã cứu được gần 100 ha lúa và hoa màu các loại. Nhất là lúa, không những không bị chết khô mà còn đạt được năng suất cao. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Để đảm bảo có đủ nước sản xuất trong mùa khô, nông dân ở đây rất cần có con kênh nội đồng để có nước tưới.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, mà nước sinh hoạt ở ấp Bình Phú cũng thiếu nghiêm trọng, nhất là khu vực cầu Ông Sãi. Thiếu tá Nguyễn Văn Đời, Chốt trưởng Chốt Biên Phòng cầu Ông Sãi (thuộc Đồn Biên phòng 855- Phước Chỉ) cho biết, khu vực này mạch nước ngầm bị nhiễm phèn rất nặng. Nước giếng khoan, giếng đào gì cũng vàng quạch, tắm giặt cũng không được, đừng nói chi đến nấu ăn, nấu uống. Để có nước nấu ăn, nấu uống, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ chốt biên phòng này phải đi xe gắn máy ra trạm cấp nước sạch gần Trung tâm văn hoá xã để chở nước về xài. Đoạn đường từ chốt ra đến chỗ lấy nước xa gần 4 cây số. Mà đường đi rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa trơn trợt, đất dính bánh xe không chạy được. Còn mùa nắng thì gập nghềnh rất khó chạy xe. Mỗi ngày cán bộ chiến sĩ ở đây chỉ chở được có hai can, với 60 lít nước. Để đủ nước nấu ăn, anh em ở đây rất tiết kiệm nước. Còn nước tắm, giặt, cán bộ, chiến sĩ đào một cái giếng cạn cặp kênh Biên Giới để lấy nước từ kênh vào giếng, rồi lắng phèn mà xài.

Ở khu vực cầu Ông Sãi, ngoài chốt biên phòng còn có chốt dân quân địa phương và  gần 100 hộ dân sinh sống. Cũng như cán bộ chiến sĩ chốt biên phòng, chốt dân quân địa phương và bà con ở đây cũng ra trạm cấp nước sạch gần Trung tâm văn hoá xã lấy nước về nấu ăn, còn nước sinh hoạt thì xài nước ao, nước kênh.

CBCS chốt Biên phòng cầu Ông Sãi phải đi chở nước về nấu ăn, uống.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, toàn xã có 4 ấp, với 2.654 hộ và hơn 10.000 nhân khẩu. Trong đó đa số bà con sống tập trung ở ấp Bình Hoà, với trên 1.600 hộ và hơn 7.300 nhân khẩu. Do mạch nước ngầm ở xã Bình Thạnh nói riêng và ba xã cánh Tây Trảng Bàng nói chung bị nhiễm phèn rất nặng, nên trước đây bà con toàn xã Bình Thạnh gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa nắng. Được sự quan tâm của cấp trên, từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được 3 trạm cấp nước sạch. Trong đó có hai trạm ở ấp Bình Hoà và một trạm ở ấp Bình Quới. Số hộ được xài nước sạch từ 3 trạm cấp nước này, hiện nay là 637 hộ. Số còn lại xài nước giếng khoan, hoặc xài nước giếng tạm, nước ao bị nhiễm phèn. Để bảo đảm đủ nguồn nước sạch cho dân, hiện nay xã Bình Thạnh còn cần đến 3 trạm cấp nước sạch nữa. Trong đó đáng lưu ý là khu vực cầu Ông Sãi (ấp Bình Phú), ô 5, ô 6 ấp Bình Hoà và ấp Bình Phước. Mong cấp trên quan tâm sớm đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch ở các khu vực này.

* Giao thông, thuỷ lợi khó khăn

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Văn Minh  cho biết, căn cứ theo  các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương, thực trạng xã Bình Thạnh hiện nay có một số tiêu chí đạt, như: Hiện đã có 99,6% hộ dân trong xã sử dụng điện lưới quốc gia. Xã có trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng đạt chuẩn của Bộ Văn hoá -Thể thao & Du lịch; có chợ nông thôn đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; về tiêu chí giáo dục, xã đạt phổ cập giáo dục trung học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc văn hoá, học nghề đạt 100%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%; Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 4/4 ấp của xã đều được công nhận đạt chuẩn ấp văn hoá. Về tổ chức chính trị xã hội, xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định, đội ngũ cán bộ xã đạt chuẩn, đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định.

Nước giếng muốn xài phải lắng phèn.

Tuy nhiên xã cũng còn nhiều mặt khó khăn hạn chế, để phấn đấu đạt được tiêu chuẩn xã nông thôn mới trong những năm sắp tới, xã Bình Thạnh rất cần được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các trục giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn xã đi lại còn khó khăn, nhất là các loại xe cơ giới làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, nhất là tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Về hệ thống thuỷ lợi, xã chưa có hệ thống thuỷ lợi cơ bản để đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, không có kênh mương được kiên cố hoá. Vào mùa nắng một số cánh đồng còn thiếu nước tưới. Nước sinh hoạt của người dân cũng còn thiếu rất nhiều như nêu ở trên. Xã có 4 ấp, nhưng dân số phân bổ không đều, đa số tập trung tại ấp Bình Hoà. Dân cư sống tập trung ở ấp này đông đúc, nhưng hệ thống thoát nước ở đây hạn chế không đảm bảo được vệ sinh môi trường. Về kinh tế, xã có hơn 80% dân số còn sống bằng nghề nông. Bà con nông dân ở đây chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ cây lúa và thuốc lá vàng, cùng một số hoa màu khác. Giá cả nông sản thì luôn bấp bênh. Toàn xã chưa có cơ sở công nghiệp nào đáng kể. Từ đó thu nhập bình quân đầu người nhìn chung còn thấp. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 8,6 triệu đồng/người/năm. Về tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay trên địa bàn xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia…

D.H