BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lớp 1 học sách này, lớp 2 học sách khác:

Bình thường hay bất bình thường? 

Cập nhật ngày: 17/03/2021 - 00:17

BTN - Trong những ngày qua, ngành Giáo dục, từ trung ương đến địa phương đang khẩn trương chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022. Một trong những thông tin thu hút sự chú ý của dư luận là từ lớp 2 của năm học 2021-2022 trở đi, trong trường phổ thông, theo chương trình mới, chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa chứ không phải 5 bộ. Tại sao có sự thay đổi này và điều đó có ảnh hưởng gì đến hoạt động dạy và học của thầy và trò hay không?

Kể từ năm học 2021-2022, lớp 1 vẫn có bốn bộ sách để lựa chọn trong khi lớp 2 chỉ còn hai bộ (không tính bộ Cánh diều).

Lớp 2: Bốn bộ còn hai….

Trước tiên cần nhắc lại, trong đợt tập huấn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, chỉ có hai bộ sách được giới thiệu, gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”, đều của Nhà xuất bản Giáo dục. Nhà xuất bản này còn hai bộ sách khác, gồm “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, nhưng không hiểu vì sao không thấy giới thiệu.

Trong quyết định ban hành danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cũng không thấy hai bộ sách này. Sau khi hai bộ sách (trong tổng số 4 bộ) của Nhà xuất bản Giáo dục đột nhiên “biến mất”, dư luận trong ngành đang có những đồn đoán, nhận định khác nhau.

Có thông tin nói rằng, hai bộ sách “không xuất hiện” đã được “sáp nhập” vào hai bộ sách được chọn. Ðiều này khó thuyết phục, vì không thể có chuyện sáp nhập hai bộ sách này vào hai bộ sách khác. Một luồng thông tin khác nêu giải thuyết, hai bộ sách bị loại bỏ vì thị phần nhỏ, nói cách khác, ít trường dùng, sau khi triển khai ở lớp 1, do hiệu quả kinh tế thấp...

Sau khi có thắc mắc của dư luận cả trong và ngoài ngành, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục lên tiếng giải thích: Từ lớp 2 trở đi, tức kể từ năm học 2021-2022, Nhà xuất bản giáo dục chỉ có hai bộ sách SGK. Hai bộ sách (bị loại bỏ, tạm gọi như vậy) sẽ được tích hợp vào hai bộ sách khác. Cụ thể, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” được hợp nhất với bộ “Cùng học để phát triển năng lực”. Bộ sách thứ hai được hợp nhất từ bộ “Chân trời sáng tạo” với bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.

Sau hợp nhất, hai bộ SGK có tên là “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Mục tiêu hợp nhất, theo giải thích, nhằm tập trung nguồn lực, cả về con người cũng như tài chính để đầu tư cho công tác biên soạn SGK, tiết giảm tối đa chi phí nhưng vẫn có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành.

Ðại diện Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định, việc hợp nhất này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc dạy, học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK. Vì, mỗi bộ SGK đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do đó, dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều đạt chuẩn tối thiểu đối với học sinh lớp 1. Mặt khác, 4 bộ SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của nhà xuất bản trong việc biên soạn SGK.

Việc hợp nhất được liên thông chặt chẽ về kiến thức, do đó, ở lớp 1, dù giáo viên và học sinh sử dụng bộ SGK nào, đến lớp 2, giáo viên và học sinh đều có thể lựa chọn SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” hoặc “Chân trời sáng tạo”.

Ðối với học sinh lớp 1 năm năm học 2021-2022, các địa phương tiếp tục sử dụng một trong hai bộ sách SGK “Cùng học để phát triển năng lực” hoặc “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tái bản, bảo đảm phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu.

Lớp 1 vẫn giữ nguyên

Sau khi những thông tin nêu trên được công bố rộng rãi, một số cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh “thận trọng nhưng mạnh dạn” có ý kiến về việc “sáp nhập” SGK.

 “Năm bộ sách giáo khoa của năm học này, gồm cả bộ Cánh diều vẫn xuất bản bình thường đối với lớp 1, không bỏ đâu, chỉ từ lớp 2 trở đi mới còn hai bộ để dễ lựa chọn”- một vị phó trưởng phòng giáo dục phân tích.

Người này cho biết tiếp, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trong cả nước có 5 bộ SGK khác nhau để lựa chọn. Nhưng kể từ lớp 2, năm học 2021-2022 trở đi, học sinh chỉ còn học hai bộ sách còn lại. Một câu hỏi được đặt ra, học sinh lớp 1 của năm học này (2020- 2021) học sách khác nhưng khi lên lớp 2 (2021-2022) không còn học hai bộ sách kia nữa, tức tính nối tiếp không còn thì có ảnh hưởng gì không? Theo ý kiến của vị phó trưởng phòng, các bộ sách tuy khác nhau về cách viết, cách trình bày bài học nhưng lại chung một chuẩn chương trình, do đó, không ảnh hưởng gì nhiều đến chuyện học và dạy.

“Thực ra, không có chuyện gom bốn bộ sách còn hai đâu. Việc sáp nhập ở đây là sáp nhập về con người, tức đội ngũ biên soạn sách cùng các yếu tố khác liên quan như tài chính, xuất bản”- vị lãnh đạo phân tích. Ðằng sau việc rút bốn bộ sách còn hai (kể từ lớp 2 trở đi) là gì, tại sao lại như vậy? “Tôi không thể biết được người ta tính toán như thế nào, đó là việc của nhà xuất bản.

Nhưng theo chủ quan của tôi, có lẽ sau gần một năm học triển khai sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới, việc có đến 5 bộ sách giáo khoa khác nhau sẽ khiến cơ sở giáo dục, địa phương khó khăn trong việc chọn sách. Không trường nào, giáo viên nào đọc hết được 5 bộ sách đâu”- người này nêu nhận định.

Vị lãnh đạo cho biết thêm, việc chọn sách cho năm học 2021-2022 được căn cứ vào Thông tư 25 (ban hành năm 2020). Năm học 2021-2022, nếu nhà trường vẫn chọn bộ sách giáo khoa như năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 của năm học này vẫn học bình thường. Gia đình nào có hai con, cháu học sau vẫn dùng được bộ sách của cháu học trước. Tuy nhiên, Thông tư 25 cũng không có điều khoản nào bắt buộc một trường chỉ chọn một bộ sách.

“Tôi nghĩ các cơ quan báo chí phải tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân, phụ huynh hiểu đúng về sự thay đổi nêu trên”- người này nói.

Ý kiến khác, đến từ một chuyên viên phụ trách chuyên môn cấp tiểu học, người này cho biết, đối với lớp 1, cả bốn bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tiếp tục tồn tại. Cách đây ít ngày, trong một cuộc họp, nhiều người trong ngành nhận được khuyến cáo rằng, năm học 2021-2022, trường nào đã sử dụng bộ sách nào thì tiếp tục chọn bộ sách đó cho học sinh học, không nên thay đổi. “Nếu thay đổi, dư luận sẽ không khỏi bàn tán, phụ huynh cũng băn khoăn vì phải mua sách mới, mặc dù không có quy định nào bắt buộc phải tiếp tục sử dụng bộ sách đã dùng trước đó”- ý kiến nêu.

Ý kiến thứ ba (của một cán bộ đang làm công tác quản lý) bình luận, việc học sinh lớp 1 học sách này, lớp 2 học sách khác, dù chung một chuẩn chương trình nhưng mỗi bộ sách vẫn có sự khác nhau tương đối.

Ðối với bốn bộ sách tiếp tục được sử dụng ở lớp 1, liệu hai bộ đã “sáp nhập” sẽ tồn tại được bao lâu? Theo ý kiến của vị này, khó có thể đoán định hai bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” tiếp tục được sử dụng ở lớp 1 trong bao lâu nữa. “Một lúc nào đó, nếu cơ sở giáo dục, cấp có thẩm quyền chọn sách giáo khoa không chọn hai bộ sách vừa nêu thì nó sẽ không còn”- người này nhìn nhận.

Tháng 1.2021, Báo Tây Ninh có đăng loạt bài về sách giáo khoa lớp 1 sau khi triển khai được một học kỳ. Trong những ý kiến được nêu trong loạt bài, có ý kiến của một hiệu trưởng cho rằng, không cần thiết phải có quá nhiều bộ sách. Vì, “nếu cung cấp về 5 bộ sách giáo khoa, nhà trường cũng không thể đọc kỹ nội dung của từng cuốn sách trong 5 bộ sách. Do đó, chương trình cho phép có nhiều bộ sách nhưng tôi cho rằng chỉ cần có khoảng hai đến ba bộ để nhà trường chọn là đủ”.

Ðôi lời

Ðến thời điểm hiện nay, chương trình và sách giáo khoa mới chỉ mới triển khai chưa tròn một năm học. Nhưng rõ ràng là đã xảy ra nhiều điều không trông đợi. Chuyện sai sót trong sách giáo khoa, như đã đề cập nhiều lần, là có thật nhưng không lớn, không đến mức nghiêm trọng như dư luận bàn tán, âu lo.

Tuy nhiên, ở diễn biến mới nhất, từ 5 bộ sách được phê duyệt, năm học tới chỉ còn có 3 bộ, cho thấy xã hội hoá sách giáo khoa không phải không có những mặt trái. Tại lễ tổng kết năm học 2019-2020, trong báo cáo chính thức, Bộ GD&ÐT có nêu, chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) phá tan thế độc quyền về xuất bản sách giáo khoa vốn tồn tại từ hàng chục năm qua.

Tại thời điểm đó, nhận định của Bộ GD&ÐT hoàn toàn đúng và cho đến nay vẫn đúng. Nhưng có một sự thật khác, khi doanh nghiệp, nhà xuất bản làm sách giáo khoa bằng vốn của mình, không dùng ngân sách, họ luôn tối ưu hoá lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh bằng nhiều cách.

Một trong số đó là, họ cho xuất bản nhiều bộ sách khác nhau (cụ thể là 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục) để xã hội lựa chọn. Có người ví, việc một nhà xuất bản cho ra đời bốn bộ sách khác nhau (được phê duyệt) triển khai theo chương trình phổ thông mới là chiến thuật “giăng lưới”, có nghĩa, nhà trường, học sinh không chọn bộ này sẽ chọn bộ khác, đường nào cũng sử dụng sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, có vẻ như doanh nghiệp không lường được hoặc biết nhưng vẫn làm, rằng, hai trong bốn bộ sách của họ ít được nhà trường chọn, nói cách khác, mức độ tiêu thụ hàng hoá thấp, tiếp tục xuất bản sẽ gặp thách thức về tính hiệu quả.

Trao đổi với báo giới (phần đầu bài viết) của đại diện nhà xuất bản đã chứng minh cho nhận định vừa nêu. Sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông không giống như những mặt hàng tiêu dùng thông thường khác. Dưới bất kỳ góc nhìn nào, việc học sinh lớp 1 học sách này nhưng lên lớp 2 học sách khác (thiếu sự tiếp nối) khó có thể coi là bình thường.

Cho dù chung một chương trình, sách giáo khoa cụ thể hoá chương trình, mục tiêu giáo dục, song mỗi bộ sách vẫn có sự khác nhau nhất định. Nếu giống như khuôn đúc, việc gì phải xuất bản 5 bộ sách khác nhau? Năm học tới, giáo viên, học sinh sẽ gặp không ít khó khăn, bất tiện vì sự thay đổi đột ngột này.

Việt Ðông