Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bluezone đạt 20,2 triệu lượt tải, tăng gần 20 triệu lượt so với cuối tháng 7.
Theo thống kê của kho ứng dụng CH Play cho điện thoại Android, Bluezone đạt trên 10 triệu lượt tải. Trên cả hai kho ứng dụng dành cho Android và iOS, ứng dụng truy vết của Việt Nam liên tục giữ vị trí được tải về nhiều nhất trong suốt ba tuần qua.
Ứng dụng Bluezone.
Hà Nội và TP HCM có số người sử dụng Bluezone nhiều nhất, cùng đạt khoảng 2,4 triệu. Ngoài ra, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương cũng là những tỉnh thành có số người sử dụng Bluezone trong top đầu cả nước với số lượng người dùng từ 371 nghìn đến 456 nghìn lượt.
Các đơn vị phát triển đặt mục tiêu, ứng dụng đạt 45 - 50 triệu người dùng. Theo các chuyên gia, Bluezone cần đạt tối thiểu 30 triệu người dùng tại Việt Nam mới phát huy tác dụng.
Thời gian qua, người dùng di động trong nước liên tục nhận được lời kêu gọi cài đặt Bluezone từ các nhà mạng. Nhiều địa phương đã cử người đến từng nhà hỗ trợ người dân cài và sử dụng ứng dụng. Bộ Y tế đang đề nghị các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, cơ sở công cộng tuyên truyền, vận động khách ra vào sử dụng Bluezone. Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ứng dụng này đã giúp tìm ra 1.391 trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm ngoài danh sách truy vết truyền thống.
Nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn băn khoăn khi cài Bluezone, do lo ngại tốn pin và lộ thông tin cá nhân. Đơn vị phát triển cho biết, ứng dụng này sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp để phát hiện tiếp xúc, nên hạn chế tối đa việc hao pin khi sử dụng.
Dữ liệu lịch sử tiếp xúc được lưu trên máy điện thoại của người dùng và chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý. Ngoài ra, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, cho biết, Bluezone không lưu vị trí địa điểm, không sử dụng hoặc truy cập đến các thông tin khác trên điện thoại di động của người dùng.
Khi có ca nhiễm Covid-19 bất kỳ cơ quan y tế sẽ hỏi người đó có cài Bluezone trên điện thoại hay không và có đồng ý chia sẻ mã Bluezone không. Sau đó, nhật ký tiếp xúc trên điện thoại của bệnh nhân mới được đưa lên hệ thống và tự động so sánh với nhật ký tiếp xúc của những người dùng Bluezone khác tại Việt Nam. Nếu xuất hiện các ghi nhận trùng khớp, hệ thống sẽ xác nhận ai đã tiếp xúc với bệnh nhân, từ đó biết các F1, F2 tương ứng.
Nguồn VNE