Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bỏ biên chế giáo viên: Nhà trường không thể biến thành doanh nghiệp
Thứ ba: 14:26 ngày 06/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Tôi nghĩ rằng làm giáo dục không bao giờ được thương mại hóa, nhà trường không bao giờ là doanh nghiệp được. Bởi lẽ, nhà giáo có sứ mệnh cao cả là đào tạo con người, giáo dục nhân cách”, GS Phạm Minh Hạc cho hay.

Vừa qua tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.

Thông tin này vẫn đang làm nóng dư luận những ngày qua. Nhiều giáo viên lo lắng, chuyển sang chế độ hợp đồng quyền lợi của họ không được đảm bảo, nhất là khi hiệu trưởng lộng quyền như những “ông vua con”.

Bỏ biên chế giáo viên: Nhà trường không thể biến thành doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh cho hay: “Tôi ủng hộ chủ trương đổi mới, không tuyển giáo viên vào biên chế. Tuy nhiên, để làm được điều đó không hề dễ, chúng ta cần phải có những tính toán kỹ lưỡng.

Bỏ biên chế thay vào đó là chế độ hợp đồng tức là sử dụng quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng đội ngũ giáo viên. Như chúng ta đã biết, hiệu trưởng hay hiệu phó hay trưởng và phó phòng giáo dục cũng xuất phát điểm là những giáo viên giỏi, chuyên môn tốt, có uy tín nên được đề bạt lên.

Vì thế, khi tiến hành bỏ biên chế, nên bỏ từ những người đứng đầu cơ sở giáo dục như hiệu trưởng, hiệu phó trước. Bên cạnh đó, họ là người tiên quyết và quyết định sự phát triển của nhà trường nên hợp đồng của họ phải khắt khe hơn”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: “Hiện nay chúng ta mới chỉ quen với tự chủ đại học là để các trường tự chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến cơ sở của mình chứ chưa hề nhắc đến tự chủ phổ thông.

Tôi chỉ băn khoăn một điều duy nhất: Nếu bỏ biên chế và chuyển sang chế độ hợp đồng thì đương nhiên phải có người đứng đầu có thẩm quyền ký hay chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên. Khả năng lớn là các hiệu trưởng sẽ là người có quyền ký hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên của mình. Vì thế, câu chuyện giáo viên lo sợ hiệu trưởng lộng quyền là có sơ sở.

Nếu hiệu trưởng điều hành, ký hợp đồng rồi sa thải thì thầy giáo chỉ là người đi làm thuê không hơn không kém. Vậy sứ mệnh trồng người ở đâu? Theo quan điểm của tôi, bỏ biên chế là câu chuyện phải tính toán kỹ, ít nhất là thời điểm này mà áp dụng ở nước ta thì không ổn.

Tôi nghĩ rằng làm giáo dục không bao giờ được thương mại hóa, nhà trường không bao giờ là doanh nghiệp được. Bởi lẽ, nhà giáo có sứ mệnh cao cả là đào tạo con người, giáo dục nhân cách”.

Đồng tình với quan điểm trên, một giáo viên tiểu học cho hay: “Không biết Bộ GD&ĐT đã tính đến chuyện bỏ biên chế thì sẽ không còn giáo viên nào tình nguyện về các khu kinh tế mới, vùng núi xa xôi, hẻo lánh?

Đương nhiên sẽ không còn giáo viên mặn mà với trẻ em vùng cao khi mà hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa phát triển. Qua phương tiện thông tin đại chúng, chẳng khó gì để ta bắt gặp hình ảnh những giáo viên lội bùn đến trường hay giáo viên phải vượt núi, băng rừng đi “gieo chữ”.

Điều mà họ còn mặn mà với trẻ vùng cao là biên chế. Giờ xóa biên chế, thử hỏi ai sẽ “cõng chữ trên lưng”? Trong khi đó, chế độ đãi ngộ với giáo viên hiện nay cũng còn quá eo hẹp, nhiều giáo viên vẫn chưa sống được bằng lương của mình mà vẫn phải làm thêm nhiều nghề khác.

Đó là chưa kể, nếu giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục thì hiệu trưởng sẽ nắm quyền, sẽ thành “vua một cõi” là câu chuyện không phải bàn cãi. Ai có thể đảm bảo hiệu trưởng không mang cả họ nhà mình đến trường và ký hợp đồng?

Thử hỏi, lúc ấy chất lượng giáo dục đi đâu và về đâu đã có ai tính đến chưa?”.

Nguồn Infonet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục