Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bỏ chấm điểm tiểu học, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Thứ năm: 06:23 ngày 02/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng....

TS Phạm Ngọc Định – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã trả lời các câu hỏi thắc mắc, lo lắng, cùng những khó khăn của các thầy cô giáo về việc đánh giá học sinh tiểu học không chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét.

Không chờ đến 15-10, thực hiện ngay

Trước câu hỏi Tại sao lại thực hiện Thông tư 30 và làm như thế nào? Sau khi hỏi ý kiến của các thầy cô tham gia tập huấn sau một ngày rưỡi, ông Phạm Ngọc Định cho biết, thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới căn bản giáo dục, khâu đột phá mà Bộ Giáo dục lựa chọn là đổi mới về kiểm tra đánh giá. Thứ hai là trước thực tiễn về đánh giá hiện nay còn gì tồn đọng.

TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học giải thích thắc mắc, lo lắng của thầy cô giáo tham gia tập huấn Nâng cao năng lực về đánh giá học sinh tiểu học. Ảnh: Hồng Nhung

Ông Phạm Ngọc Định lấy thí dụ về việc học sinh lớp 5 tự tử vì điểm, thực tế là có. Nhiều gia đình, nhiều phụ huynh có con đi học chịu áp lực về điểm, và nhiều cái khác nữa, rồi từ cách đánh giá cũ đến cách dạy hiện nay như thế nào. Đó là về mặt thực tiễn.

Từ thực tiễn đó để thấy Thông tư 30 có tính ưu việt như thế nào để giải quyết vấn đề này.

Về quan niệm đánh giá theo Thông tư 30 có gì mới hơn quan niệm đánh giá cũ (Thông tư 32), ông Phạm Ngọc Định cho biết, trước đây hiểu về đánh giá chủ yếu là ghi nhận hay xác nhận kết quả học tập cuối cùng của học sinh. Theo đánh giá thường xuyên một tháng có 4 kì kiểm tra, những bài đó cũng chỉ là ghi lại, xác nhận kết quả cuối cùng của học sinh, cuối kì cũng vậy.

Điểm mới của Thông tư 30 là ngoài việc xác nhận còn có điều quan trọng hợn, là xem quá trình học sinh làm ra kết quả đó như thế nào, đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Như đánh giá trước đây cho điểm, thầy cô cho em nào được 8 là 8, em nào được 9 là 9, là xong, còn bây giờ thì phải tư vấn, hướng dẫn học sinh. Như vậy, phải xem quá trình học sinh học kiến thức như thế nào, học sinh vận dụng kiến thức mới như thế nào.

Ông Phạm Ngọc Định cũng nhấn mạnh: “Không máy móc, không chờ đến 15/10 mà thực hiện ngay” thông tư 30. Vấn đề là phải “sáng tạo, không máy móc”.

Nơi đô thị lớn thì đánh giá tốt, nhỏ hơn thì đánh giá khá, có nơi đánh giá trung bình, nhưng cũng có nơi không biết thế nào là đánh giá....

Nhiều giáo viên lo lắng không dùng điểm số thì không có sức ép cho học sinh làm cho chất lượng không cao, ông Phạm Ngọc Định lý giải, một người say sưa với công việc và thích công việc đó, người ta sáng tạo với công việc đó, và người ta không cần có bằng khen, không có cần vật chất gì. Thứ hai, nếu anh làm tốt như thế mà được tăng lương thì càng phấn khởi hơn. Người ta có cần bằng khen đâu, nhưng giá như có thêm cái bằng khen nữa quả là một động viên lớn.

Như vậy, để khuyến khích người ta làm việc, bây giờ vận dụng vào giáo dục. Người ta chỉ ra một người học sinh có 2 động cơ là động cơ bên trong và động cơ bên ngoài.

Động cơ bên trong để khuyến khích học sinh học, để phát triển năng lực phẩm chất thì đó là cái gì. Đó chính là nội dung học tập, học sinh hiểu được nó thích, nó cảm nhận đuợc nội dung đó vô cùng giá trị, nó say sưa tìm hiểu, nó học được cái đó. Chính nhờ nội dung đó mà, mỗi học sinh phát triển được năng lực phẩm chất ngày một tiến bộ. Thông tư này giải quyết động cơ bên trọng.

Động cơ bên ngoài đó chính là phần thưởng, phần thưởng để kích thích làm cho động cơ bên trong làm tốt hơn nữa. Vậy thì nếu tôi cho điểm 10 thì đó cũng là phần thưởng với học sinh, nếu bây giờ tôi cho 1 bông hoa thì cũng là phần thưởng, bố mẹ cho 1 cuộc đi chơi nếu con học tốt thì đấy cũng là phần thưởng để kích thích, chứ không phải bản chất để phát triển năng lực của học sinh.

Giáo dục cần động cơ số 1 (bên trọng), giáo dục để thay đổi nâng cao chất lượng. Hiện nay, chúng ta vẫn còn chưa hiểu rõ, học sinh đi học vì phần thưởng, vì bố mẹ, ông bà, chứ không phải học để phát triển chính mình. Thông tư này giải quyết vấn đề không xếp loại không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, để mỗi một học sinh phát triển từng ngày, tiến bộ hơn.

Không đánh giá hình thức ghi cho đủ

Với việc dạy 700 học sinh thì đánh giá như thế nào, ông Phạm Ngọc Định cho biết, về nguyên tắc giáo viên dạy 1000 học sinh cũng phải đánh giá 1000 học sinh. Đánh giá liên quan đến nhiệm vụ của giáo viên, còn chế độ lại là vấn đề khác. Thực tế có nhiều giáo viên không biết học sinh, không có tình cảm, quan tâm giúp đỡ cũng không. Lần này quan trọng là thay đổi đầu chúng ta, thay đổi nhận thức là bước khó, khó nhưng vẫn phải làm.

Đừng cố ấn "chiếc chìa khóa" vào bộ não học sinh.

Mỗi học sinh là một sự khác biệt, còn người phụ đạo kém là người chỉ dùng một "chiếc chìa khóa" để mở bộ não, khi không mở được lại tìm cách cố ấn cho ra.

Giáo viên vào lớp thì phải quan tâm đến từng học sinh, đánh giá có thể bằng lời trực tiếp hoặc bằng lời viết ra. Đánh giá những điểm nổi bất nhất của học sinh, không phải là cho học sinh, phụ huynh xem mà giúp cho chính giáo viên. Ví dụ học sinh học mĩ thuật xuất sắc thì phải có biện pháp gì để giúp đỡ các em, sau 1 tháng, 2 tháng học sinh đó phát triển như thế nào. Giáo viên giở sổ ra là có thể biết.

Tuy nhiên, đánh giá không cần hình thức ghi cho đủ, phải đánh giá nhưng không hình thức, việc ghi không phải nhất nhất 700 học sinh phải ghi cả tháng, nhưng phải giải thích được khi cần.

Về việc ghi nhận xét, với giáo viên dạy 700 học sinh đưa ra nhận xét sợ trùng nhau, không cẩn thận nhàm chán, ông Phạm Ngọc Đinh lí giải rằng: Mỗi học sinh trong quá trình học một bài học có kết quả khác nhau. Bản thân người nhận xét phải căn cứ vào kết quả học tập của học sinh để nhận xét.

Căn cứ vào bài học của học sinh đối chiếu với chuẩn kiến thức, kĩ năng, giữa bài làm của học sinh với mục tiêu đó sẽ có lời nhận xét. Lời nhận xét của giáo viên với cùng một học sinh lại có cách diễn đạt khác nhau. Có những thầy cô đưa ra lời nhận xét rất hay, có thầy cô chưa hay, nguyên nhân là ở năng lực của giáo viên. Do đó, giáo viên trong quá trình thực hiện, giữa các nhóm, các bộ môn có sự trao đổi với nhau, học tập nhau.

Các câu hỏi được ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học trả lời trong buổi tổng kết Tập huấn Nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/TT-BGDĐT về Ban hành Quy định đánh giá học sinh Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28-8-2014.

Đợt tập huấn diễn ra trong hai ngày từ ngày 30 đến 1-10-2014 với sự tham gia của các thầy cô giáo đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước.

Nguồn Giáo Dục Việt Nam

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục