BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Công thương: Năm 2013 sản xuất công nghiệp có sự hồi phục, xuất nhập khẩu tăng mạnh

Cập nhật ngày: 11/01/2014 - 09:08

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Tây Ninh

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2013, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5%; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp, chế tạo 11 tháng năm 2013 tăng 9,2%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so cùng kỳ.

Năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã có gần 500 kế hoạch, phương án kiểm tra được xây dựng và triển khai, trong đó phát hiện loại hình hoạt động mới là kinh doanh hàng hoá có thông tin vi phạm chủ quyền quốc gia, đã xử lý gần 80.000 vụ vi phạm trên các lĩnh vực, tổng số tiền phạt trên 350 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (10%), lần đầu tiên, xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt trên 1 tỷ đồng. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là xuất nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6% (2012 giảm 7,8%). Ngoài ra, năm 2013 tiếp tục là năm hội nhập kinh tế sôi động, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), tăng cường hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế khác.

Nhìn chung, thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung, cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã từng bước tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng hàng Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu lên được những hạn chế cần khắc phục như: mặc dù hệ thống bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ có tăng trưởng nhưng còn thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012; công tác kiểm soát thị trường trong nước tuy được tăng cường nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài; giá trị sản xuất công nghiệp tuy có tăng so với 2012 nhưng còn ở mức chưa cao như mục tiêu đề ra... Để khắc phục hạn chế, năm 2014 tiếp tục phát triển thị trường trong nước gắn với kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo; liên kết giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hoá, giúp người sản xuất và doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, góp phần thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của ngành công thương trong năm 2013, mong rằng năm 2014, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục có hiệu quả những tồn tại yếu kém để việc phát triển bền vững hơn. Thủ tướng đồng tình với bản báo cáo của Bộ nhưng chỉ ra những hạn chế như: nền kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; kinh tế trong năm có tăng nhưng còn chậm; đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng chỉ đạo: Ngành công thương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Bộ, của ngành, đề ra cơ chế, thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là nhiệm vụ quan trọng Bộ cần chú ý thực hiện; đảm bảo cung, cầu đi liền với giá thị trường, có cạnh tranh, các thông tin phải công khai, minh bạch; sản xuất quyết định ở thị trường, vì thế cần mở rộng thị trường trong nước với 70% dân số sống ở nông thôn, đưa hàng hoá đến vùng sâu, vùng xa, nhân rộng việc thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thị trường này phát triển sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước; mở rộng thị trường với nhiều lĩnh vực khác nhau, cách làm khác nhau, nhằm thu hút người dân. Song song với thị trường trong nước, Bộ cần tận dụng những hình thức thương mại đa phương, song phương; khai thác những hiệp định đang có; hiệp hội, doanh nghiệp cũng phải tìm đối tác nước ngoài để tìm thị trường xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường để việc chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả; phải tái cơ cấu lại những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tái cơ cấu là cổ phần hoá, những tổng công ty đã cổ phần hoá vẫn cần xem lại để giảm bớt cổ phần của Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty còn lại phải khẩn trương thực hiện cổ phần hoá theo quy định.

DUY ĐỨC

 

 


 
Liên kết hữu ích