Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Bồ đề và thốt nốt
Thứ sáu: 08:21 ngày 13/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những túm lá bên dưới đã khô xác và rủ xuống. Nhưng những tàu lá phía trên vẫn mởn mơ xanh. Và giữa những gốc lá vẫn chi chít những chùm trái màu nâu tím. Già làng giải thích: Cây thốt nốt sống được thế là nhờ những gốc bồ đề vấn vít bao bọc chung quanh.

Ðang vào giữa tháng 4, tháng nóng nhất trong năm ở Tây Ninh. Trên bản đồ dự báo thời tiết, đất miền Ðông thường có màu vàng cam nóng sốt… Nhiệt độ không khí lên tới 37oC là chuyện thường ngày. Vậy mà, tiếng trống nhạc ở mỗi thôn ấp có người Khmer sinh sống vẫn bừng sôi. Tết mà! Chol Chnam Thmay năm nay bắt đầu từ ngày 14 đến hết 16.4.

Ấy thế mà ngày 9.4 tôi đã được theo chân đoàn lãnh đạo tỉnh đi chúc mừng năm mới Khmer ở chùa Phụm Ma, miền biên giới Châu Thành. Chùa ở ấp Thành Tân, xã Thành Long, nhưng nếu muốn tới được phải đi nhờ đường qua ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội. Từ trục đường liên xã đã được trải bê tông nhựa, còn phải theo con đường sỏi đỏ lởm khởm đi vào 3-4 cây số nữa.

Ðất cũ, nhưng chùa mới. Nổi bật hai màu vàng, đỏ là ngôi chùa Nam Tông mới khánh thành vào tháng 3, kịp cho bà con đón tết. Nhưng, người lại vắng hoe. Thì còn chưa tới tết mà! Già làng Mơ Dốp bảo thế. Bữa nay chỉ có nhà sư và vài chục bà con cao tuổi đến đón đoàn tới thăm. Mới hơn 9 giờ mà đã nắng chang chang, da trời ngắt xanh không một gợn mây. Và trên khu vườn bao quanh chùa um tùm cây cối, vẫn kiêu hãnh nhô lên vài tán cây thốt nốt.

Tha thẩn thăm vườn chùa, tôi gặp lại những gốc xoài cổ thụ tuổi tác quá trăm năm. Trái xoài mút rụng đầy dưới gốc. Trái còn xanh hay đã chín vàng, nhưng mấy đứa trẻ đã không thèm ăn nữa. Dù ngày xưa, nó đã từng là món khoái khẩu của lớp người như Mơ Dốp khi còn là trẻ em.

Ông năm nay đã ở tuổi 83. Già làng bảo, đến cả trái thốt nốt nay cũng không có người thu hái nữa. Mà ngày xưa, ông từng là một tay leo hái thốt nốt giỏi giang, ngoài việc hái trái, ông còn giỏi việc lấy nước buồng hoa về làm đường thốt nốt. Ngày làm nhiều, được tới 20 ký.

Thấy tôi ngửa cổ nhìn lên ngọn một cây thốt nốt già nua cao vút gần cổng vào chùa, già làng Mơ Dốp kể: Ðấy là cây có tuổi cùng với chùa xưa và cả những cây xoài cổ thụ. Những túm lá bên dưới đã khô xác và rủ xuống. Nhưng những tàu lá phía trên vẫn mởn mơ xanh. Và giữa những gốc lá vẫn chi chít những chùm trái màu nâu tím. Già làng giải thích: Cây thốt nốt sống được thế là nhờ những gốc bồ đề vấn vít bao bọc chung quanh.

Quả nhiên, phần dưới cây thốt nốt đã có một (hoặc vài) cây bồ đề ôm lấy. Bồ đề cũng vươn ra những lá cành làm cho cụm cây cộng sinh này thêm phần duyên dáng. Những tán lá bồ đề rủ buông ở tầm thấp hơn như một đám mây lành. Có cảm giác như bồ đề quyết bảo vệ, không cho cây thốt nốt già nua sụm xuống.

Tôi từng thấy những cụm cây cộng sinh bồ đề - thốt nốt ở nhiều nơi. Như ở chùa Khedol của thành phố Tây Ninh. Những hạt trái bồ đề theo gió bay đi, đậu lại trên nách lá thốt nốt rồi mọc thành cây. Còn ở mãi trên miền biên giới, lẽ nào gió cũng đưa hạt cây bồ đề tới đây. Mà chúng lại chọn điểm rơi đúng vào cây thốt nốt?

Ký ức lại đưa già làng Mơ Dốp nhớ về những ngày xưa xa lắc. Từ thời giặc Pháp tới đốt chùa, miền đất này đã có bộ đội của “Ông Tà” Ngô Thất Sơn về lãnh đạo cả người Việt lẫn người Khmer đánh Pháp. Qua thời chống Mỹ, cứ cách mạng đi đâu, người Khmer theo tới đấy.

Ðến thời chống giặc Pol Pot lại tạm tản cư vào sâu trong nội địa, ở Khedol dưới bóng núi Bà. Vậy mà cũng đến năm 1985 mới lại trở về ấp cũ làm ăn trên đống hoang tàn đổ nát. Mối tình đoàn kết, chở che giữa người với người của hai dân tộc cứ ngày một xanh thêm như cụm cây cộng sinh thốt nốt - bồ đề…

Viết tới đây chợt nhớ ra. Rằng miền đất này cách nay trên 150 năm cũng là miền đất của liên quân Trương Quyền - Pu-kom-pô chọn làm căn cứ đánh quân xâm lược Pháp. Nhưng trận chiến thắng vang dội nhất là vào năm 1866.

Vậy nên, giáo sư Trần Văn Giàu, trong tác phẩm Chống xâm lăng đã có những câu sau: “Nhà lãnh tụ trẻ tuổi Trương Quyền xứng đáng với cha (Trương Ðịnh) cũng xứng đáng với dân tộc: người đã chà đạp lên bao thành kiến cũ kỹ lỗi thời phản động, để bắt tay với dân tộc láng giềng, không nề phơi thây trên chiến trường ngoài tổ quốc…

Dòng máu Trương Quyền và bè bạn rửa sạch những mối hiềm thù do triều đình Huế gây nên, gắn chặt tình thân thiện giữa Việt - Khmer huynh đệ mà sau này quân Tình nguyện của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã anh dũng phát huy”.

Gió vẫn thì thầm kể chuyện gì nữa kia, trên những tán cây xanh thốt nốt với bồ đề?

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục