Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 06/03/2017 - 20:30

BTNO - Ngày 6.3, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do bà Lý Thị Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh về về quá trình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn, giai đoạn 2011-2016.

* Tại Trảng Bàng, cùng làm việc với đoàn có ông Phạm Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh, ông Nguyễn Thành Tiễn- Phó chủ tịch UBND huyện.

Bà Lý Thị Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện Đề án, công tác phổ cập giáo dục mầm non tại huyện Trảng Bàng đã có bước phát triển nhanh về quy mô trường lớp, số lượng trẻ. Đến nay, toàn huyện có 13 trường mầm non- mẫu giáo, trong đó có 2 trường mầm non tư thục và 25 nhóm trẻ ở các xã/thị trấn. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt trên 99,3%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 99,8%. 

Toàn huyện có 391giáo viên dạy lớp 5 tuổi, đảm bảo đủ số lượng theo quy định, trong đó 100% giáo viên có trình độ đạt và trên chuẩn. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã xây dựng 155 phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh. Trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được đầu tư đầy đủ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phát triển giáo dục mầm non của huyện…

Cũng theo báo cáo, tổng ngân sách chi cho giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2016 của huyện là hơn 121,3 tỷ đồng, trong đó huy động các nguồn xã hội hóa trên 4 tỷ đồng. Năm 2016 huyện đầu tư thêm hơn 19,4 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn là 2/13 trường.

Tính đến tháng 12.2016, Trảng Bàng có 11/11xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.

Học sinh Trường mầm non Trảng Bàng trong giờ ra chơi- Ảnh minh hoạ

Đánh giá cao những nỗ lực của huyện Trảng Bàng trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tại buổi làm việc, thay mặt đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, Phó Vụ trưởng Lý Thị Hằng công nhận huyện Trảng Bàng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ thời điểm tháng 12.2016.

Tiếp thu ý kiến Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng Nguyễn Thành Tiễn đề nghị các cấp, ngành huyện cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; rà soát và có lộ trình bổ sung giáo viên, nhân viên theo đúng quy định; chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho trẻ và giáo viên.

Đồng thời, giao Phòng GD&ĐT tích cực phối hợp với các ban, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi tại địa phương.

* Cũng trong ngày 6.3, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại huyện Tân Châu kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn huyện.

Đoàn kiểm tra thực tế tại Trường Mầm non Suối Ngô.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Tân Châu cho biết, tính đến cuối năm 2016, huyện Tân Châu có 12/12 xã/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Mạng lưới trường lớp mầm non, mẫu giáo rộng khắp ở các xã/thị trấn trong huyện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Năm học 2015-2016, toàn huyện có 18 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 17 trường công lập, 1 trường tư thục; đến nay có 3 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, trẻ mẫu giáo học bán trú 2 buổi/ngày hàng năm đều tăng. Tổng số nhóm lớp học 2 buổi/ngày là 126 lớp với 3.970 trẻ; trong đó nhóm lớp bán trú là 85 lớp với trên 2.600 trẻ; 100% cán bộ giáo viên công lập đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm 39,1%.

Các trường thực hiện tốt việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định, 100% trẻ ra lớp tại các trường được theo dõi sự tăng trưởng để thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân cho trẻ, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng, suy dinh dưỡng thể thấp còi hàng năm đều dưới 2%.

Giờ ăn của các cháu ở trường mầm non- Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, các địa phương đã huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng đồ chơi nhằm phục vụ tốt cho công tác phổ cập giáo dục mầm non.

Sau buổi làm việc với huyện Tân Châu, đoàn kiểm tra đã đi thực tế tại một số trường và hộ gia đình có trẻ trong độ tuổi phổ cập ở 2 xã Suối Ngô và Thạnh Đông.

Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Công Dụng- Chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD&ĐT, thành viên Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ Trung ương đánh giá cao những thành quả trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mà huyện Tân Châu đã đạt được. Đồng thời đề nghị huyện quy hoạch mạng lưới trường lớp cần phải có tầm nhìn xa hơn; có giải pháp, lộ trình bổ sung đội ngũ giáo viên cũng như bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; quan tâm bổ sung đồ dùng, đồ chơi ngoài trời nhằm phát triển thể chất cho trẻ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục cho phát triển giáo dục mầm non.

 Hiểu Sinh-Công Điều