Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
'Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chặt các trường lấy điểm sàn thấp'
Thứ ba: 19:26 ngày 30/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng trường đại học xác định mức điểm sàn thấp là tự xếp mình vào "đội hình" chất lượng thấp.

Sau khi Zing.vn đăng bài "Tăng điểm sàn sau 22/7, Bộ Giáo dục và trường nên xin lỗi thí sinh", câu chuyện nhiều trường đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức 12 điểm (tính cả điểm ưu tiên) một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận. Điều đó có nghĩa chỉ cần hơn 3 điểm một môn, thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học.

Liên quan vấn đề tự chủ tuyển sinh và xác định điểm sàn, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho hay Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với những trường có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào quá thấp.

Không yêu cầu giải trình điểm sàn dưới 14

- Một số tờ báo thông tin trường đại học xác định điểm sàn xét tuyển dưới mức 14 phải làm giải trình gửi Bộ GD&ĐT. Bộ có yêu cầu các trường giải trình hay phải tăng mức điểm sàn hay không?

- Trong các quy định hiện hành và trên thực tế, không có nội dung nào yêu cầu các trường đại học xác định điểm sàn xét tuyển dưới mức 14 phải làm giải trình với Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong hội nghị khối giáo dục đại học ngày 17/7 vừa qua và trong suốt quá trình quản lý, Bộ GD&ĐT luôn chỉ đạo, khuyến nghị các trường cần đảm bảo chất lượng, bao gồm cả chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra, theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Theo quy định hiện hành, các trường có quyền xác định điểm sàn xét tuyển, song Bộ GD&ĐT vẫn giám sát chặt chẽ quá trình này.

Đối với những trường đặt mức điểm sàn quá thấp, chúng tôi không yêu cầu phải tăng điểm sàn cụ thể bao nhiêu, vì điều đó phụ thuộc yêu cầu của ngành học, điều kiện tuyển sinh và chính sách chất lượng của mỗi trường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với những trường tuyển điểm sàn thấp.



TS Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn, đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống. Ảnh: T.T. 

- Cũng có ý kiến cho rằng điểm sàn thấp là mặt trái của tự chủ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT nghĩ sao về điều này?

- Trong điều kiện tự chủ đại học, khi luật đã quy định thẩm quyền xác định điểm sàn cho các trường, không có việc Bộ GD&ĐT cho hay không cho trường tuyển ở mức sàn nào đó.

Như trên đã nêu, Bộ GD&ĐT luôn theo sát tình hình để định hướng cho các trường và có những biện pháp quản lý phù hợp. Nếu chỉ phản ánh một chiều về điểm sàn thấp như mặt trái của quyền tự chủ tuyển sinh thì có nghĩa chỉ nhìn vào số ít để đánh giá cả hệ thống.

Bên cạnh việc không đồng tình với các trường xác định điểm sàn thấp cũng cần phải thấy được đa số trường trong hệ thống đang có xu hướng cạnh tranh, trong đó có nâng cao mức điểm sàn, để thu hút học sinh giỏi, khẳng định vị thế, uy tín của đơn vị mình với người học và xã hội. Vì vậy, năm nay, đa số trường đại học xác định điểm sàn từ 15 trở lên. Hơn 23% số lượt ngành được xác định điểm sàn từ 18-24.

- Như vậy, theo bà, trao quyền tự chủ cũng là góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các trường và thí sinh hưởng lợi?

- Đúng vậy, việc trao quyền tự chủ xác định điểm sàn tuyển sinh đã tạo ra xu hướng cạnh tranh giữa các trường trong cả hệ thống để ngày càng nhiều trường đặt mức điểm sàn cao.

Không như trước đây, khi bộ quy định điểm sàn, phần lớn trường đại học đều theo đó mà không cần chú trọng nhiều chất lượng tuyển sinh của trường mình.

Hiện nay, trao quyền tự chủ cho các trường đi cùng cơ chế minh bạch thông tin rõ ràng để người học lựa chọn. Điều đó cũng sẽ tác động tốt đến sự cạnh tranh của người học để vào các trường tốt, có thương hiệu.

Có chất lượng, uy tín mới có người học 

- Tại sao một số trường lấy điểm sàn quá thấp, chỉ hơn 3 điểm/môn, trong khi Bộ GD&ĐT và các chuyên gia nhiều lần khuyến cáo về yếu tố chất lượng?

- Một số trường khó tuyển sinh phải đưa ra mức điểm sàn thấp do chưa có bề dày uy tín để thu hút thí sinh. Trường đóng ở các địa bàn xa trung tâm, không hấp dẫn đối với người học. Mặt bằng điểm thi của thí sinh cũng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.

Các trường đều biết chất lượng là yếu tố cần thiết để tồn tại và phát triển trong điều kiện tự chủ đại học. Có chất lượng sẽ có uy tín, thương hiệu, từ đó mới có nhiều người học, nguồn thu tài chính và điều kiện để phát triển bền vững.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Đối với số ít trường xác định điểm sàn thấp, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ định hướng, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Đồng thời, bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn, đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.

- Bà có lời khuyên như thế nào với các trường để đảm tuyển sinh bảo chất lượng?

- Từ khi mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh để trường tự quyết định điểm sàn, các cơ sở đều ý thức rõ đây là một trong các yếu tố phản ánh chính sách chất lượng, để xây dựng thương hiệu, uy tín của mình.

Dư luận cũng nhiều lần thể hiện quan điểm nếu xác định mức điểm sàn thấp là tự xếp mình vào vị trí trường chất lượng thấp, bởi vì, sẽ rất khó khăn khi chất lượng đầu vào thấp nhưng vẫn đạt chất lượng đầu ra tốt.

Thực tế trong các năm qua, khi các trường phải công khai đề án tuyển sinh có đầy đủ thông tin cho người học theo quy định của quy chế tuyển sinh, phần lớn những trường lấy điểm sàn thấp đều có tỷ lệ tuyển sinh thấp. Có thể thấy hầu hết người học đã có thông tin để đánh giá, lựa chọn và chỉ tiêu tốn thời gian, học phí cho những trường xứng đáng.

Các trường đều biết chất lượng là yếu tố cần thiết để tồn tại và phát triển trong điều kiện tự chủ đại học. Có chất lượng sẽ có uy tín, thương hiệu, từ đó mới có nhiều người học, nguồn thu tài chính và điều kiện để phát triển bền vững.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - khẳng định xác định điểm sàn là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, ông cho rằng hạ điểm sàn quá thấp, tức là chính các trường đang hạ thấp uy tín của mình, vì "của rẻ mấy khi là của ngon".

Theo ông, trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018, nhiều trường, thường là đại học ở tỉnh với nguồn tuyển hạn hẹp, vẫn duy trì mức sàn thấp với mục đích tận dụng nguồn tuyển.

"Đây cũng là dấu hỏi với chất lượng đào tạo của các trường này. Chất lượng đầu vào thấp đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để nâng chất lượng đầu ra. Liệu các trường này có làm được không?", ông Vinh đặt câu hỏi.

Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ bày tỏ lãnh đạo trường cần có trách nhiệm với giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu thực sự có trách nhiệm họ có nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng. Việc chỉ tuyển sinh, đào tạo vì đồng tiền là không tốt.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục