BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ LĐTB&XH trả lời cử tri về việc điều chỉnh lương hưu

Cập nhật ngày: 15/02/2022 - 14:11

BTNO - Cử tri Tây Ninh có kiến nghị, về chế độ hưu trí theo quy định hiện hành thì trường hợp người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đủ 20 năm, sau đó tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc theo chức danh là cán bộ không chuyên trách cấp xã mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở. Đây là điều bất cập, đề nghị có quy định đối với trường hợp này mà lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bù băng mức lương cơ sở.

Về ý kiến này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trả lời: Ngày 7.7.2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLDTBXH ngày 29.12.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2021. Theo đó, tại khoản 17 Điều 1 quy định: “Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà có từ đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc không theo đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được áp dụng quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở”. Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri đã được thể hiện tại Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH nêu trên.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh Quảng Nam, Long An, Thái Bình, Hải Dương, Tây Ninh và Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ quan tâm sớm nâng lương cho cán bộ về hưu trước năm 1995 để tạo mặt bằng tương đối so với những người về hưu sau này; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh lương hưu cho những người về hưu có mức lương dưới 3 triệu đồng; chế độ hưu trí cho đối tượng là cán bộ tham gia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhất là những người nghỉ hưu trước năm 1993; xem xét và điều chỉnh chế độ lương hưu cho phù hợp đối với các cán bộ, người lao động hiện nay lãnh lương hưu hàng tháng dưới mức 2,5 triệu đồng/tháng. 

Về kiến nghị này, Bộ LĐTB&XH trả lời, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995, những người có mức lương hưu thấp. Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đã quan tâm hơn đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp và đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách BHXH: “Lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.

Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7.12.2021 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, theo đó: Từ ngày 1.1.2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12.2021; Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995 sau khi thực hiện điều chỉnh 7,4% có mức hưởng thấp hơn 2.300.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/tháng, đối với người sau điều chỉnh có mức hưởng cao hơn 2.300.000 đồng/tháng nhưng thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh lên mức bằng 2.500.000 đồng/tháng.

Ngọc Diêu – Tâm Phạm