BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Luật mới về internet của Indonesia gây tranh cãi

Cập nhật ngày: 03/11/2016 - 05:38

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudiantara, Luật Giao dịch và thông tin điện tử của Indonesia (gọi tắt là ITE) vừa được thông qua có một số điểm mới so với Luật cũ như: Giải thích bổ sung về khái niệm “phỉ báng“ trong bộ luật; Giảm thời gian kết án tù đối với một số tội danh, ví dụ tội phỉ báng xuống còn 4 năm so với 6 năm trong luật cũ, tội “đe dọa trực tuyến” cũng được giảm xuống còn 4 năm thay vì 12 năm; Bổ sung quy định mới về cách thức các cơ quan điều tra nhà nước khởi động điều tra về các hành vi phạm tội trên mạng; Bổ sung quyền được lãng quên, cho phép xóa toàn bộ thông tin về một ai đó theo yêu cầu của tòa án; Tăng thêm quyền hạn cho Chính phủ trong việc ngăn chặn, phòng ngừa việc lan tràn các nội dung tiêu cực trên internet….

Trước đó, Luật Giao dịch và thông tin điện tử của Indonesia (gọi tắt là ITE) đưa ra rất nhiều mức phạt khắt khe. Ví dụ, năm 2009, Prita Mulyasari đã phải bị ngồi tù sau khi một email cô này viết chỉ trích chất lượng điều trị tại bệnh viện quốc tế Omnni ở Tangerang bị lan truyền. Cô này bị kết tội là phỉ báng bệnh viện. Năm 2010, ca sĩ Nazril Irham cũng đã gặp rắc rối lớn với luật pháp khi một cuốn băng sex của anh này với hai nghệ sĩ khác bị lan truyền trên mạng.

Vì vậy, nhiều người ủng hộ bộ Luật ITE mới bởi nó đưa ra các định nghĩa rõ ràng hơn về những tội danh đang bị phạt tù như tội phỉ báng, đe dọa trên mạng internet. Nó sẽ tránh được những vụ kết án mà người bị kết án không cố ý gây ra. Thời gian bị phạt tù cũng giảm so với trước cho phù hợp hơn với mức độ phạm tội của các tội danh trên mạng so với tội danh hình sự.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc giảm thời gian phạt tù có thể khiến cho việc phỉ báng, bắt nạt, đe dọa trên mạng trở nên phổ biến hơn tại Indonesia. Thêm vào đó, việc trao thêm quyền cho Chính phủ trong việc ngăn chặn sự chia sẻ các thông tin tiêu cực trên internet có thể trở thành rào cản đối với việc tiếp nhận thông tin đa chiều trên mạng của người dùng internet.

Ví dụ mới đây các cảnh sát điều tra Indonesia cho biết họ đang theo dõi một số tài khoản trên mạng xã hội được cho là truyền bá các nội dung khiêu khích trước chiến dịch chạy đua cho chức Thống đốc Jakarta năm tới. Họ đang thu thập dữ liệu về chủ sở hữu của các tài khoản này và cho biết có thể yêu cầu sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn các tài khoản này. Việc cảnh sát có nhiều quyền hơn đối với các phương tiện truyền thông xã hội liệu có đảm bảo việc thông tin không bị bưng bít?

Nguồn XHTT


Liên kết hữu ích